Du lịch sinh thái Lung Trời ở miệt Hậu Giang

00:00 12/10/2020

Vùng đất ngập nước thiên nhiên- Lung Ngọc Hoàng luôn ẩn chứa những tiềm năng khai thác du lịch dạng Home Stay độc đáo, được mệnh danh là một trong những “lá phổi xanh” của tỉnh Hậu Giang và được ví von như “viên ngọc thô” chờ người “mài dũa”.

 

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Nơi có nhiều động, thực vật quý hiếm

Từ lâu, Lung Ngọc Hoàng  thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được biết đến là vùng ngập nước và là nơi trú ngụ, sinh sống của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm. Nơi đây vẫn lưu giữ lại khung cảnh hoang dã của thiên nhiên miền Tây Nam Bộ. Hàng trăm ngàn cây tràm nối tiếp nhau vươn cao gần chục mét tạo nên một không gian lý tưởng như “ngôi nhà chung” của các loài động, thực vật. Bước vào Lung Ngọc Hoàng, du khách có cảm giác như lạc vào một vùng trời cổ tích, thanh bình và đượm chất hoang vu như Lung Sen, Lung Trăn, Lung Chuối Nước.

Tôi đã có dịp đến đây trong một lần tình cờ, khoảng cách thời gian từ Thành phố Cần Thơ đến Lung Ngọc Hoàng cũng không xa lắm, nếu đi ô tô mất tầm khoảng 1 tiếng 30 phút. Đến Lung Ngọc Hoàng lần đầu, tôi được tận mắt thấy những đám rong rêu mọc hoang dã trong các kênh, lung… những hình ảnh hoa sen, hoa súng mọc tự nhiên và không khỏi thích thú vì sự lạ mắt và hoang sơ của vùng bán canh bán cư này. 

Lung Ngọc Hoàng có hệ sinh thái phong phú với nhiều loài động thực vật quý hiếm

Ông Lư Xuân Hội- Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho biết: “Trên 330 loài thực vật với 224 chi, 92 họ. Trong số này có 56 loài mới phát hiện. Với số loài thực vật phong phú như vậy, Lung Ngọc Hoàng sẽ là nơi nghiên cứu khoa học, bảo vệ các thảm thực vật quý, đồng thời kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tái tạo các mảng sinh cảnh trên vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại của khu vực ĐBSCL”. 

Với hệ thống lung trũng phong phú và hoang sơ kết hợp với rừng tràm được bảo vệ nghiêm ngặt, Lung Ngọc Hoàng là nơi thích hợp cho các loài lưỡng cư, cá tôm về sinh sống nhiều vô kể. Nơi đây từng được ví như cái rốn cá của khu vực phía Tây sông Hậu. Lung Ngọc Hoàng hiện quy tụ nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó có loài đang nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang... Tất cả có 206 loài, trong đó có 9 loài chim quý hiếm là bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, ác là... và các loài thú như dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo cùng các loài quý hiếm khác như càng đước, cua đinh, rùa vàng, ếch giun, cá còm...

 Toàn cảnh rừng tràm bát ngát – Ảnh Lý Anh Lam

Tìm sự khác biệt thu hút khách du lịch

Đã mang tên khu bảo tồn thì cần phải được bảo vệ, tuy nhiên để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái thì không thể đơn điệu, trầm lắng. Trước đây, tôi cũng có dịp đi thăm Vườn Quốc gia U Minh hạ thuộc tỉnh Cà Mau, vô tình nghe một vài du khách phàn nàn: “Đến Vườn Quốc gia mà chỉ ăn uống, nhậu nhẹt rồi lên tháp canh nhìn toàn cảnh và đi một vòng ngắm tràm rồi về, thật là chán. Nơi đây chỉ có đặc sản là ngon thôi, nên xuống một lần cho biết, chắc không ghé nữa”.

Dưới góc độ của một người dân mê du lịch, thích khám phá những nơi hoang dã và muốn bảo tồn những giá trị văn hóa, phát triển du lịch, chúng tôi rất muốn UBND tỉnh Hậu Giang và các ban ngành liên quan cần nghiên cứu cho Lung Ngọc Hoàng một chiếc áo mới để thu hút các bạn trẻ, khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học cần có chổ nghiên cứu về khu dự trữ sinh thái tự nhiên, được mệnh danh là lá phổi xanh mà ít người biết đến. 

 Trò chơi lúc lắc qua cầu tại khu du lịch sinh thái

Mặt trời đứng bóng, tôi leo lên tháp quan sát cao 21 mét đặt giữa trung tâm Lung Ngọc Hoàng. Đây cũng là tháp quan sát được xây dựng để đón khách du lịch. Đứng từ đây, gió lồng lộng, bốn bề là rừng tràm chạy ngút ngàn. Giám đốc Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng khẽ chỉ tay về phía chiếc cầu trắng nho nhỏ hiện ra phía xa xa rồi nói: “Đó là chiếc cầu nối đường đi bộ dài khoảng 12km (bề ngang rộng 1,5m), cơ sở hạ tầng đầu tiên mà Lung Ngọc Hoàng đã hình thành để đón khách du lịch khám phá một cách yên tĩnh”. Tôi hiểu câu nói khiêm tốn của anh Lư Xuân Hội như mong muốn có nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng căn cơ, tạo ra một không gian du lịch khám phá, yên tĩnh để nhiều người biết “nét duyên của Lung Trời giữa đồng bằng”! 

 Từ tháp canh nhìn xuống Lung Ngọc Hoàng như lá phổi xanh của ĐBSCL

Tiếng chim bìm bịp bỗng vang lên như báo hiệu con nước lớn- ròng hoán đổi vào buổi trưa. Tôi chợt nhớ bài hát “Về lại Lung Ngọc Hoàng” của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc, anh cũng là Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang: “Chim bìm bịp kêu theo con nước lớn, con nước ròng. Nghe tiếng rừng nỉ non, nôn nao ray rứt trong lòng… Bồng bềnh sương bay, trời mây chập chùng. Dưới lung cá ục, tiếng chim rúc trên đầu, ếch gọi bầy rền vang. Bước chân hoang đàn thú, gió lay rừng vi vu…”… Nghe lời bài hát, tôi cảm nhận và thấy yêu hơn khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng, bởi nó như lưu giữ ký ức của một thuở cha ông mở cỏi về phương Nam! Rất mong Lung Ngọc Hoàng sẽ có bước chân của nhà đầu tư “đặt đến” để “gọt dũa” thành viên ngọc lung linh trong du lịch miền sông nước.

 Lung Ngọc Hoàng là vùng đất ngập nước mang đầy vẻ hoang sơ, huyền bí

Lung Ngọc Hoàng có nghĩa là Vùng rừng lầy hoang dã của Ông Trời. Đây là khu bảo tồn đa dạng sinh học quý hiếm được đánh giá là một trong những quần thể quan trọng trên bản đồ đất ngập nước của Việt Nam, nước ngập quanh năm, cỏ dại mọc cao ngút ngàn, gây ấn tượng với bất cứ ai bởi vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí.

Trần Hữu Lễ