Hoàn thành Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên

00:00 12/10/2020

Ngày 26/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHDDT) kết hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị kết thúc dự án Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (2014 - 2019). Đây là dự án nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, điều phối, giám sát bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được thực hiện bởi các Ban Quản lý dự án cấp tỉnh thuộc Sở KHĐT và Ban Quản lý dự án cấp huyện thuộc UBND huyện tại 6 tỉnh được lựa chọn.

Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tập trung phát triển cộng đồng tại 26 huyện nghèo của 6 tỉnh liền kề nhau bao gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi ở khu vực Tây Nguyên và Miền Trung. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình của những huyện này khoảng 49% với tổng mức dân số khoảng 1,2 triệu người, trong đó hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu phát triển của Dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên là cải thiện cơ hội sinh kế cho các hộ nghèo và các cộng đồng ở vùng cao nguyên và miền Trung Việt Nam. Tổng Kinh phí của dự án là 165 triệu USD, trong đó vốn vay từ Ngân hàng Thế giới là 150 triệu USD (chiếm 90% tổng vốn của Dự án); vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam ước tính là 15 triệu USD (chiếm 10% tổng vốn của Dự án). Đến tháng 10/2019, Dự án đã điều chỉnh cắt giảm 15.866.000 USD (tương đương 11,5 triệu SDR) từ tổng số khoản vay.

Sau 5 năm thực hiện, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã hoàn thành tốt đẹp. Theo đánh giá sơ bộ, đến thời điểm hiện tại, Dự án đã đạt độ bao phủ 96,06% của vùng Dự án, với hơn 142.000 hộ gia đình, tương đương với 636.538 người hưởng lợi,  vượt 18% so với thiết kế ban đầu (Mục tiêu ban đầu: 120.000 hộ gia đình, tương đương hơn 540.472 người hưởng lợi), trong đó đa số là các hộ gia đình người DTTS, người nghèo và cận nghèo. Khảo sát người được hưởng lợi cho thấy 90% người dân hài lòng với việc lựa chọn các tiểu dự án cơ sở hạ tầng và sinh kế. Kế hoạch hàng năm của cấp xã được người dân trực tiếp đề xuất tại các buổi họp thôn với khoảng 60-80% các hộ trong thôn tham gia, trong đó khoảng 50% trở lên là đại diện hộ nghèo và hộ DTTS.

Dự án đã thực hiện tổng số hơn 2.100 tiểu dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm xây mới và cải tạo đường nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, xây dựng hệ thống nước tự chảy… Tới nay, hơn 439 km đường nông thôn đã được xây dựng, góp phần tạo thuận tiện cho người dân đi lại, giảm chi phí vận chuyển, thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm và mở rộng vùng sản xuất. Dự án cũng đã hoàn thành kiên cố hóa kênh mương và đập thủy lợi tại một số xã của dự án, mở rộng vùng tưới lên hơn 4.000 ha, góp phần tăng vụ, tăng năng suất và sản lượng hàng năm. Bên cạnh đó, Dự án cũng đã hoàn thành xây dựng 73 cây cầu treo, một số cống và ngầm tràn và 141 hệ thống nước tự chảy cung cấp nước sạch cho hơn 1.000 hộ gia đình.

Song song với việc xây mới và cải tạo các công trình, dự án cũng đã thực hiện rất tốt các hoạt động vận hành và bảo trì, giúp nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền các xã tham gia dự án trong việc vận hành hiệu quả, sử dụng và phát huy tối đa công năng của các công trình, sửa chữa kịp thời khi có hỏng hóc, giúp các công trình đạt hiệu quả cao nhất trong khoảng thời gian dài nhất.

Ngoài ra, dự án cũng đã hỗ trợ trực tiếp người dân thực hiện các mô hình sinh kế thông qua hơn 4.500 tiểu dự án sinh kế với loại hình trồng trọt hoặc chăn nuôi nhằm tự chủ và đa dạng hóa thu nhập, cũng như phát triển liên kết thị trường. Người dân được dự án hướng dẫn tự thành lập hơn 4.100 tổ nhóm cải thiện sinh kế để liên kết các hộ có cùng mục tiêu và loại hình trồng trọt hoặc chăn nuôi… Trong đó, 42 tổ nhóm là Tổ nhóm liên kết thị trường. Tới nay đã có gần 59.000 hộ nghèo và cận nghèo nhận được hỗ trợ trực tiếp từ dự án cho các hoạt động sinh kế, bao gồm con giống như bò, dê, heo, gà… để nuôi sinh sản và cây giống như lúa, ngô, dứa, chuối… kèm theo vật tư nông nghiệp cho năm đầu tiên và tập huấn kỹ thuật chăm sóc cho nông dân. Hiện nay, hơn 1.800 tổ nhóm sinh kế vẫn còn duy trì hoạt động. Một số mô hình kinh tế hộ đang mang lại hiệu quả rất cao như nuôi heo rừng lai, nuôi dê bách thảo, nuôi bò cỏ…

Trong quá trình thực hiện, Dự án đã nhận được sự chỉ đạo sâu sát, sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như UBND 6 tỉnh dự án nên công tác điều hành, quản lý và thực thi luôn được thông suốt. Đội ngũ cán bộ và tư vấn tham gia dự án có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết và đoàn kết đã có những nỗ lực cao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là đội ngũ các Hướng dẫn viên cộng đồng CF đã vượt qua mọi khó khăn để bám xã, bám thôn/bản thúc đẩy cho các hoạt động được thực hiện đúng kế hoạch, đồng thời là đầu mối thông tin chính xác, chi tiết nhất về các hoạt động của dự án.

Bên cạnh đó, Dự án cũng đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cán bộ và chuyên gia của Ngân hàng Thế giới. Hàng chục đoàn công tác đã đến với cộng đồng, hỗ trợ dự án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, hướng dẫn cách thức thực hiện cho các cán bộ dự án ở trung ương cũng như tại các tỉnh, và kịp thời lắng nghe, điều chỉnh những chi tiết cho phù hợp khi cần thiết.

Sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ này đã giúp dự án vượt qua thời gian đầu nhiều trở ngại để dần tiến về đích, và tới thời điểm hiện tại đã hoàn thành tốt đẹp.

PV