Dự án đường dây điện 220KV Hoà Bình-Quốc Oai: Chồng lấn đất dự án, DN kêu cứu

00:00 12/10/2020

Các doanh nghiệp đầu tư “Dự án nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao” tại xã Đồng Quang và xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Tp. Hà Nội đã đồng loạt đưa đơn lên UBND thành phố Hà Nội về việc  Ban Quản lý Dự án các Công trình điện Miền Bắc gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường sinh thái của dự án, khi thi công đường dây 220/500KV chồng lấn vào đất của các họ nhưng lại đơn phương bác bỏ quyền lợi của các doanh nghiệp này trong khi họ đã được chấp thuận làm dự án trên đất này từ rất lâu trước khi có dự án điện chạy qua.

trụ cột điện ngập trong nước nhưng chủ đầu tư không có biện pháp bảo vệ
Trụ cột điện ngập trong nước nhưng chủ đầu tư không có biện pháp bảo vệ

Chính quyền địa phương đề nghị tạm dừng thi công

Được biết, Dự án khu nhà vườn sinh thái Nông nghiệp công nghệ cao xã Đồng Quang và Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Tp. Hà Nội có diện tích 397,9 ha do 8 công ty đầu tư gồm: Công ty CP Đầu tư Hải Phát; Công ty Eurowindow Holding; Công ty CPĐTKD&PTHT KCN Phúc Hà; Công ty CP Sông Đà 7; Công ty CP Hưng Hà; Công ty CP ĐTXD& TM Thành Nhân; Công ty TNHH ĐT&PT DIA-Hà Tây; Công ty CP ĐTXD Đức Hùng P.H.

Theo phản ánh, Dự án trên đã được các cấp có thẩm quyền của tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; phê duyệt dự án; phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ (BTHT) và giải phóng mặt bằng (GPMB). Các nhà đầu tư cũng đã ứng vốn thực hiện công tác BTHT và GPMB cơ bản sạch là 116,6 ha từ năm 2008. Năm 2009 các nhà đầu tư tiếp tục ứng vốn thực hiện BTHT và GPMB khu đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi vào dự án.

Ngày 15/10/2013, UBND Tp. Hà Nội có Công văn số 7758/UBND-TNMT, về việc cho phép dự án của 8 công ty nêu trên tiếp tục được triển khai và hoàn thiện các hồ sơ của dự án. Hiện các nhà đầu tư đang khẩn trương triển khai các bước để tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đất dịch vụ trả cho người dân.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2016 các nhà đầu tư hoàn toàn bất ngờ khi được biết Dự án đường dây 220/500KV do Ban Quản lý Dự án các Công trình điện Miền Bắc làm chủ đầu tư chồng lấn vào giữa dự án của mình, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế và môi trường sinh thái của dự án.

Điều đáng nói, Dự án đầu tư của các doanh nghiệp trên đã được phê duyệt từ năm 2008, còn dự án đường dây 220KV mãi đến ngày 28/4/2011, Viện Năng lượng mới có Văn bản số 666/VNL-TT1 gửi đến UBND huyện Quốc Oai để xin thoả thuận tuyến. Sau đó, huyện Quốc Oai trả lời bằng Văn bản ngày 18/5/2011, trong đó “Đề nghị Viện Năng lượng thông báo cho chủ đầu tư các dự án có đường dây điện dự kiến đi qua, đồng thời nghiên cứu quy hoạch của các dự án này để điều chỉnh cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án sau này”. Tuy nhiên Viện Năng lượng đã phớt lờ khuyến cáo của chính quyền địa phương, phớt lờ quyền lợi của các nhà đầu tư khác khi không thông báo việc này.

Sau khi biết sự việc, ngày 18/4/2016 các nhà đầu tư đã gửi công văn lên UBND huyện Quốc Oai về việc đường dây điện 220/500KV chạy giữa dự án. Ngày 23/4/2016 UBND huyện Quốc Oai đã có Công văn số 413/UBND-QLĐT gửi: Sở Công Thương Tp. Hà Nội; Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố; Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc; Ban Quản lý Dự án các Công trình điện Miền Bắc về việc “Điều chỉnh hướng tuyến hệ thống đường dây 220/500KV chạy qua địa phận xã Đồng Quang, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai”. Theo đó, UBND huyện Quốc Oai đề nghị các cơ quan nêu trên điều chỉnh hướng tuyến đường dây điện 220/500KV để không chồng lấn lên dự án nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao xã Đồng Quang và xã Cấn Hữu.

Ngày 28/4/2016, ông Đỗ Lai Luật - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, ký tiếp Công văn đề nghị Ban quản lý Dự án các Công trình điện Miền Bắc (chủ đầu tư dự án đường dây 220/500KV) chỉ đạo đơn vị thi công tạm dừng thi công các vị trí cột điện nằm trong Dự án nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao; UBND huyện cũng chỉ đạo UBND xã Cấn Hữu yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng thi công công trình đường điện trên địa bàn xã quản lý.

Bỏ ngỏ quyền lợi chủ dự án hợp pháp

Ngày 23/9/2011, UBND Tp. Hà Nội có Công văn số 8128/UBND-CT, trong đó chỉ “Chấp thuận về nguyên tắc hướng tuyến các đường dây… và giao Sở Quy hoạch Kiến trúc hướng dẫn chủ đầu tư liên hệ làm việc với các tổ chức và địa phương liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp các quy hoạch… trước khi tiến hành các bước tiếp theo của dự án xây dựng đường dây”.

Tuy nhiên, không hiểu sao, tới nay Ban quản lý Dự án các Công trình điện Miền Bắc dường như cố tình phớt lờ quyền lợi của những công ty đang có dự án ở dưới đường dây điện dự kiến sẽ đi qua.

Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, ngày 17/5/2016, các công ty trên đã gửi công văn tới: UBND Tp. Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quốc Oai, Ban quản lý Dự án các Công trình điện Miền Bắc đề nghị xem xét điều chỉnh vị trí các cột điện ra khỏi ranh giới đất của dự án để đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho các doanh nghiệp đầu tư.

Theo Công văn này, các nhà đầu tư khẳng định: Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Bắc không thực hiện đúng các văn bản của các cấp chính quyền về việc phải thông báo cho các dự án có đường dây điện dự kiến đi qua. Cũng không nghiên cứu ranh giới các dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, phê duyệt dự án đầu tư…và không thông báo cho các chủ đầu tư dự án nhà vườn được biết để phối hợp khi quy hoạch các vị trí cột điện dẫn đến vị trí cột đường dây 220/500KV để tuyến điện chồng lấn vào giữa dự án, cắt ngang dự án làm phá vỡ toàn bộ mặt bằng quy hoạch của dự án, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của các nhà đầu tư, đồng thời làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và không thu hút được các nhà đầu tư chiến lược.

Trong khi đó, ngày 6/5/2016, Công ty truyền tải điện miền Bắc lại có Công văn gửi UBND huyện Quốc Oai và xã Cẩm Hữu có nội dung cho rằng, các doanh nghiệp yêu câu bồi thường hoặc chỉnh hướng tuyến để tránh dự án là không có cơ sở khi viện dẫn Nghị định 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện cho phép công trình tồn tại dưới hành lang an toàn lưới điện. Tuy nhiên, phía các doanh nghiệp cho rằng, như vậy là không công bằng đối với họ khi họ là doanh nghiệp kinh doanh và khu vực đất dự án điện đi qua được phê duyệt sau, chồng lấn vào đất dự án của họ. Như vậy doanh nghiệp chịu thiệt thòi, khó lòng kêu gọi đầu tư trong khi hoạt động của ngành điện lực tuy là dự án nhà nước song vẫn mang tính chất kinh doanh, có lợi nhuận?

Để rà soát, thống nhất việc điều chỉnh hướng tuyến, ngày 24/5/2016, UBND Tp. Hà Nội ra Thông báo số 139/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp UBND Thành phố bàn một số nội dung do Sở Công Thương đề xuất. Tại mục 1.5 của Kết luận nêu rõ: “Giao UBND huyện Quốc Oai phối hợp với Sở Công Thương, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia rà soát, thống nhất việc điều chỉnh hướng tuyến, vị trí các cột tuyến đường dây 220kV và 500kV đi qua địa phận xã Đồng Quang và xã Cấn Hữu , khẩn trương báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết theo quy định”.

Thiết nghĩ, UBND Tp. Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu Ban quản lý Dự án các Công trình điện Miền Bắc đã để xảy ra sự việc trên, do không tham mưu kịp thời, không thực hiện nghiên pháp luật của nhà nước liên quan tới quyền lợi của công dân, dẫn đến sự việc bức xúc kéo dài, nguy cơ chậm tiến độ dự án, gây thất thoát tiền tỷ cho nhà nước.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Lê Xuân/Baotainguyenmoitruong.vn