Dòng tiền dịch chuyển do lãi suất huy động giảm

00:00 12/10/2020

Việc các ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất huy động để hạ chi phí vốn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng tín dụng cũng đồng nghĩa với khả năng sẽ đẩy dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác là chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

VPBank-4881-1594283768.jpg

Lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sẽ kích thích dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Vào những ngày đầu tháng 7, một số ngân hàng quốc doanh quyết định giảm lãi suất huy động kéo theo mức điều chỉnh đồng thời ở nhóm ngân hàng thương mại với mức giảm phổ biến 0,2 - 0,3%/năm, thậm chí một số ngân hàng cắt giảm trên 0,5%/năm mặc dù không có chỉ thị mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lãi suất điều hành.

Lãi suất tiền gửi liên tục giảm

Việc cả hệ thống điều chỉnh giảm lãi suất huy động một cách khá bất ngờ khi không có hiệu lệnh chung của NHNN được lý giải là do thanh khoản tiếp tục duy trì trạng thái dư thừa mạnh. Vốn đầu ra bị tắc nghẽn do tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể, tính đến 29/6, tín dụng chỉ tăng 3,26%, thấp hơn nhiều so với 3 năm trở lại đây. Trong khi đó, kể từ tháng 4 đến nay có một lượng lớn tín phiếu NHNN đáo hạn - NHNN đã bơm ra hệ thống khoảng gần 150.000 tỷ đồng.

Do vậy, lãi suất liên ngân hàng trong tháng 6 đã giảm tiệm cận về 0%, trong khi dòng tiền chuyển hướng sang đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP) giúp lượng phát hành TPCP của Kho bạc Nhà nước trong tháng 6 lớn nhất trong một năm gần đây. Nhu cầu TPCP tăng mạnh cũng được thể hiện qua việc khối lượng đặt thầu trong tháng 6 luôn duy trì ở mức gấp 3 lần so với khối lượng gọi thầu.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB (KBSV), động thái giảm lãi suất huy động trong thời gian qua giúp cho ngân hàng cắt giảm chi phí vốn, đồng thời cũng bảo vệ biên lãi thuần (NIM) khỏi sự suy giảm mạnh khi lãi suất cho vay bị áp lực giảm để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Ví dụ như trường hợp của BIDV, Agribank, Vietcombank từ ngày 1/7 đã công bố giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay cùng lúc với việc giảm lãi suất huy động…

Trước xu hướng giảm lãi suất huy động hiện nay, các chuyên gia lo ngại sẽ có sự chuyển dịch dòng tiền sang các lĩnh vực hấp dẫn hơn như chứng khoán, bất động sản và trái phiếu.

Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI vừa có báo cáo về kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), dẫn dữ liệu công bố của các doanh nghiệp và HNX cho thấy, tổng lượng TPDN phát hành 6 tháng đầu đầu năm ước đạt 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn, do các thông tin phát hành vẫn đang được công bố.

Thị trường chứng khoán tính đến ngày 11/6 ghi nhận thanh khoản của thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ bình quân đạt 5.439 tỷ đồng/phiên, tăng 6,8% so với bình quân năm 2019. Trong đó, lực cầu chủ yếu đến từ trong nước, còn từ khối ngoại giảm.

Trong khi đó, trên thị trường bất động sản đang có sự khởi sắc, nhu cầu đầu tư tăng, đặc biệt đầu tư vào đất nền.

Dịch chuyển dòng tiền

Theo nhận định của KBSV, xu hướng mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ nếu tín dụng hồi phục.

Lãnh đạo NHNN khẳng định, cơ quan này đã điều chỉnh một loạt chỉ tiêu tăng trưởng cho các ngân hàng thương mại có hoạt động tín dụng lành mạnh, trong đó ưu tiên điều chỉnh chỉ tiêu cao hơn cho những nhà băng có tăng trưởng tín dụng lớn vào các lĩnh vực phục vụ tăng trưởng kinh tế.

KBSV đánh giá xu hướng mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian tới sẽ phụ thuộc 3 yếu tố chính: tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm, chính sách điều hành của NHNN và lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2020.

Trong kịch bản cơ sở, KBSV cho rằng lãi suất huy động vẫn sẽ tăng nhẹ trong năm 2020 khi tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ hồi phục và lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2020 có thể sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.

“Mức điều chỉnh sẽ kỳ vọng chỉ tăng nhẹ khoảng 0,3 - 0,5% do chúng tôi đánh giá vẫn còn khả năng NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa (trong bối cảnh lạm phát có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm nhờ mức nền giá cao trong 2019)”, KBSV cho hay.

Theo một chuyên gia, điều này có thể giúp ngân hàng tăng tính cạnh tranh với các kênh huy động vốn khác như chứng khoán, bất động sản và trái phiếu.

SSI cho biết, lượng TPDN do các tổ chức phi tín dụng và cá nhân nắm giữ đã tăng khoảng 153% trong năm 2019 và tăng khoảng 25% trong 6 tháng đầu năm 2020. Rõ ràng, TPDN đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi do có cùng tính chất là các khoản đầu tư có thu nhập cố định.

Còn Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, chênh lệch tăng trưởng cung tiền và tín dụng duy trì mức dương tháng thứ 10 liên tiếp ở mức cao kể từ năm 2016. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng vẫn đang duy trì ở mức thấp, phần nào cho thấy dòng tiền trong hệ thống vẫn sẽ tiếp tục dồi dào ít nhất một tháng tới. Thị trường mở (OMO) hầu như vắng bóng các giao dịch giữa ngân hàng thương mại với NHNN. VDSC đánh giá nhu cầu vốn cho hoạt động kinh tế khả năng vẫn thấp trong tháng 7.

Trong bối cảnh đó, việc liên tiếp giảm lãi suất huy động một mặt giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí vốn, song cũng sẽ kích thích dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư gồm chứng khoán và bất động sản - hai kênh đầu tư phổ biến nhất ở Việt Nam.

Thanh Hoa