Điều này chắc chắn sẽ phải là một nhiệm vụ nặng nề trước vận hội mới, mà cách mạng 4.0 là một thách thức lớn.

Chẳng vậy mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau” và “đồng hành nghĩa là cùng đi, cùng bước”. Một trong những vấn đề mà Thủ tướng đặt ra cho Đại hội Công đoàn Việt Nam lần này là: “Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và công tác hiện nay như thế nào? Cần có đột phá gì?”.

Trong ngành da giày đã có những doanh nghiệp nước ngoài sử dụng robot để thực hiện khâu quét keo, may chi tiết đồng bộ.

Cách mạng 4.0 và nỗi lo hiện hữu

Chắc chắn vấn đề này nằm trong nỗi trăn trở về cách mạng 4.0 của Thủ tướng. Bởi ông tin rằng: Cách mạng 4.0 sẽ mang lại thịnh vượng cho dân tộc, làm cho đất nước phú cường. Cũng bởi vậy mà Thủ tướng đề nghị Đại hội XII Công đoàn Việt Nam “cần quan tâm đầu tư xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động ứng phó với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, về nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động…”.

Tuy vậy, tổng kết một số thành tựu của Công đoàn Việt Nam, ngoài con số 10 triệu công đoàn viên đã đạt được, thì Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động chỉ điểm lại những nét chính mà công đoàn các cấp đã làm được. Chẳng hạn như “Chia sẻ khó khăn, thăm hỏi, hiếu hỷ, tổ chức tham quan, du lịch, chăm sóc sức khỏe định kỳ góp phần cải thiện đời sống cho đoàn viên và người lao động; hay nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động” đã mở đường cho 2.281 CĐCS cuộc đối thoại, thương lượng thành công nâng giá trị bữa ăn ca của 587.239 người lao động từ 15.000 đồng trở lên. Những chương trình khác được “điểm danh” như “Tết Sum vầy” được triển khai từ năm 2015; chương trình “Mái ấm Công đoàn” với trên 20.000 gia đình đoàn viên được xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỉ đồng…

Đương nhiên, cách mạng 4.0 nhìn từ bên ngoài với những khái niệm chưa hẳn là đầy đủ, sẽ tác động không nhỏ tới đời sống công nhân. Việc làm ở những ngành thâm dụng lao động có thể bị giảm đi, nhưng mặt khác cách mạng 4.0 sẽ khiến cho công nhân bớt phải làm những “việc tay chân” để có cuộc sống tốt hơn. Doanh nghiệp đương nhiên sẽ gia tăng lợi nhuận khi áp dụng thành tựu của cách mạng 4.0 và công nhân cũng sẽ phải hòa mình vào phong trào công nghệ.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 diễn ra tại Việt Nam với một nội dung “xương sống” là cách mạng 4.0, có câu chuyện liên quan đến người lao động đã được nói đi nói lại nhiều lần nhưng chưa bao giờ hết nóng. Đó là những người lao động có bị bỏ rơi lại phía sau và các cơ quan hữu quan phải làm gì để sát cánh cùng họ?

Những nỗ lực của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng trong việc đẩy mạnh cách mạng 4.0 tại Việt Nam là rất to lớn. Nhưng trăn trở lớn nhất của ông có lẽ vẫn là “đời sống công nhân”. Đây chính là một trong những trọng tâm của Thủ tướng trong các lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân trước đây và ngay cả khi ông phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN: “Theo ILO, 56% số việc làm ở 5 nước ASEAN có khả năng sẽ chuyển sang trí tuệ nhân tạo và robot và do đó có nguy cơ chấm dứt kỷ nguyên “công xưởng châu Á” truyền thống của các nước. CMCN 4.0 có tiềm năng làm tăng tốc thu nhập đối với người dân và quốc gia có tài năng và có tri thức; làm tăng khoảng cách thu nhập và là nguy cơ về bất ổn xã hội…”.

Những “âu lo” này của Thủ tướng chắc chắn nên là “kim chỉ nam” đối với Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Bởi chỉ khi xác định được những nguy cơ của cách mạng 4.0 tại Việt Nam và tham gia giải quyết, biến “mối nguy” thành “cơ hội” thì Công đoàn Việt Nam mới là “điểm đến của người lao động” như mong muốn của ông Bùi Mạnh Cường. Có vậy thì 10 triệu công đoàn viên mới có thể đi nhanh, đi xa cùng Cách mạng 4.0 như lời Thủ tướng hiệu triệu.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu: Trường đại học chưa mặn mà gắn kết với doanh nghiệp

Hiện tại, chủ yếu doanh nghiệp có nhu cầu gắn kết với nhà trường - nhà khoa học, còn nhà trường, nhất là các trường công lập, chỉ tập trung công tác đào tạo chứ chưa mặn mà hợp tác với doanh nghiệp. Các trường ĐH ở nước ngoài có trung tâm về đổi mới sáng tạo gắn rất chặt với doanh nghiệp. Nhờ những trung tâm đó, sinh viên được học tập ở môi trường rất thật; các doanh nghiệp liên kết với các trường để tìm nguồn nhân lực tương lai. Hoạt động của trung tâm đổi mới sáng tạo ở trường phải thiết thực và đi cùng với nhịp thở cuộc sống chứ không phải là môi trường dạy và học mà phải gắn rất chặt với môi trường kinh doanh.

Bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN): Doanh nghiệp cần đào tạo dự phòng

Trong quá trình chuyển đổi, không tránh khỏi một bộ phận công nhân dôi dư. Để thị trường lao động linh hoạt và NLĐ có thể chuyển đổi sang việc làm khác, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần quan tâm và có kế hoạch đào tạo dự phòng cho NLĐ, tức là bên cạnh việc đào tạo các kỹ năng của công việc hiện tại, doanh nghiệp cần đào tạo thêm các kiến thức và kỹ năng chuyên môn khác mà thị trường lao động trong tương lai cần tới, đặc biệt là kiến thức về tin học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, phần mềm...

Đại Dương