Đơn hàng dệt may suy giảm

00:00 12/10/2020

Ngay từ đầu năm với đơn hàng dồi dào, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Tuy nhiên, gần đây đơn hàng bỗng dưng suy giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành lo lắng.

Nhận diện nguyên nhân

Tình cảnh suy giảm đơn hàng dệt may lan từ DN nhỏ đến DN quy mô lớn. “DN tôi có 3 dây chuyền may gia công hàng thun xuất khẩu với hơn 100 lao động. Thời gian gần đây, phía đối tác cũng là công ty trong nước bỗng dưng cắt giảm đơn hàng khiến chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo đi tìm nguồn mới với đơn giá thấp, thậm chí không có lời, để có việc làm cho công nhân”, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thanh Bình, ông Nguyễn Văn Năm lo lắng bày tỏ. 

Các DN lớn như May 10, May Việt Tiến, May Nhà Bè… cũng ở vào tình cảnh tương tự. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may (Vitas) Trương Văn Cẩm, tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến nên kim ngạch xuất khẩu không khả quan như kỳ vọng từ đầu năm. Lượng đơn hàng của nhiều DN dệt may mới chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Điều này khiến mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD của ngành trong năm nay rất khó đạt được.

Đại diện Vitas cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng suy giảm đơn hàng là do chiến tranh thương mại vẫn đang tiếp diễn, thể hiện rõ rệt nhất là lượng xuất khẩu sợi của Việt Nam đã giảm mạnh. Trước đây, bình quân Việt Nam sản xuất 2,2 triệu tấn sợi/năm, trong đó xuất khẩu 1,5 triệu tấn, chiếm khoảng 68% sản lượng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, tình hình xuất khẩu sợi có nhiều bất ổn. Sang đến năm 2019, tiêu thụ sợi rất khó khăn, 6 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu sợi chỉ đạt 1,1%.

Ngoài ra, việc một số quốc gia phá giá đồng tiền để tạo thuận lợi cho xuất khẩu, trong khi VND vẫn ổn định khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có giá thành cao hơn, dẫn đến xuất khẩu của ngành dệt may rơi vào thế bất lợi. Từ năm 2018 và đầu năm 2019, ngành dệt may kỳ vọng vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết, như EVFTA, sẽ thúc đẩy mạnh xuất khẩu.

Doanh nghiệp dệt may đang đối diện nguy cơ giảm đơn hơn xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TRÍ

Tuy nhiên, đến nay các FTA dù được ký kết nhưng mới dừng lại ở mức thị trường tiềm năng, chưa có hiệu lực thực sự, dẫn đến hàng xuất khẩu vẫn chịu thuế. Đây có thể là nguyên nhân khiến các nhà nhập khẩu chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác và khiến DN Việt khan hiếm đơn hàng.

Chưa kể, từ đầu năm, cả DN lẫn các chuyên gia trong ngành đều kỳ vọng chiến tranh thương mại sẽ góp phần gia tăng đơn hàng cho Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình kinh tế thế giới khó khăn đã khiến sức mua giảm; còn đơn hàng dịch chuyển đến nay vẫn chưa rõ nét.

Chuyển bộ kịp thời trước FTA

Dầu vậy, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtex) Phạm Xuân Hồng cho rằng, tình trạng thiếu đơn hàng đã xảy ra nhưng không phải toàn ngành, mà chỉ xuất hiện tại một số DN, đặc biệt ở khu vực phía Bắc. Tại TPHCM, các DN thuộc hội viên Agtex vẫn có đơn hàng bình thường.

“Dù xảy ra việc thiếu đơn hàng tại một số DN, nhưng tốc độ tăng trưởng chung của ngành vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may cả năm vẫn có thể đạt 40 tỷ USD, bởi dù DN Việt Nam không thể gia tăng xuất khẩu, nhưng khối DN FDI vẫn có năng lực để gia tăng và bù cho toàn ngành”, ông Phạm Xuân Hồng lạc quan nhận định.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu trong cả năm nay, phía Vitas khuyến nghị, các DN cần nỗ lực nhiều hơn. Đặc biệt, nửa cuối năm phải đạt mức tăng trưởng xuất khẩu từ 11% trở lên thì kim ngạch xuất khẩu cả năm mới có thể đạt con số 40 tỷ USD. Trong đó, DN cần tích cực tìm kiếm đơn hàng, đảm bảo sản xuất liên tục từ nay đến cuối năm. Với những DN lớn có khả năng ký đơn hàng lớn, cần tìm kiếm và chia sẻ với DN nhỏ. DN trong nước liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA.

Về lâu dài, muốn ổn định được đơn hàng, DN trong nước phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững, tiến tới sẽ được các nhãn hàng công nhận về sự minh bạch và thu hút được đơn hàng trong tương lai. Bên cạnh đó, các DN trong ngành cần tự nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời áp dụng các biện pháp như cắt giảm chi phí đầu vào, chuẩn hóa quy trình sản xuất, quy trình quản lý chuẩn theo thực trạng của DN.

“Bởi chỉ khi quản lý sản xuất, quản lý con người theo tinh thần cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới mục tiêu biến nhà máy sản xuất thông thường thành nhà máy sản xuất thông minh, không để lãng phí bất kỳ nguồn lực nào, thì các DN mới có thể tồn tại được trong thị trường đầy biến động hiện nay”, Giám đốc điều hành Vinatex Cao Hữu Hiếu đưa ra giải pháp.

Theo Vitas, nửa đầu năm 2019, ngành dệt may xuất khẩu đạt 17,97 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hàng may mặc đạt 14,02 tỷ USD, tăng 8,71%; vải đạt 1,02 tỷ USD, tăng 29,9%; xơ, sợi đạt 2,01 tỷ USD, tăng 1,1%; vải địa kỹ thuật tăng 16,9%. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành với kim ngạch 7,22 tỷ USD, tăng 12,84% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 46,9%; các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 2,57 tỷ USD, tăng 11,13%, chiếm tỷ trọng 16,71%; EU đạt 2,05 tỷ USD, tăng 10,46%, chiếm tỷ trọng 13,36%…

Lạc Phong