Đòi nợ thuê và những biến tướng

00:00 12/10/2020

Pháp luật hiện hành công nhận kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hay nhiều người gọi là “đòi nợ thuê” như một loại dịch vụ tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14/06/2007 của Chính phủ.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của xã hội, nhiều vụ việc xuất phát từ đòi nợ thuê diễn ra khá phổ biến như bắt cóc con nợ, cố ý gây thương tích, giết người…

Nhức nhối xã hội

Theo đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), hoạt động của các công ty hoạt động dưới vỏ bọc là “thu hồi nợ”, “hỗ trợ tài chính”… hết sức chuyên nghiệp. Những nhóm này có nguồn cung cấp tài chính, kẻ đi tiếp thị cho vay, người đi thu gom nợ và các đối tượng đi xiết nợ theo hợp đồng giao dịch.

 Một trường hợp con nợ bị nhóm đòi nợ thuê khủng bố, đe dọa.

Các đối tượng đi làm nhiệm vụ siết nợ rất manh động, dùng mọi chiêu trò để đòi nợ cho bằng được, thậm chí có thể gây án mạng. Bởi khi người vay tiền không còn khả năng chi trả, hoặc trả nợ không đúng hạn do phải chịu lãi suất "cắt cổ" thì lập tức xuất hiện các đối tượng "đầu gấu", xăm trổ tìm tới.

Điển hình, vụ việc xảy ra vào tháng 1/2019, ông Lê Đình Hữu Phước (55 tuổi, trú tại phường Yên Đỗ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) bị đối tượng Đỗ Ngọc Lắm cùng nhóm người bắt cóc và tra tấn đến chết vì nhận nợ 100 triệu đồng (tiền nợ nhận thay cho cháu). Trong vụ việc này, nhiều đối tượng gây án đã bị bắt giữ, thế nhưng hành vi côn đồ của nhóm đối tượng gây bất bình, phẫn nộ trong dư luận.

Một sự vụ hy hữu mới xảy ra vào tháng 4/2019, khi 3 nhân viên Công ty Dịch vụ đòi nợ H.T đã bị chính “con nợ” hành hung khi đi đòi nợ tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Những người này chỉ được tha cho về sau khi đã bị đánh bầm dập, thậm chí các đối tượng đi đòi nợ còn bị bắt nằm sấp dưới nền nhà xưởng để quay video rồi tung lên mạng xã hội…

Đòi nợ làm sao hợp pháp?

Một chuyên gia trong lĩnh vực điều tra tội phạm hình sự chia sẻ: Qua các vụ “Bắt giữ người trái pháp luật” được lực lượng Công an Hà Nội khám phá gần đây, không ít vụ nguyên nhân xuất phát từ quan hệ làm ăn, thuê đối tượng côn đồ đòi nợ. Có những đối tượng “đầu vụ” lại là những công dân có bản chất hiền lành, chất phác…

Khi hai bên không tìm thấy tiếng nói chung, người bị hại nôn nóng muốn đòi lại tiền, tài sản của mình nên đã dùng các biện pháp “mạnh”, dẫn đến có những hành vi đi quá giới hạn pháp luật cho phép, đã vô tình đẩy mình từ bị hại thành bị can. Từ các vụ việc xảy ra cho thấy, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề nhạy cảm, tuy nhiên tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

Nguyên nhân chính của các hạn chế này là do các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn chưa thực hiện đúng các quy định tại Nghị định 104, chủ yếu vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ và vi phạm về an ninh trật tự xã hội. Trong khi đó, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước còn mờ nhạt, chỉ khi xảy ra các vụ việc thì lực lượng công an mới tham gia xử lý ổn định an ninh, trật tự xã hội.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Đòi nợ thuê không phải tội phạm như nhiều người vẫn lầm tưởng mà nó được công nhận là dịch vụ “đòi nợ”, một dịch vụ có tính chất đặc biệt, được pháp luật công nhận và điều chỉnh. Đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2014.

Hiện có 3 cách khác nhau để thu hồi khoản nợ từ khách hàng: Theo đó, người cho vay có thể tự thu hồi khoản nợ từ khách hàng; người cho vay thuê các công ty thu hồi nợ thu hồi khoản vay; người cho vay bán khoản nợ cho các tổ chức mua nợ trên thị trường. Chỉ những DN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ.

Có thể thấy rằng, dịch vụ đòi nợ thuê ngoài những công ty hoạt động theo khuôn khổ pháp luật thì hiện nay có nhiều biến tướng. Do vậy, ngoài hình thức quản lý, xử lý nghiêm của cơ quan thực thi pháp luật đối với loại tội phạm này, cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân.

Đạt Lê