Đổi mới trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

00:00 12/10/2020

Nhằm cụ thể hóa Kế hoạch hành động của ngành Công Thương tại Quyết định 4246/QĐ-BCT về việc triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, các cơ sở đào tạo của ngành đã chủ động đổi mới, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo…

Năng động, sáng tạo

Ngành Công Thương hiện có 48 cơ sở đào tạo, trong đó, 35 trường thuộc Bộ, 13 trường thuộc các tập đoàn, tổng công ty. Tổng quy mô đào tạo của các trường là 203.839 học sinh, sinh viên với 317 ngành, nghề đào tạo. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm chuyển biến tích cực, tỷ lệ tốt nghiệp có việc làm sau đại học đạt 100%, đại học (85%), cao đẳng và trung cấp (80%). Số cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên là 13.342 người.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng thăm và làm việc tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế 4.0

Một trong những yêu cầu mà Quyết định 4246/QĐ-BCT đặt ra đối với các cơ sở đào tạo của ngành đó là phải đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả tiến bộ công nghệ của cuộc CMCN 4.0; xây dựng mô hình đào tạo liên kết với doanh nghiệp nhằm bám sát thực tiễn kinh doanh cũng như đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng lao động...

Theo đó, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động đổi mới, sáng tạo, từng bước định vị thương hiệu trên bản đồ các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có uy tín ở Việt Nam như: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Đại học Điện lực, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng…

Cụ thể, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có mối quan hệ hợp tác với trên 2.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hàng năm, 2.000-2500 sinh viên được nhà trường đưa ra nước ngoài làm việc, chủ yếu tại: Nhật Bản, Hàn Quốc… Trường Cao Đẳng Công nghiệp Huế đã tận dụng nguồn lực từ các dự án trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực và trình độ giảng viên, phục vụ trực tiếp công tác dạy nghề, điển hình như Dự án KOSEN phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Dự án USAID COMMET nâng cao năng lực giảng viên thông qua phương pháp đào tạo tiên tiến, Dự án Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo (IPP – Phần Lan) nâng cao năng lực giảng viên và sinh viên. Ngoài ra, nhà trường tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác từ Úc, Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc và tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế như: KOICA, JICA, USAID COMET...

Chuyển biến mạnh mẽ

Công tác đổi mới cơ chế quản lý giáo dục được các cơ sở đào tạo của ngành đẩy mạnh theo hướng tự chủ, tăng cường kiểm định chất lượng. Các trường không chỉ đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư, không phụ thuộc ngân sách nhà nước mà còn có tín hiệu tăng trưởng mọi mặt, cả về chỉ tiêu tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu ra... Nguồn vốn ODA, vốn ưu đãi cũng góp phần cải thiện tích cực về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường.

Nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, đến nay, 6 trường đại học thuộc Bộ đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 2 trường có các chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế như AUN-QA (Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) và ABET (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng).

Bên cạnh đó, các trường chủ động mở ngành và chương trình đào tạo: Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã bổ sung 25 chương trình/ngành/2 năm; Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung 16 chương trình/ngành đào tạo… Việc mở mới các ngành chủ động, đáp ứng nhu cầu xã hội trong quá trình đào tạo.

Một số trường tự chủ đã có định hướng phát triển nghiên cứu khoa học rõ ràng, các nghiên cứu có tính ứng dụng cao như: Đại học Điện lực, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh… Tổng số đề tài trung bình hàng năm trên 500 đề tài, trong đó, chủ yếu là đề tài cấp trường và cấp bộ/tỉnh. Số lượng hội thảo được các trường tổ chức cũng tăng mạnh, từ khoảng hơn 40 hội thảo năm 2013 lên đến 150 hội thảo vào năm 2018, trong đó, số hội thảo quốc tế tăng rõ rệt.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng có thể khẳng định các cơ sở đào tạo ngành Công Thương đã và đang chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Nguyễn Văn Thảo - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương