Đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam

00:00 12/10/2020

Nhằm đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về đổi mới sáng tạo, Trường đại học Điện lực và Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) tổ chức hội thảo: “Đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam” vào sáng ngày 12/10

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong thành công của các doanh nghiệp. Năng lực này được cấu thành từ nhiều khía cạnh như kỹ thuật, công nghệ, quản lý. Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, công nghệ thông tin và hoạt động đổi mới sáng tạo là hai thành tố quan trọng đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Nền kinh tế không thể tăng trưởng bền vững nếu từng doanh nghiệp gặp hạn chế trong khả năng cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng. Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cuối năm 2017, Việt Nam đã lên hạng thứ 55, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần được thúc đẩy, nâng cao hơn nữa để định vị thương hiệu của mình trong lòng người tiêu dùng, mở rộng thị phần trong và ngoài nước vì phần lớn doanh nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ và vừa (chiếm 97%), khả năng cạnh tranh kém, sử dụng thiết bị lạc hậu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng thấp cũng như chưa có chiến lược kinh doanh cụ thể…

Với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu đến từ các Bộ ngành, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp dịch vụ và các nhà nghiên cứu; các trường đại học… hội thảo bao gồm các phiên thảo luận, trao đổi, chia sẻ từ các nhà quản trị doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế trong các lĩnh vực: quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán, kiểm toán, quản lý công nghiệp, năng lượng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thực tiễn ứng dụng đổi mới sáng tạo và quản trị hiện đại trong các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Chia sẻ tại hội thảo về những đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho biết: Đổi mới sáng tạo ở đây không phải câu chuyện về thách thức. Trong thời buổi hiện nay, nó thật sự áp lực, nhưng nó là đòi hỏi. Nếu chúng ta quan sát doanh nghiệp Việt Nam trong những năm trở lại đây ta thấy có 3 nhóm rất rõ. Nhóm thứ nhất, một số doanh nghiệp vẫn cố tận dụng khai thác những lợi thế so sánh vốn có của Việt Nam như tài nguyên, đất đai, lao động giá rẻ để làm ăn và nghĩ rằng nước đến đâu thì mình thay đến đó, thích ứng đến đó. Và tôi nghĩ lượng doanh nghiệp này là không nhỏ.

Nhóm thứ 2 là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhóm này thấy được điểm yếu của mình và đang nỗ lực vươn lên. Vươn lên đầu tiên là bắt nhịp với công nghệ, bắt nhịp với đổi mới sáng tạo. Chúng ta đừng nghĩ đổi mới sáng tạo là những gì to tát, có thể nó bắt đầu từ những cái rất nhỏ là sản phẩm, là cách thức quản trị. Qua khảo sát cho thấy những doanh nghiệp Việt Nam nào mà thay đổi cách thức quản trị đều đã làm tăng trung bình 15% năng suất lao động.

Nhóm 3 là một số doanh nghiệp lớn nhờ tích lũy ban đầu từ những lợi thế vốn có của Việt Nam như tài nguyên thì bây giờ họ đã có vốn, họ đã có tiềm lực lớn hơn, họ chuyển sang các lĩnh vực vừa là đòi hỏi của đất nước vừa bắt kịp xu thế của thời đại và gắn với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tham gia hội thảo và chia sẻ về triết lý, kinh nghiệm của Công ty Toyota Việt Nam với những đổi mới sáng tạo trong cung ứng hàng hoá, Tiến sỹ Nguyễn Đạt Minh cho biết: Tinh thần của Toyota hay phương thức sản xuất của họ dựa trên 2 triết lý quan trọng nhất là cải tiến liên tục và tôn trọng con người. Trong đó, triết lý cải tiến liên tục tập trung vào việc phát huy tinh thần sáng tạo của người lao động trong doanh nghiệp từ đó hỗ trợ cho quá trình sản xuất, quá trình cung ứng hàng hóa để cho hoạt động sản xuất được trôi chảy, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như là hạ giá thành sản phẩm cho doanh nghiệp.

"Kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo trong cái cung ứng hàng hóa bên trong cũng như bên ngoài đã giúp cho Toyota Việt Nam trong những năm gần đây giảm được 70% lượng hàng tồn kho trong kho hàng hóa của mình, cũng như đã loại bỏ được hoàn toàn những sản phẩm tồn kho trong dây truyền. Tính đến hết năm 2017, Toyota Việt Nam đã đạt kết quả từ khi vào kho đến khi xuất xưởng chỉ từ 0,8 đến 1,2 ngày. Đây là con số ấn tượng cũng như kết quả nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên, người lao động của Toyota đạt được khi tích cực đổi mới sáng tạo", Tiến sỹ Nguyễn Đạt Minh nhấn mạnh.

Dưới góc độ là một lãnh đạo doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Misa - lại nhận thấy tầm quan trọng của việc cần phải có những đổi mới sáng tạo trong chính doanh nghiệp mình. Ông chia sẻ: Trong một thế giới năng động và đầy tính cạnh tranh như hiện nay, doanh nghiệp nào chỉ cần đứng im thôi thì các doanh nghiệp khác sẽ vượt lên ngay. Chính vì vậy, tôi cho rằng để tồn tại và phát triển được, doanh nghiệp của mình phải luôn luôn nghĩ cách để làm sao mình tăng được năng suất, thêm được các sản phẩm dịch vụ mới. Nếu sản phẩm dịch vụ cũ thì phải tăng được năng suất và tăng thêm được tính năng để có thể cạnh tranh được tốt trên thương trường, mang lại hiệu quả cho người dùng và xã hội. Để làm được việc đó, chúng ta phải luôn luôn tư duy để đổi mới sáng tạo, giúp cho những sản phẩm, dịch vụ, cách thức bán hàng tăng hiệu quả, tăng năng suất cũng như thêm được tính năng cho người dùng. Đó chính là mấu chốt của đổi mới sáng tạo để giúp cho doanh nghiệp của chúng tôi phát triển.

"Đổi mới sáng tạo là điều cực kỳ quan trọng. Doanh nghiệp muốn phát triển, muốn tồn tại thì không thể thiếu được sáng tạo. Một điều quan trọng nữa là doanh nghiệp phải tạo ra một môi trường làm việc tốt, khuyến khích toàn thể cán bộ công nhân viên có tư duy đổi mới sáng tạo chứ không riêng gì ban lãnh đạo. Còn ban lãnh đạo công ty phải luôn xem xét ý kiến của anh em nhân viên cấp dưới để khuyến khích được cán bộ công nhân viên của mình công hiến" - ông Nguyễn Xuân Hoàng nhấn mạnh.

Hoàng La