Đổi mới quan hệ lao động khi tham gia TPP: Cơ hội và những thách thức

00:00 12/10/2020

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Việt Nam tích cực đổi mới về quan hệ lao động nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và lợi ích chung của xã hội. Điều này cũng đã được Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định tại buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Ted Oisius vừa qua: “Việt Nam quyết tâm đẩy nhanh lộ trình sửa Luật Lao động năm 2012, để phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết trong Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP)”.
Cùng với đó, các vấn đề về đổi mới quan hệ lao động (QHLĐ) Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế cũng đã được tổ chức tại nhiều diễn đàn khác nhau, cho thấy Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế hội nhập. Chủ động ngăn ngừa tranh chấp  Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia đàm phán và ký kết nhiều FTA song phương, gia nhập WTO. Đáng chú ý và có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam là Hiệp định TPP và Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) - các hiệp định đã được ký kết và đang trong lộ trình phê chuẩn, thông qua. Các hiệp định sẽ tác động toàn diện tới tất cả các ngành, các hoạt động kinh tế, đặc biệt tác động trực tiếp tới doanh nghiệp (DN) và vấn đề việc làm của người lao động (LĐ). Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, dự báo trong 15 năm tới, GDP của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng lũy kế 8% khi các hiệp định thương mại được thực thi. Về vấn đề việc làm, ILO dự báo có 6,5 triệu việc làm mới được tạo ra tại Việt Nam vào năm 2030. Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập quốc tế, các DN ở Việt Nam đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng về nâng cao khả năng cạnh tranh, cùng với thách thức làm thế nào để duy trì mối QHLĐ hài hòa giữa người sử dụng LĐ với người LĐ. Đổi mới quan hệ lao động khi tham gia TPP: Cơ hội và những thách thức - Ảnh 1 Về mặt thực tiễn, QHLĐ trên bình diện cả nước nói chung ổn định. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực chịu nhiều tác động khác nhau ở các địa phương, ngành nghề và những thời điểm khác nhau. Ở một số địa phương có mức độ tập trung công nghiệp nhiều như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh cũng như các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày dép, chế biến gỗ, thủy sản luôn có tỉ lệ tranh chấp lao động và đình công cao, mặc dù đã có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Theo các chuyên gia, ở tầm quốc gia, khi hội nhập, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, bổ sung luật pháp cho tương thích với những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Trong bối cảnh ấy, các DN cũng sẽ phải hoàn thiện dần để đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về việc tuân thủ một số yêu cầu về tiêu chuẩn LĐ nhằm cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người LĐ tại DN. Theo báo cáo “QHLĐ Việt Nam 30 năm vận động và phát triển” do Trung tâm Hỗ trợ phát triển QHLĐ (CIRD), Bộ LĐ-TB&XH công bố, từ năm 1989 - 2015, cả nước xảy ra 5.669 cuộc đình công, đa số không do Công đoàn (CĐ) lãnh đạo và bỏ qua hầu hết các thủ tục pháp lý. Các tổ chức giải quyết đình công với thành phần đến từ nhiều cơ quan đã khá hiệu quả trong việc chấm dứt đình công nhưng không phát huy được vai trò của các cơ chế và thiết chế QHLĐ trong nền kinh tế thị trường. “Sau khi công nhân trở lại làm việc cũng không có một cơ quan chuyên trách nào hỗ trợ các bên tái lập QHLĐ. Trong khi đó, những kết quả đạt được của NLĐ sau khi đình công có thể trở thành động lực để các cuộc đình công khác nổ ra, thậm chí tái diễn ở chính DN vừa xảy ra tranh chấp” - báo cáo của CIRD cho hay. Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc CIRD, Trưởng nhóm đàm phán của Việt Nam về chương LĐ trong TPP - khuyến cáo cần thành lập một cơ quan chuyên môn thống nhất về QHLĐ từ trung ương đến địa phương (trực thuộc ngành LĐ-TB&XH), để vừa quản lý nhà nước vừa hỗ trợ ổn định QHLĐ tại nơi làm việc. Ngoài ra, ông Cường cho rằng cần tập trung xây dựng một cơ chế hiệu quả để ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm của người sử dụng LĐ, đặc biệt là hành vi can thiệp nội bộ của người sử dụng LĐ đối với hoạt động của tổ chức CĐ cơ sở. Công đoàn trước thách thức mới   Cùng với đó, những cam kết về CĐ trong TPP đặt ra thách thức không nhỏ cho tổ chức CĐ, đòi hỏi CĐ phải thay đổi để thích nghi. Bộ Luật Lao động hiện hành cho phép người LĐ trong một DN được thành lập tổ chức đại diện ở cấp cơ sở mà không phải xin phép trước. Để được hoạt động, tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở phải đăng ký với Tổng LĐLĐ Việt Nam hoặc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. “Nếu CĐ hoạt động thật sự có hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh đòi hỏi quyền lợi sát sườn của NLĐ, nói lên được tiếng nói bức xúc của NLĐ thì các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ gia nhập Tổng LĐLĐ Việt Nam, tạo thêm sức mạnh cho tổ chức CĐ”, - ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết. Nhận diện những thách thức ấy, nhiều ý kiến cho rằng trong xu thế hội nhập nói chung, tổ chức CĐ Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và phương pháp hoạt động để xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của người LĐ. Theo ông Sơn, trong bối cảnh hội nhập, ưu tiên hàng đầu của CĐ cơ sở là tập trung thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến QHLĐ, đồng thời đẩy mạnh công tác chăm lo cho người LĐ. Để làm được điều đó, CĐ cơ sở phải chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và NLĐ, từ đó phối hợp với người sử dụng LĐ  giải quyết dứt điểm nhằm ngăn ngừa tranh chấp từ gốc. Cùng với đó, CĐ cơ sở cần lập cơ chế đối thoại thường xuyên với người sử dụng LĐ để kịp thời giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ tại nơi làm việc. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở cũng phải chuyển đổi theo cách từ dưới lên. Do đó, Tuyên bố chung 3 bên về đổi mới QHLĐ Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế do Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI cùng ký kết vào tháng 4 vừa qua đã thể hiện những cam kết mạnh mẽ nhằm cải thiện pháp luật, thiết chế và thực tiễn về QHLĐ của Việt Nam để phù hợp với các yêu cầu liên quan đến LĐ trong các hiệp định thương mại tự do mới, bao gồm TPP và FTA.
(theo baodansinh.vn)