Đổi mới chính trị, kinh tế đồng thời với phát triển văn hóa

00:00 12/10/2020

Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa; đổi mới về chính trị và kinh tế phải đồng thời với việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa; đổi mới về chính trị và kinh tế phải đồng thời với việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa và con người trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn tới, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong 5 năm qua, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hoá được nâng lên trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Thể chế văn hóa, chính sách văn hóa dần được hoàn thiện. Hệ thống thiết chế văn hóa tăng về số lượng và từng bước cải thiện chất lượng. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hoá đạt nhiều kết quả tốt, từ việc tu bổ, tôn tạo di tích đến việc đưa các di sản ra thế giới, với 22 di sản được UNESCO ghi danh (gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 8 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 2 di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và 4 di sản tư liệu). Vai trò của văn hoá trong phát triển kinh tế được chú trọng, kết hợp khai thác tiềm năng của văn hóa với phát triển kinh tế, du lịch. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” có tác động tốt đến xoá đói giảm nghèo, xây dựng gương người tốt việc tốt, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã, phường, khu phố văn hóa... góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Những thành tựu trong xây dựng và phát triển văn hoá đã góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện con người Việt Nam. Không khí dân chủ trong xã hội ngày càng tăng lên; tính năng động, tích cực của công dân được phát huy; sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích. Nhiều chuẩn mực văn hóa truyền thống tiếp tục được duy trì, củng cố, các giá trị văn hóa, đạo đức mới được hình thành và phát huy tác dụng. Ý thức tích cực, tự giác của nhân dân trong các sinh hoạt văn hoá ngày càng tăng, cả xã hội chung tay xây dựng và phát triển văn hóa. Để xây dựng, phát triển con người, văn hóa Việt Nam một cách hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường mà vẫn giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề cập một số giải pháp với ngành VHTT&DL. Thứ nhất là, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng, một trong những trụ cột bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước. Đổi mới về chính trị và kinh tế phải đồng thời với việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Thứ hai là, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đồng thời với việc không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Thứ ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ văn hóa với nhiệm vụ chính trị. Văn hóa phải có tiếng nói mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa đối với những quan điểm mơ hồ, sai trái, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa. Thứ tư là sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư của Nhà nước đi đôi với việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, với những cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực. Thực hiện tốt chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đi đôi với thực hiện các chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ làm việc trong các lĩnh vực hoạt động văn hóa-nghệ thuật. Thứ năm là chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Đẩy mạnh truyền bá văn hóa, ngôn ngữ, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Thứ sáu là phát huy thế mạnh, hiệu quả của mô hình quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. ( chinhphu.vn )