'Đội lái' chứng khoán vẫn còn nhiều 'đất diễn'

00:00 12/10/2020

Sau 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán đã đảm nhận có hiệu quả vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng. Nhưng có một thực tế là khi thị trường đang chuyên nghiệp theo thời gian thì những rủi ro, thậm chí là "cạm bẫy" cũng ngày càng tinh vi hơn.

Có ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) gần giống với một xã hội thu nhỏ với đầy đủ các cung bậc đời sống, từ những thành công chân chính đến những thất bại hiển nhiên và có cả những lừa lọc, toan tính.

Bên cạnh yếu tố cơ bản là một kênh đầu tư tài chính hấp dẫn, TTCK cũng thường với gắn liền với khái niệm "đội lái". Và "đội lái" ngày nay có quy mô và độ chuyên nghiệp lớn gấp nhiều lần so với cách đây chục năm.

Ngày càng... chuyên nghiệp

Trong những giai đoạn đầu của TTCK Việt Nam, khi mọi thứ còn mới mẻ, thanh khoản thấp, số lượng nhà đầu tư ít, mọi giao dịch dường như rất đơn giản. Thời đó, các nhà đầu tư chủ yếu sử dụng chiến thuật "mua và nắm giữ", chờ giá cổ phiếu lên nhưng nhiều khi là phải giữ rất lâu, có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm rồi mới bán hoặc trở thành cổ đông dài hạn.

Chỉ cho đến khi sự kiện Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2006, TTCK mới trở nên sôi động và được xã hội quan tâm. Nhưng trào lưu "gom hàng" của các "tay to" chỉ được bắt đầu khi thị trường bước vào thời kỳ suy thoái vào khoảng cuối năm 2009.

Trong bối cảnh thị trường lao dốc, những cổ phiếu như PVA, KSH, CTM... vẫn nổi lên như một hiện tượng với mức tăng gấp nhiều lần, dù doanh nghiệp gần như không có thông tin gì hỗ trợ.

doi-lai-van-con-nhieu-dat-dien-4308-4301

Đầu tư chứng khoán là đầu tư vào tương lai, vào niềm tin (Ảnh: Internet)

Trong suốt giai đoạn 2011 - 2016, hầu như TTCK chỉ đi ngang, thế nhưng những đồn đoán về một "đội lái" ở các mã như KSA, DLG, FLC, ROS, QCG, HQC... luôn tồn tại, mà thực tế là nhiều nhà đầu tư sau thời gian "ăn theo" đã bị thua lỗ, thậm chí "cháy tài khoản".

Từ giai đoạn 2017 đến nay, TTCK đã chuyển lên một tầm cao mới, phát triển hơn, dòng vốn chảy vào thị trường lớn hơn, các "đội lái" cũng chuyển đổi mô hình theo tổ chức tinh vi hơn, xây dựng chiến lược kỹ càng và đầy đủ hơn. Có thể kể đến những thương vụ kinh điển, như với TNT, BII, SJF, TTF, JVC, FTM.

Hiện tại, nhà đầu tư còn phải đối mặt với "đội lái" đến từ chính... các doanh nghiệp, khi xuất hiện hiện tượng "mông má" để lên sàn, có một màn ra mắt hoàn hảo với nhiều phiên tăng trần liên tiếp, sau đó là đổ đèo khi các nhóm đầu tư được xem là "tay to" đã kịp thời thoát hàng.

Gần đây, tại nhiều diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư đang có dịp bàn tán sôi nổi về "ngôi sao mới" của ngành ngân hàng là mã BVB của VietCapital Bank khi có những diễn biến tương tự. 

Cụ thể, sau 3 phiên chào sàn rực rỡ với mức tăng hơn 70% từ 10.700 đồng/cp lên 18.200 đồng/cp cùng với bản "lý lịch" đẹp, BVB đã đánh dấu sự chuyển biến bằng 1 phiên giảm sàn, sau đó là chuỗi 5 phiên liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ, đưa thị giá xuống dưới cả mức chào sàn 10.500 đồng/cp.

Khó dẹp "loạn"?

Thực tế, trong quá trình phát triển 20 năm của TTCK đã có rất nhiều con số để đánh giá thành tựu, nhưng từ góc độ nhà đầu tư thì điều thành công nhất chính là tạo nên một thế hệ nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, chính sự chuyên nghiệp này lại khiến TTCK Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 bước vào một ngã rẽ. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng những biện pháp trong thời gian giãn cách xã hội đã tác động không nhỏ đến hoạt động giao thương, với kinh nghiệm đánh giá rủi ro, hầu hết các nhà đầu tư nhóm này đều lựa chọn đứng ngoài quan sát thị trường.

Bất chấp sự đứng ngoài của những người "tiếp lửa", sau quý I đen tối, TTCK bước vào quý II với sự thăng hoa bất ngờ. Ngạc nhiên hơn nữa là hỗ trợ cho sự tăng trưởng này là câu chuyện về các nhà đầu tư F0.

Đây là bộ phận nhà đầu tư chưa từng có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán, chứ chưa nói đến việc trải qua những thăng trầm. Họ đầu tư theo tâm lý và không bị chi phối bởi bất cứ phân tích kỹ thuật nào. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là "miếng mồi béo bở của những nhà kiến tạo bẫy làm giá".

Thực tế, không ít vụ "làm giá" chứng khoán đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố và xử phạt với số tiền khá lớn, lên tới 600 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và 1,5 tỷ đồng đối với tổ chức. Thậm chí, để mang tính răn đe, có không ít vụ đã bị xử lý hình sự.

Trong Luật Chứng khoán (sửa đổi) được Quốc hội thông qua mới đây đã quy định, với hành vi thao túng giá cổ phiếu, giao dịch nội bộ, mức phạt tiền đối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác, mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Dù sự quyết liệt của nhà quản lý đã rất rõ ràng, nhưng theo quan điểm của một nhà đầu tư lão làng trên TTCK, thì "đội lái" vẫn còn nhiều "đất diễn". Bởi, tâm lý đầu cơ trên TTCK Việt Nam còn khá cao, nhiều người thích "ăn dày", "ăn ngay và luôn" khi vừa mua xong.

Đồng thời, cổ phiếu giá rẻ, hay gọi nôm na là "cổ phiếu rác" còn quá nhiều, luôn kích thích lòng tham của các nhà đầu tư . Trong khi đó, mức xử phạt dù đã được nâng lên nhiều lần nhưng so với khoản lợi thu lại được thì chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là phạt tiền với giá trị mà nhiều người từng nói đùa là tương đương đóng thêm một lần phí giao dịch, nên người thiệt hại cuối cùng vẫn là các nhà đầu tư.

Do đó, "Sau mỗi lần "dính bẫy", đừng đổ lỗi cho "lái" mà hãy nhận lỗi về mình, bởi đầu tư chứng khoán là đầu tư vào tương lai, vào niềm tin chứ không dành cho những người có tâm lý ăn non", một nhà đầu tư chuyên nghiệp lâu năm thẳng thắn nói.

Linh Đan