Độc đáo nghề xây tổ cho ong

00:00 12/10/2020

Chọn một thân cây rừng vừa ý ở bờ suối, người dân Mơ Nông ở các xã vùng cao huyện Phước Sơn tiến hành đục bộng xây tổ cho đàn ong rừng.

bi-quyet-du-ong-ve-rung Hòn đá “chủ quyền”... Từ đời cha ông truyền lại, những người dân Mơ Nông ở xã Phước Lộc (Phước Sơn) vẫn lưu truyền cách thức lấy mật ong rừng hết sức độc đáo và xem ra khá nhẹ nhàng. Đến vùng cao này, khách dễ dàng hỏi mua mật ong rừng hoặc có thể tự tìm hiểu cách dụ ong về làm tổ, lấy mật độc đáo của người bản địa. Già làng Hồ Văn Hạnh (thôn 6, xã Phước Lộc) là người khá nổi tiếng trong vùng về tài dụ ong lấy mật. Được chúng tôi hỏi về bí quyết của nghề truyền thống này, già Hạnh vui vẻ bật mí: khoảng đầu tháng 2 âm lịch, tiết trời ấm áp là người dân vào rừng chuẩn bị bộng để dụ đàn ong về làm tổ. Những thân cây lớn, nằm gần bờ suối, có nhiều bóng mát sẽ được chọn để làm bộng. Người dân thường chọn những loại cây rừng có mùi hương để làm bộng, dụ ong. Hàng năm, họ vừa đục tạo bộng mới, vừa kiểm tra lại các bộng cũ xem có cái nào bị hư hại để sửa chữa và... chờ ngày khai thác mật. Bộng ong được đục trên thân cây cách mặt đất chừng 1m, sâu khoảng 40cm và rộng 25cm. Sau đó, người dụ ong mới tìm chọn các viên đá dưới suối để đậy miệng bộng, rồi lấy đất bịt kín kẽ hở xung quanh, chỉ chừa lại 1 - 2 lỗ nhỏ bằng ngón tay cho ong chui vào làm tổ. Từ nhỏ, già Hạnh theo cha lăn lộn khắp các con suối, cánh rừng nên mới đúc kết được kinh nghiệm dụ ong lấy mật. Theo già Hạnh, tùy vào kinh nghiệm từng người, không phải ai cũng có thể dụ được ong rừng về làm tổ. Bí quyết để thành công chủ yếu nằm ở việc lựa chọn hòn đá bịt miệng bộng. Mỗi hòn đá có những dấu hiệu riêng để loài ong đánh dấu, kéo về làm tổ. Vì vậy người bản địa coi đó là những hòn đá “chủ quyền”. Với những bộng đã có ong về làm tổ ở các mùa trước thì tuyệt đối phải giữ cho bằng được hòn đá đó để mùa sau sử dụng. Nếu đưa hòn đá khác đến thì ong sẽ không tìm về làm tổ nữa, hoặc về thời gian rồi sẽ đi mất, coi như bộng ong đó bỏ đi. Già Hạnh nói: “Có những bộng từ thời ông già mình để lại nhưng ong vẫn tìm về làm tổ hàng năm đó thôi. Chọn bộng làm tổ, ong sẽ đánh dấu “chủ quyền” trên hòn đá. Nếu mất đi hòn đá này, phải thay hòn đá khác thì nhất định ong sẽ bỏ đi, không làm tổ nữa. Vì vậy, người dụ ong phải có kinh nghiệm và “mát tay” trong việc chọn đá, giữ gìn cẩn thận hòn đá trên miệng bộng”. Giữ nghề, giữ rừng
Có những bộng từ thời ông già mình để lại nhưng ong vẫn tìm về làm tổ hàng năm đó thôi. Chọn bộng làm tổ, ong sẽ đánh dấu "chủ quyền" trên hòn đá. Nếu mất đi hòn đá này, phải thay hòn đá khác thì nhất định ong sẽ bỏ đi, không làm tổ nữa.
Hoàn thành việc xây “nhà” cho... ong, người dân sẽ chờ đến khoảng tháng 5 âm lịch là vào rừng lấy mật. Từ lâu, mật ong rừng ở đây vốn nổi tiếng với chất lượng thơm ngon, trở thành sản vật độc đáo của vùng sơn cước. Ngày trước, do đường sá cách trở nên người dân phải gùi từng ché mật vượt rừng đi qua các vùng thuộc Hiệp Đức, Trà My để đổi các loại nhu yếu phẩm về dùng. Từ lúc tuyến đường đi vùng cao Phước Sơn được xây dựng, giao thương thuận lợi nên sản phẩm mật ong của người dân Phước Lộc được thương lái tìm đến tận nhà để mua, giá bán cao hơn. Mật ong được làm ra từ trong những bộng cây, tránh được nước mưa nên chất lượng mật tốt hơn so với mật ong rừng lấy từ trên cây cao, hoặc vách đá, được người dùng ưu chuộng. Mật ong có giá trị, nên người dân xem đây là mô hình kinh tế, tăng thu nhập gia đình. Trung bình mỗi hộ theo nghề dụ ong có chừng vài ba chục bộng, hộ nhiều cũng có gần cả trăm bộng. Mỗi bộng cho mật một lần trong 1 năm, và trung bình cho khoảng chừng 5 lít mật. Với giá vài trăm nghìn đồng/lít mật như hiện nay thì trung bình mỗi hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. ong-mat Già Hạnh khẳng định, việc lựa chọn những thân cây lớn để làm bộng, mỗi cây chỉ đục được 1 bộng duy nhất nên không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Nghề này rất kén nên phải là người giàu kinh nghiệm thì mới làm được. Họ làm để giữ nghề truyền thống của cha ông. Các bộng ong đều có những dấu hiệu riêng để phân biệt ai là chủ sở hữu, và người dân coi như tài sản riêng của gia đình nên những người khác không có quyền tranh giành hoặc xâm phạm. Để giữ nghề truyền thống, từ trước đến nay, bà con Mơ Nông luôn có ý thức bảo vệ rừng, không tham gia chặt phá rừng. Khi đi thăm bộng ong, họ phát hiện các dấu hiệu phá rừng sẽ kịp thời báo cho chính quyền can thiệp, xử lý. “Giữ được rừng thì ong mới sống được, mới tìm về làm tổ và cho bà con lấy mật. Phá rừng thì con ong đi mất, người dân không có mật để dùng, để bán kiếm sống nên ai cũng phải giữ rừng thôi” - già Hạnh tâm sự.

Theo VINH ANH - HÀN GIANG/ baoquangnam