Doanh nhân nữ làm chủ doanh nghiệp: Năng động, vượt khó để thành công

00:00 12/10/2020

Sự chủ động, sáng tạo của phụ nữ trong điều hành doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng, mặc dù những DN này phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ

Hiện nay, phụ nữ tham gia lãnh đạo, làm chủ tại 31% cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, con số này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á, đứng thứ 6 trong số các quốc gia, khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp nữ cao nhất.

Các chuyên gia đánh giá, sự tham gia tích cực, chủ động và sáng tạo của phụ nữ vào điều hành, lãnh đạo doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng. Mặc dù các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ nhưng thành quả về doanh thu, lợi nhuận, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách Nhà nước đều ngang bằng hoặc vượt trội doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Qua đó khẳng định, phụ nữ hoàn toàn có đủ năng lực lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp một cách hiệu quả.

 

Sự chủ động, sáng tạo của phụ nữ trong điều hành doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng.

Theo Báo cáo mới công bố của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), các doanh nghiệp nữ thường có quy mô vốn nhỏ hơn các doanh nghiệp nam, nhưng số này không nhiều. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tổng số tài sản chủ sở hữu của doanh nghiệp là nữ lại lớn hơn các doanh nghiệp do nam là chủ sở hữu, các doanh nghiệp nữ đầu tư nhiều hơn doanh nghiệp nam và có xu hướng ngày càng tăng.

Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội khẳng định, các nữ doanh nhân Việt Nam đều rất năng động, chủ động sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Nhiều doanh nhân nữ đã thông qua các Hiệp hội để tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong nước hoặc ra nước ngoài học hỏi, tìm kiếm thị trường, cơ hội để áp dụng vào thực tế sản xuất. Họ luôn đau đáu một điều, làm thế nào để tạo ra được những sản phẩm tốt, chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.  

Bà Thùy dẫn chứng một số nữ doanh nhân Việt Nam không chỉ thành công trên thị trường trong nước mà còn tạo dấu ấn đậm nét trên thương trường quốc tế. Đó là doanh nhân Thái Hương - Tổng giám đốc BAC A BANK, nhà sáng lập và tư vấn đầu tư của Tập đoàn TH. Người đã thành công trong việc “nâng bước” cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Quyết định này đã đưa BAC A BANK trở thành một những ngân hàng thành công nhất ở Việt Nam hiện nay trong tư vấn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, với những dự án táo bạo và chiến lược kinh doanh “xuyên Việt”, đầu năm 2018, TH chính thức khánh thành trang trại sữa đầu tiên ở Nga.

Một trong những gương mặt điển hình nữa là doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, người được Tạp chí Forbes đánh giá là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam. Ngoài lĩnh vực hàng không, bà còn đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác như: tài chính và bất động sản…

“Số lượng doanh nhân nữ thành công như vậy tại Việt Nam chưa nhiều. Phần lớn những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn chưa vượt qua được quy mô siêu nhỏ, hoạt động không chính thức, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp...  Ngoài ra, một nhận thức mang tính truyền thống chưa dễ thay đổi đó là người phụ nữ thường gắn với công việc gia đình. Đây cũng là rào cản hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý trong các doanh nghiệp”, bà Thùy nhận định.

Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp do nữ làm chủ, chị Trần Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cho biết, phụ nữ tham gia công việc kinh doanh vất vả hơn nam giới gấp nhiều lần vì phải đảm đương trách nhiệm của người vợ, người mẹ, trách nhiệm với người sản xuất với người tiêu dùng vì là một mắt xích trong chuỗi mắt xích chung.

Với thâm niên 10 năm làm nghề kinh doanh chế biến nông sản, thực phẩm sạch, chị Hằng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành, tìm sản phẩm sạch để đưa đến tay người tiêu dùng, bởi đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ từ việc đồng hành với bà con trên đồng ruộng cho đến việc đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo chị Hằng, một doanh nghiệp có thể mất nhiều năm để xây dựng thương hiệu nhưng chỉ một sơ suất, không cẩn thận thì có thể phá vỡ thương hiệu của công ty, đặc biệt là trong thời buổi khủng hoảng niềm tin về thực phẩm sạch, thực phẩm không sạch…

Những khó khăn và rào cản mà phụ nữ làm chủ doanh nghiệp phải đối mặt là không ít, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ, sẽ tác động toàn diện đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Sự phát triển đội ngũ doanh nhân nữ, doanh nghiệp nữ trong bối cảnh bình thường đã khó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 càng khó khi mà bên cạnh những nỗ lực không ngừng, họ vẫn đang gặp phải những rào cản vô hình, những tác động tiêu cực khó thay đổi từ cả khách quan và chủ quan… 

Nhiều chuyên gia tư vấn cho rằng, nếu chỉ có sự nỗ lực của phụ nữ là chưa đủ, mà cần có sự “nỗ lực” của chính sách. Để trao quyền cho phụ nữ thực chất hơn, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ tăng quy mô, tăng tính đại diện của doanh nghiệp nữ trong đó có việc tăng tỷ lệ doanh nghiệp nữ trong tổng số doanh nghiệp. Đồng thời, cần có chính sách tăng cường vai trò của các nữ doanh nhân trong các hiệp hội kinh doanh nhằm làm cho hoạt động của các hiệp hội này phù hợp hơn với phụ nữ.

Chung Thủy