Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo: người tạo ra cuộc "cách mạng" trong ngành hàng không của Việt Nam

00:00 12/10/2020

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo - với danh xưng CEO của Vietjet và chủ tịch HDBank đã được ví von là người tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành hàng không của Việt Nam, giúp 20 triệu lượt người có cơ hội được tiếp cận quyền đi lại bằng phương tiện hàng không. Cách mạng tức là biến những điều tưởng chừng không thể trở thành có thể. Đây không phải câu chuyện có - không của riêng Vietjet, mà là câu chuyện có - không của hàng triệu con người, hàng triệu gia đình và hàng triệu giấc mơ.

ba-nguyen-thi-phuong-thao-tgd-hang-hang-khong-vietjet-air

Ước tính, giá trị tài sản ròng của Giám đốc điều hành (CEO) hãng hàng không Vietjet Air lên tới 1 tỷ USD, đưa bà trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực Đông Nam Á.
Theo hãng tin Bloomberg, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã sở hữu 1 triệu đôla khi mới 21 tuổi bằng việc kinh doanh máy fax và nhựa cao su. Gần 25 năm sau, bà được biết đến là nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam, người táo bạo đưa hình ảnh người mẫu mặc bikini để quảng bá cho VietJet Air. Bởi lẽ sau khi hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam thực hiện IPO, bà Thảo sẽ có tài sản ròng vượt 1 tỷ USD.

Phần lớn số tài sản này bắt nguồn từ cổ phần mà bà đang nắm giữ ở Vietjet và dự án bất động sản rộng 65 ha Dragon City (Phú Long, TP.HCM) và các công ty khác. Trong đó phải kể đến 3 khu nghỉ dưỡng: Furama Resort ở Đà Nẵng, Ana Mandara ở Nha Trang và An Lam Ninh Van Bay Villas.

Bà Thảo chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ ngồi tính toán xem chính xác mình có bao nhiêu tiền. Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào để phát triển công ty phát triển, thu nhập của nhân viên tăng lên và VietJet Air có thêm thị phần, vươn lên vị trí số một”.

Bà Thảo tiết lộ, theo kế hoạch, VietJet sẽ bán cổ phần (tối đa 30%) cho nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 3 tháng tới. Hãng có thể được định giá tới hơn 1 tỷ USD. Theo hai cổ đông của Vietjet (giấu tên), bà Thảo hiện nắm giữ 95% cổ phần tại Vietjet.

Ông Võ Phúc Nguyên, chuyên gia phân tích đến từ CIMB nhận xét về CEO của Vietjet: “Bà Thảo không giống như những người giàu khác, bà ấy khá kín tiếng và thật sự thành công với VietJet. Từ con số 0, chỉ sau vài năm hãng đã chiếm tới hơn 30% thị phần ở Việt Nam”.

Ngoài ra, nữ doanh nhân này còn nắm 90% cổ phần tại Sovico Holdings - công ty nắm giữ 90% cổ phần của Dragon City tại TP HCM.

Nữ doanh nhân bước chân vào thương trường năm 1988, khi bà đang là sinh viên năm thứ hai ngành kinh tế tài chính ở Moscow, Nga. Sau đó, với số vốn nho nhỏ kiếm được, bà làm nhà phân phối các sản phẩm quần áo, văn phòng phẩm, hàng tiêu dùng từ Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc và bán lại ở Nga.

Bà kể: “Tôi đã làm việc cật lực và có được lòng tin của nhà cung cấp vì luôn luôn trung thực với họ. Tôi không có nhiều vốn, nhưng nhờ sự tin tưởng, họ đã cho phép tôi nhận hàng trả chậm ngày càng nhiều hơn”.

Chỉ sau 3 năm, bà đã nắm trong tay 1 triệu USD đầu tiên và bắt đầu chuyển sang kinh doanh các mặt hàng công nghiệp. Khi quay về Việt Nam, bà liền góp vốn thành lập ngân hàng Techcombank và VIB, bộ đôi ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Tiếp đó, bà cùng đối tác nộp hồ sơ xin lập một hãng hàng không tư nhân, mở tung cánh cửa bước vào thị trường mà trước đó vốn chỉ có một đơn vị độc tôn là Vietnam Airlines.

Từ đó, VietJet Air ra đời và nhanh chóng nổi tiếng với đội ngũ tiếp viên hàng không trẻ trung cùng chiến lược xây dựng hình ảnh táo bạo. Tiếp viên của hãng từng mặc bikini trong những chuyến bay khai trương có điểm đến là các vùng biển.

VietJet đến nay đã trở thành hãng hàng không bình dân dành cho mọi người, người người đi VietJet, nhà nhà bay VietJet. Hiện máy bay của hãng có thể bay tới 47 điểm trong phạm vi quốc gia và cả các sân bay Châu Á như Seoul, Bangkok, Singapore. Trong thời gian tới, bà Thảo tham vọng sẽ biến VietJet trở thành một Emirates phiên bản Châu Á, thành công như hãng hàng không Dubai, đơn vị mở 150 điểm đến và cung cấp các chuyến bay có thời gian bay dài nhất trên thế giới. Bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2011, VietJet đang sở hữu 47 đường bay ở trong nước và khu vực châu Á. Nếu được định giá 1 tỷ USD, hãng có giá trị vốn hóa lớn hơn cả Asiana Airlines của Hàn Quốc hay Finnair Oyj của Phần Lan.

"Bạn phải dẫn đầu và chấp nhận rủi ro một cách có tính toán. Là một nữ doanh nhân, tôi có trách nhiệm cống hiến cho nền kinh tế đất nước và mang đến sự thay đổi tích cực cho cả quốc gia, cộng đồng. Trong ánh sáng của sự bình đẳng, điều ấy đang diễn ra", nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.

Cống hiến một cách âm thầm. Chưa bao giờ, chưa có bất cứ một dòng chữ nào trên truyền thông nhắc tới về 12.000 suất ăn miễn phí hàng tháng ở Bếp ăn từ thiện chùa Giác Nguyên, gần năm chục cây cầu rải khắp các tỉnh miền tây và hàng trăm số phận trẻ mồ côi được chị đỡ đầu trong bấy nhiêu năm.

An Mai (Theo The Bloomberg)