Doanh nhân Nguyễn Khánh Trình: Liều và đam mê với thực phẩm sạch

00:00 12/10/2020

Nguyễn Khánh Trình, GĐ Công ty CP Sói Biển Trung Thực tham vọng phát triển một ngành thực phẩm sạch của VN.

Cơ duyên xây dựng dự án trang trại Trung Thực, một mô hình sản xuất thực phẩm khép kín khi ông Trình tiếp xúc một vị Tiến sĩ tại Diễn đàn về tư vấn hướng nghiệp và khởi nghiệp tháng 4/2016. Vị Tiến sĩ này đã phát minh rất nhiều bằng sáng chế khác nhau, trong đó có bằng sáng chế liên quan thực phẩm là sử dụng con giun quế. Xây dựng trang trại Trung Thực được một năm, ông Trình thấy việc phát triển đầu ra rất quan trọng. Dù ban đầu bán online nhưng dần dần, ông Trình đã đầu tư xây dựng chuỗi thực phẩm sạch Sói Biển Trung Thực.

Nguyễn Khánh Trình, GĐ Công ty CP Sói Biển Trung Thực 

Liều và đam mê

- Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được nhiều người đánh giá là khá mạo hiểm. Ông có cho rằng mình “liều” không?

Đúng vậy, tôi đầu tư 10 tỷ đồng vào Sói Biển, số tiền lúc đó khá lớn và không phải ai cũng dám đầu tư. Song quan điểm của tôi khi làm thực phẩm sạch để gia đình mình có thực phẩm sạch ăn, bạn bè xung quanh mình cũng được ăn thực phẩm sạch và rộng ra, nếu làm được cho xã hội có thực phẩm sạch để ăn… và cùng xã hội thay đổi vấn nạn thực phẩm bẩn.

Đây cũng chính là “kim chỉ nam” của Sói Biển từ ngày khởi lập đến nay. Chính vì vậy, toàn bộ sản phẩm của Sói Biển là sản phẩm cực kỳ trung thực, rất chuẩn về quy trình.

- Sản xuất thực phẩm sạch đã khó, kinh doanh thực phẩm sạch còn khó gấp bội. Ông không lo thất bại?

Thực tế, sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch gặp rất nhiều khó khăn. Heo, gà nhập giống chưa biết cách chọn, quy trình chăm sóc kém, nên ban đầu heo, gà chết hàng loạt.

Tiếp đến là vấn đề tiêu thụ. Rau không phun thuốc đương nhiên sẽ nhiều sâu, sản lượng thấp… và có giá cao hơn rau được bán tràn lan ngoài chợ. Người tiêu dùng cứ thấy rau mã đẹp, giá rẻ thì mua. Còn Sói Biển sản xuất ra, rau đưa đến cửa hàng giá đã lên đến 19 – 29 nghìn đồng/1 kg tùy loại.

Mong muốn lớn nhất của tôi là phát triển Sói Biển Trung Thực thành một ngành thực phẩm sạch. 

Ngoài ra, quy hoạch nông nghiệp của chúng ta còn thiếu. Tôi lấy ví dụ như trồng củ cải giống của Nhật Bản có loại củ lên đến 3 kg, người nông dân đổ xô đi trồng. Và để thu hoạch nhanh, họ phun một đợt thuốc 6 trong 1, chỉ một thời gian ngắn có thể thu hoạch… Như vậy không có quy trình, quy hoạch dẫn đến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên không ai mua dẫn đến cung thừa. Hoặc như nuôi heo, người nuôi cho ăn cám trộn thêm các loại tăng trọng, hay quy trình cám công thức 3 tháng 10 ngày cho lứa thu hoạch 100 kg thì làm sao thịt ngon được… Vì thế tôi muốn dung hoà giữa áp dụng cách nuôi công nghệ và truyền thống để cho ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, giá cạnh tranh.

- Trước những khó khăn đó, đã lúc nào ông nghĩ đến việc buông xuôi?

Nhiều lúc tôi cũng nản. Có những chuồng trại xây lên đến 200 triệu nhưng cũng không dùng được vào việc gì bởi mình không biết cách. Sau này mới biết cần phải xây như thế nào. Có đợt làm cả chuồng giun quế to đùng nhưng cũng không khai thác được. Thực ra do mình chưa biết vận hành, chưa tìm ra được mô hình tối ưu. 
Thực tế, tôi cũng không được học và làm liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, thêm vào đó tôi cũng không thuê ai tư vấn vì tôi không tin người ta làm quy trình sạch mà mình phải trực tiếp làm mới khẳng định được chất lượng sản phẩm trước người tiêu dùng.

Qua những thất bại tôi đã đúc rút kinh nghiệm. Đặc biệt, nhận thấy làm kinh doanh cần kiên nhẫn, cần phải đủ sự sâu sát, đủ đam mê, tâm huyết trong ngành, lĩnh vực mình theo đuổi. Tôi cho rằng điều này là cần nhất với người kinh doanh.

“Thực phẩm sạch” sẽ là sản phẩm bình thường

Được biết, cơ chế chính sách nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung những năm gần đây đã rất thuận lợi. Với Sói Biển thì sao, thưa ông?

Thực tế, doanh nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn. Ví dụ như bất cập trong quá trình kiểm dịch, thú y. Cụ thể, trại heo của tôi có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm về chăn nuôi, có giấy chứng nhận vệ sinh về giết mổ, có khu giết mổ khép kín. Tôi đã có hai giấy chứng nhận rồi thì cần gì giấy chứng nhận về vệ sinh dịch tễ nữa. Tuy nhiên, hàng ngày cứ 2 giờ sáng, sản phẩm phải có thú y hay vệ sinh dịch tễ đến kiểm dịch, họ đóng vào sản phẩm mới được xuất xưởng.

Phân khúc hiện nay của Sói Biển là phân khúc cao cấp. Sau này Sói Biển sẽ giảm dần ở phân khúc thị trường thấp hơn.

Một bất cập là Sói Biển Trung Thực kinh doanh thực phẩm sạch theo quy trình tuân thủ pháp luật thì bị kiểm soát chặt chẽ. Nhưng ngược lại, nếu mọi người chỉ cần đi ra đường quốc lộ sáng sớm 4 – 5 giờ sẽ thấy xe máy chở heo không che đậy, chân con heo thì chạm đất kéo lê trên đường, thậm chí có xe chồng chở vợ ngồi trên con heo chạy trên đường đi tiêu thụ, không dấu kiểm dịch nhưng không gặp bất cứ cơ quan chức năng nào kiểm tra, kiểm soát.

- Để không tồn tại ranh giới giữa thực phẩm không được kiểm dịch và thực phẩm sạch theo ông đâu là giải pháp?

Điều tệ hại nhất hiện nay trong thực phẩm bẩn là để lại di chứng lâu dài. Nó liên quan đến hoá học, nếu ăn vào chết ngay thì người dân không ăn, nhưng ăn không chết ngay nên người dân không quan tâm nhiều. Giống như chất độc màu da cam, nó để lại di chứng lâu dài còn người bị nhiễm không thấy được.

Tôi cho rằng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn cũng là một trong những nguyên nhân gây lên ung thư. Hiện nay tỷ lệ người tử vong do ung thư là 90 nghìn người/năm, nhiều hơn số người tử vong do tai nạn giao thông với khoảng 75 nghìn người/năm. Đó là con số kinh khủng.

Sói Biển trung thực hiện có hơn 20 cửa hàng, tiêu thụ 10 tấn hàng hoá/ngày. Đây chỉ là con số rất nhỏ về lượng thực phẩm được sử dụng trong ngày cho 8 – 10 triệu người dân HN. Trong khi, nếu mỗi hộ chỉ ăn mỗi ngày 1 lạng thịt thì một ngày đã cần tới 2 nghìn tấn thịt. Như vậy, cầu cho thị trường thực phẩm còn quá lớn, các đơn vị làm chuỗi cung ứng có quá nhiều “đất” để làm. Tôi rất cổ vũ các công ty lớn như TH, Hoàng Anh Gia Lai làm theo quy trình công nghiệp. Những Tập đoàn lớn như vậy mới thực sự cần.

- Ông không sợ sự cạnh tranh từ các Tập đoàn lớn trong lĩnh vực thực phẩm sạch này?

Phân khúc của thị trường rất khác nhau và thị trường thực phẩm còn quá lớn, tức là không phải tự nhiên mà sau 5 -10 năm nữa sẽ không có thực phẩm bẩn mà toàn thực phẩm sạch.

- “Tham vọng” mà Sói Biển Trung Thực đang hướng đến, thưa ông?

Khác với mục đích của các hệ thống bán lẻ khác, bài toán của Sói Biển là kinh doanh thực phẩm thực tế nên phải tối ưu tất cả mọi thứ. Phân khúc hiện nay của Sói Biển là phân khúc cao cấp. Sau này Sói Biển sẽ giảm dần ở phân khúc thị trường thấp hơn bởi nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng tăng. 
Tôi muốn khẳng định là giá bình quân sẽ giảm xuống chứ không phải chất lượng sản phẩm giảm xuống. Về lâu dài, nguồn cung thực phẩm sạch càng ngày càng nhiều, đến một ngày nào đó cụm từ “thực phẩm sạch” sẽ là sản phẩm hoàn toàn bình thường giống như các nước phát triển trên thế giới. Khi đó, mức giá thấp ai cũng có thể mua được.

Mong muốn lớn nhất của tôi là phát triển Sói Biển Trung Thực thành một ngành thực phẩm sạch. Khi đó, người dân VN sẽ mua hàng tại các cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm sạch.

- Xin cảm ơn ông!