Doanh nhân, cựu chiến binh Nguyễn Huy Xuyên và vườn cò giữa phố

00:00 12/10/2020

Phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, ngay sau khi xuất ngũ trở về quê hương ông Nguyễn Huy Xuyên ở thị trấn Nam Sách (Hải Dương) tích cực tham gia sản xuất và kinh doanh. Ông đã bươn trải với nhiều nghề nhưng thành công hơn cả là nghề kinh doanh nội thất trường học. Nhờ nghề này đã nâng thương hiệu “nasa” của Công ty lên tầm cỡ Quốc gia.

b-copy

Thành công trên thương trường Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật hậu cần, năm 1982 ông Xuyên giữ chức Trưởng Ban quân nhu tại Sân bay Yên Bái, Bộ Tư lệnh Không quân. Năm 1985, ông được điều động về làm Trưởng Ban quân nhu tại sân bay Nội Bài. Với quân hàm đại úy, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của quân đội, ông được  phục viên và trở về quê hương. Là một cựu chiến binh, ngay sau khi rời quân ngũ, việc đầu tiên mà ông Xuyên muốn thực hiện là mở Công ty thương mại tại huyện Nam Sách. Tuy nhiên, một năm sau đó nhận thấy hiệu quả mang lại từ Công ty không lớn, nên ông mạnh dạn chuyển sang kinh doanh đá thạch anh. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định chọn mảnh đất Lâm Đồng làm điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình sưu tầm đá quý của mình. Băng núi, vượt rừng khắp hang cùng ngõ hẻm của tỉnh Lâm Đồng hàng tháng trời, rồi ông lại chuyển địa điểm sang các địa phương khác để tìm mua đá quý. Sau 3 năm dày công thu mua, sưu tầm, rồi về chế tác, sản phẩm đá quý thạch anh của ông đã có mặt khắp thị trường trong nước và vươn tầm quốc tế. Cho đến năm 1991, sau khi lưng vốn đã khá, ông tiếp tục mở hiệu kim hoàn buôn bán vàng bạc, đá quý. Thời điểm đó, cả thị trấn Nam Sách (Hải Dương) chỉ có gia đình ông kinh doanh vàng bạc với quy mô lớn, nên lợi nhuận mang lại khá cao. Nhớ về thời gian này, ông Xuyên tâm sự: “Ngày ấy, thấy người dân muốn mua vàng phải vất vả lên tận thành phố nên tôi quyết tâm tự học nghề kim hoàn. Tôi tập đánh nhẫn đầu tiên, lúc đầu tuy méo mó, xấu xí nhưng rồi nhẫn cũng đẹp dần lên. Kiên trì tự học rồi cũng thành nghề. Tôi luôn ý thức chịu khó học hỏi kinh nghiệm của các nghệ nhân. Từ đó trở đi, tôi trở thành người thợ vàng đầu tiên trong vùng, ai cần đánh nhẫn hay mua bán vàng lại nhờ tôi. Cũng từ đó, tôi say mê và gắn bó với nghề vàng, tôi đã dồn hết vốn liếng để mở cửa hiệu buôn bán vàng”. Giọng trầm ngâm, ông kể: “Việc kinh doanh vàng không chỉ mang lại cho ông tiền bạc để thoát nghèo, mà còn thoả mãn niềm đam mê của một người vốn sẵn có nhiều tài hoa, am hiểu cơ khí, hoá học. Ông rất khó quên cảm giác khi cầm trên tay những thỏi vàng lấp lánh tự tay mình làm nên sau khi phân kim, tách vàng tinh từ các loại vàng thô. Đó còn là thành quả của những ngày miệt mài nghiên cứu, tự học công nghệ phân kim, tự thực hiện các phản ứng hoá học - chuỗi kiến thức mà ông tích lũy được khi còn ngồi trên giảng đường đại học.

img_0490

Phương châm kinh doanh của Công ty TNHH thương mại Phú Xuyên.

Kinh nghiệm buôn bán mà ông có được, cùng với những mối quan hệ lâu năm ông bắt đầu lấn sân sang các lĩnh vực kinh doanh khác. Khi kinh doanh xuất hiện cơ hội mới, năm 1996 ông Xuyên lại tiếp tục dồn vốn tập trung mở doanh nghiệp sản xuất bồn tắm và thị trường bàn ghế để đưa lên Cát Linh, Tô Hiệu (Hà Nội) để tiêu thụ. Ông may mắn, gặp đúng thời điểm ngành bất động sản và xây dựng đang trên đà thịnh vượng. Cửa hàng kinh doanh của ông cũng từ đó phất lên nhanh chóng. Thời gian đầu, xưởng với quy mô nhỏ nên mỗi tháng chỉ sản xuất được 10 chiếc bồn tắm, sau khi nhu cầu của thị trường tăng lên, số lượng sản phẩm cũng tăng lên nhanh chóng, ông đặc biệt coi trọng chất lượng sản phẩm, vì thế  ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường Hà Nội. Từ năm 1996- 2006 ông lại mở xưởng sản xuất tủ đầu cáp các loại. Từ kiến thức chuyên ngành hóa học trong trường Học viện Hậu cần, ông áp dụng vào thực tiễn đồng thời liên kết với những anh em, đồng nghiệp ở Trường Cao đẳng Bách khoa, để cho ra đời những sản phẩm tủ đầu cáp chất lượng nhất. Năm 2006, khu công nghiệp Nam Sách mở ra, ông tiếp tục mở thêm xưởng cơ khí chuyên sản xuất nhà thép tiền chế, sản xuất khung nhà sắt chất lượng cao… bán cho các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Với mục tiêu phát triển doanh nghiệp một cách vững mạnh, ổn định và chuẩn bị cho mình hành trang để hội nhập thị trường thế giới rộng lớn, Công ty của ông luôn nghiên cứu xây dựng những phương án mang tầm vĩ mô, đồng thời thường xuyên đổi mới thiết bị máy móc, công nghệ trong các Công ty thành viên nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nói về cơ duyên đến với nghề, ông Xuyên tâm sự: “Nhận thấy khung nhà thép tiền chế của xưởng tôi có kết cấu vững chãi, bền đẹp, một lần tình cờ giám đốc Công ty formatda thăm khu công nghiệp Nam Sách rất thích sản phẩm của bên tôi. Bà ấy quyết định đặt bàn máy may công nghiệp với xưởng sản xuất của tôi, bà cho tôi xem mẫu và yêu cầu bên tôi một ngày phải sản xuất xong. Khi sản phẩm hoàn thiện, bà vô cùng hài lòng và tiếp tục đặt với số lượng lớn. Nhiều hiệu trưởng các trường trong tỉnh biết được thông tin cũng ngỏ ý muốn tôi sản xuất mẫu bàn ghế theo đúng mẫu của chiếc bàn máy may công nghiệp, được làm bằng chất liệu composite… Chính cơ duyên này là tiền đề để tôi tiến sâu hơn sang lĩnh vực kinh doanh thiết bị nội thất, trường học…”.

img_0488

Công đoạn quét sơn để hoàn thiện sản phẩm đồ chơi ngoài trời.

Được biết năm 2007, Trường Tiểu học Hiệp Cát đặt thử 100 bộ bàn ghế đầu tiên, sau đó lan tỏa đến các trường khác. Nhận thấy tiềm năng tài chính mang lại lớn nên ông quyết định chuyển hẳn sang kinh doanh nội thất, thiết bị trường học, sản phẩm đồ chơi ngoài trời, các thiết bị vận động dành cho học sinh, nhà văn hóa. Ông thành lập Công ty mang tên Công ty cổ phần thương mại Phú Xuyên. Năm 2008, Công ty Ford Hải Dương đã chọn Công ty của ông Xuyên để làm sàn xe ô tô transit, mui xe của xe bán tải, sản lượng mỗi năm khoảng 1000 chiếc. Ưu điểm của các sản phẩm nói trên là được làm bằng chất liệu nhựa polyester được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Indonexia… Đặc biệt hơn quy trình sản xuất không phải hóa lỏng chỉ việc đóng rắn. Mặc dù hợp tác với bên Ford hiệu quả nhưng khi hợp đồng giữa hai bên chấm dứt, ông Xuyên tập trung đi sâu vào thị trường thiết bị trường học. Ông xác định 3 năm đầu sản xuất không có lãi, mà chú trọng xây dựng thương hiệu, kinh doanh theo hình thức bán buôn, bán lẻ, 3 năm sau đó cắt khâu trung gian và chuyển sang bán lẻ hoàn toàn.

img_0480

Công đoạn hàn mối nối

Trải qua 10 năm tham gia trên thương trường, các sản phẩm nội thất trường học, nội thất văn phòng của Công ty cổ phần thương mại Phú Xuyên luôn chiếm được lòng tin yêu của mỗi cá nhân, nhà trường, doanh nghiệp… nhờ vào bản lĩnh cùng sự năng động, sáng tạo, nhạy bén trong kinh doanh, ông đã mang lại cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ nội thất hoàn hảo nhất. Đặc biệt logo "nasa" được dập chìm trong mỗi sản phẩm đã khẳng định hơn nữa thương hiệu của Công ty. Đây chính là cách thức để Doanh nhân Nguyễn Huy Xuyên bảo vệ, khẳng định sự hoàn mỹ, tin cậy của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái đang ngày càng nhức nhối trên thị trường hiện nay.

img_0487

Sản phẩm mang thương hiệu "nasa" của Công ty cổ phần thương mại Phú Xuyên.

Với phương châm “Uy tín làm nên thương hiệu, chất lượng làm nên thịnh vượng”, Công ty luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, luôn hoán vị mình vào địa vị của khách hàng để có thể tạo ra sản phẩm tốt nhất, liên tục đổi mới, sáng tạo và luôn quan tâm lắng nghe ý kiến của từng khách hàng. Vì thế, đến nay các sản phẩm của Công ty đã có mặt tại 6 tỉnh thành trên cả nước: Hải Dương, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh. Trong quá trình hình thành và phát triển, Công ty luôn được khách hàng tin cậy và giao cho đảm nhận nhiều dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia. Theo đà phát triển, với gần 100 công nhân lành nghề, đến nay Công ty đã trở thành nhà cung ứng chính, có uy tín về các thiết bị nội thất trường học như bàn ghế, các thiết bị vui chơi cộng đồng, sản phẩm đồ chơi ngoài trời dành cho cấp học mầm non, các thiết bị vận động dành cho các cấp học, phục vụ nhu cầu học tập của các trường học trong và ngoài tỉnh.  Nhiều năm qua, sản phẩm của Công ty đã có mặt ở hầu hết các trường Mầm Non, Tiểu học, Trung học cơ sở và các khu vui chơi cộng đồng trên khắp cả nước. Sản phẩm của Công ty luôn được các cơ quan chuyên môn và người sử dụng đánh giá cao về chất lượng cũng như giá trị sử dụng, đa dạng về mẫu mã, mang tính thẩm mỹ và giáo dục cao, tuyệt đối an toàn với trẻ. Sản phẩm đồ chơi và đồ dùng học tập của Công ty đã được khách hàng tín nhiệm, yêu thích.

img_0499

Sản phẩm độc đáo của Công ty mang tên "Thánh Gióng về trời". 

Với kinh nghiệm chuyên thiết kế và sản xuất, cung ứng các loại thiết bị đồ chơi, thiết bị trong phòng học, Công ty hoàn toàn có khả năng cung cấp tốt nhất về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, quy cách, giá cả, bảo hành dài hạn. Sản phẩm được hướng dẫn sử dụng và lắp đặt đến tận chân công trình, khi bàn giao sản phẩm. Công ty sẽ có chuyên viên kỹ thuật có kinh nghiệm đi cùng để lắp đặt và hướng dẫn cách sử dụng. Các sản phẩm đều được bảo hành miễn phí dài hạn căn cứ theo giấy bảo hành tính từ ngày ký biên bản bàn giao. Với định hướng phát triển con người là yếu tố then chốt, trong thời gian tới, Công ty tiếp tục đầu tư nhanh, không ngừng phát triển mạnh và bền vững trở thành một trong những Công ty cung cấp nội thất chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam. Đồng tời, xây dựng Thương hiệu “nasa” không chỉ ở trong nước mà còn vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Bà Vũ Thị Hòa, hiệu trưởng trường mầm non xã Việt Hưng (Kim Thành - Hải Dương) cho biết: “Vào năm học mới, trường tôi thường xuyên mua nội thất, đồ chơi ngoài trời của Công ty cổ phần thương mại Phú Xuyên cho các cháu. Sản phẩm của Công ty bền, đẹp, giá cả phải chăng, đặc biệt chế độ bảo hành rất tốt. Nhờ cơ sở vật chất hiện đại mà tháng 5 vừa qua, trường chúng tôi vinh dự được  Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương trao bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1”. …đến vườn cò “độc nhất vô nhị” Mặc dù nghề chính là kinh doanh nội thất trường học nhưng ông Xuyên luôn tâm huyết với thiên nhiên, môi trường. Ông Xuyên kể, năm 2013, ông bỏ ra hơn 3 tỷ đồng mua đất của các hộ dân xung quanh để lập vườn. Khu vườn này trước đây chỉ là vùng bãi rộng lớn, có nhiều cây hoang dại và, cây sanh mọc um tùm nên người dân chỉ có thể cấy lúa ở khu đất cao. Với quyết tâm hồi sinh “vùng đất chết”, khi bắt tay vào cải tạo ông phải tốn nhiều thời gian, tiền của và công sức. Để ấp trúc bờ bao, tạo khuôn viên khu vườn bằng phẳng ông phải thuê máy xúc chở đất sét, hút bùn lên sau đó đổ hàng nghìn m3 đất phù sa từ nơi khác vào.

img_0925

Ông Xuyên tự hào khi giới thiệu với bạn bè về vườn cò tự nhiên của gia đình.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cò, ông Xuyên tâm sự: "Chuyện tôi gắn bó với đàn cò giống như mối lương duyên kỳ ngộ vậy. Bắt đầu vào một buổi sáng, sau khi thức dậy tôi thấy từng đàn cò trắng đậu chi chít trong vườn, tiếng kêu của chúng xen với tiếng gió nghe rất lạ. Trong khi tôi ngạc nhiên thì vợ tôi lại lo lắng và cho rằng đó là điềm gở, nhiều người khác còn chỉ cho tôi cách dùng bả để bẫy cò nhưng tôi lại nghĩ khác. Có lẽ do đất lành nên đàn cò mới chọn khu vườn của gia đình tôi làm bến đỗ, nên tôi bàn với vợ không xua đuổi chúng. Sáng hôm sau, đàn cò lại bay về đông hơn. Dường như hôm trước chúng đến "thám thính" khu vườn trước, sau đó vì thấy khu vườn này "an toàn" nên chúng mới bắt đầu làm tổ. Bẵng đi một thời gian, đàn cò ấy sinh sôi nảy nở chật kín cả khu vườn trồng cây sanh, cây thế. Vào buổi sớm tinh mơ, cò đậu trắng phau trên cây như cây sứ trắng trổ bông. Môi trường tự nhiên thuận lợi đã tạo điều kiện cho chúng sinh sôi nảy nở, vì thế qua mỗi năm, số lượng đàn cò tìm về đây trú ngụ và sinh sản càng đông hơn. Nghe tiếng cò kêu râm ran khắp khu vườn, lòng tôi thấy thanh thản lạ, công việc kinh doanh của tôi vì thế cũng thuận lợi hơn. Với tôi, đàn cò là nguồn vui, là động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống". Để tạo chỗ trú ngụ tốt nhất cho cò, ông Xuyên trồng thêm các loài cây có tán rộng để chúng làm tổ. Trong nhà ít cây nên hễ thấy nhà ai có cây sanh mà không trồng, ông lại xin về trồng trong khu vườn nhà mình để tạo không gian sống cho đàn cò. Qua tìm hiểu thông tin trên mạng, ông biết tập tính của loài cò thích ngủ ở chỗ rậm rạp như bụi tre, bụi nứa nên ông đã cất công tìm mua bằng được. Ngoài quy hoạch trồng cây xanh xen kẽ tre, nứa ông Xuyên còn xây dựng thêm khu vực chăn nuôi và đào ao thả cá đan xen để tạo không gian yên tĩnh cho cò trú ngụ. Chẳng mấy chốc, khu vườn rộng hơn 1 ha của gia đình ông đã phủ kín màu xanh của lá cây xen lẫn sắc trắng của đàn cò.

img_0465

Vườn cò thu nhỏ giữa phố.

Giọng trầm ngâm ông Xuyên kể: "Mỗi lần đi ăn đêm gặp mưa bão, đàn cò bay về không có chỗ trú chân là chúng kêu suốt đêm. Thậm chí có những con cò con bị đuối sức vì gặp mưa, gió đã rơi xuống đất nằm la liệt khắp các bụi cây. Nhìn cò con nằm co ro, tiếng kêu thảm thiết tôi thấy thương lắm, đêm nằm mà cứ trằn trọc không ngủ được. Khi đó tôi tự mình soi đèn khắp khu vườn, lần hồi từng bụi cây tìm cò con bị rơi, rồi đốt lửa lên sưởi ấm cho chúng, sau khi mưa bão chấm dứt mới đem chúng trở lại tổ của mình. Mặc dù mất công, mất sức nhưng nghĩ đến những con cò non lạc mẹ hay chết vì lạnh nên tôi không đành lòng. Kể từ đó, mọi người xung quanh đặt cho tôi biệt danh Xuyên "cò" hay "bảo mẫu Xuyên cò". Xung quanh ao cá, ông Xuyên còn lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để khu vườn ngày càng xanh tốt. Vào những ngày nắng nóng cao điểm, khi các rãnh nước ở vườn cây sanh đã cạn, ông dùng máy bơm bơm thêm nước vào, mục đích để cò có chỗ kiếm ăn và trú ẩn. Phần lớn thời gian trong ngày ông tiếp xúc với các loại cò, nên ông hiểu đặc tính của chúng. Ông bảo, cò ốc rất nhát nên chúng thường đi theo từng đàn, ngược lại cò cá thì dạn hơn, chúng thường ngủ ở rìa vườn sau đó tự kiếm ăn một mình. Cò quắm thân hình cao to, thường xuyên kiếm ăn ở những ao cá rộng nên là đối tượng săn bắt chủ yếu của những "cò tặc" chuyên nghiệp. "Tập tính tổ chức của loài cò thường kiếm ăn theo bầy đàn và bay theo 4 hướng, con bay chính giữa đầu tiên là chỉ huy trưởng, những con bay xung quanh là những con cò con, tất cả tạo thành vòng tròn khép kín. Tập tính này còn nhằm mục đích để con chỉ huy trưởng kiểm tra số lượng cò trong đàn. Sau một ngày kiếm ăn no nê, chiều về đàn cò lại bay về đúng hướng của mình, thông thường con chỉ huy sẽ bay trước lượn xung quanh để dẫn đàn, phòng tránh đàn con phía sau bị lạc. Chúng thường đi ăn thật xa, khi hoàng hôn buông xuống, chúng lại ríu rít gọi nhau về. Tới khu vườn, chúng lại sà xuống vòm cây sanh nương náu sau một ngày dài kiếm ăn vất vả. Đến sáng hôm sau hành trình kiếm ăn của chúng lại tiếp diễn như vậy theo một tổ chức riêng của họ nhà cò”, ông Xuyên phân trần. Khi chúng tôi hỏi về dự định của ông trong thời gian sắp tới, ông không ngần ngại nói ra mong muốn của mình. Ông bảo, vật chất đối với ông không quan trọng, quan trọng nhất là được sống với đam mê và làm những điều mà mình thích. Thời gian sắp tới, ông sẽ đầu tư một số hạng mục khác như: đổ bê tông làm đường, lắp đặt hệ thống camera... để biến khu vườn thành công viên, khu sinh thái thu nhỏ giữa thị trấn. Bỗng dưng, có được vườn cò tự nhiên nên ông luôn tâm niệm đó là lộc của trời nên nhất định phải gìn giữ, bảo vệ chúng khỏi những tên "cò tặc". Tâm nguyện ấy của ông chủ yếu để phục vụ quá trình học tập, tham quan của học sinh, sinh viên. Ông hy vọng đây sẽ là địa chỉ quan sát thực tế hữu ích góp phần nâng cao ý thức bảo vệ tự nhiên, môi trường của các em. Tuy nhiên, điều ông Xuyên băn khoăn bấy lâu đó là ông chưa xác định  được loài cò về trú ngụ trong vườn nhà mình thuộc loại nào, vì thế ông mong muốn các nhà khoa học tới khảo sát, nghiên cứu để ông có thêm kiến thức hiểu biết về tập tính của các loại cò. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Sách cho biết: "Hiện tại, địa phương chưa nắm được thông tin đàn cò từ nơi khác bay về vườn nhà ông Xuyên trú ngụ. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng rất đỗi bình thường. Nếu đàn cò tiếp tục trú ngụ ở đây thì chính quyền địa phương và người dân sẽ có biện pháp bảo vệ đàn cò hữu hiệu để chúng về càng nhiều hơn nhằm bảo tồn đa dạng sinh học". Nhìn đàn cò đang vỗ cánh giữa trời xanh gợi cho ông Xuyên sự liên tưởng về những đứa trẻ bất hạnh bị bố mẹ bỏ rơi. Bất giác ông chợt thốt lên trong tiếng nấc đầy nghẹn ngào: Con người, ai cũng cần tình thương, mái ấm hạnh phúc. Loài cò cũng vậy. Chúng cần một tổ ấm như con người, tại sao mình không nâng niu, che chở, bảo vệ? Ái Liên