Doanh nhân bỏ 20 triệu USD lập giải thưởng vì cộng đồng

00:00 12/10/2020

Ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịchTập đoàn Bảo Sơn – nổi danh với những sản phẩm du lịch như khách sạn 4 sao Bảo Sơn và Công viên Thiên đường Bảo Sơn rất ít nói về mình, ngay cả khi làm nhiều việc đóng góp cho cộng đồng vẫn “áo gấm đi đêm” . Nhưng ông Nguyễn Trường Sơn đã dành cho tôi cuộc trò chuyện cởi mở, hé lộ những điều gây sốc như bỏ tiền túi 20 triệu USD để lập ra một giải thưởng… Tâm huyết với phát triển du lịch + Được biết, nhiều năm nay ông vẫn luôn đau đáu câu chuyện về du lịch: cảnh quan ở nước ta còn đẹp hơn Thái Lan, Singapore mà lại không thu hút được khách quốc tế như họ. Phải chăng đó là lí do trong kinh doanh trước và nay, ông vẫn luôn đặt nhiều ưu ái cho lĩnh vực này? – Tôi nghĩ sản phẩm du lịch của Việt Nam không cạnh tranh được cũng có nguyên nhân từ cơ chế, từ việc chưa đánh giá được tiềm năng của du lịch. Tôi vẫn nhớ, năm 2011, đầu tư cho toàn ngành du lịch chỉ có 43 tỷ đồng, chưa bằng một nửa số tiền tôi đầu tư xây dựng khách sạn Bảo Sơn. 43 tỷ đồng thì chỉ riêng tiền nghiên cứu lập kế hoạch cho ngành du lịch thì đã hết rồi. Chúng ta phải tạo ra các sản phẩm du lịch, muốn vậy phải có cơ chế. Cơ chế gò bó dẫn tới sản phẩm du lịch nghèo nàn.
Ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịchTập đoàn Bảo Sơn.
+ Nhưng khó khăn như vậy, vì sao ông vẫn quyết xây khách sạn Bảo Sơn và sau này là công viên Thiên đường Bảo Sơn, thưa ông? – Năm 1995, tôi xây khách sạn Bảo Sơn, phải vay tới 33 tỷ đồng, lãi suất 1,75% /1 tháng. Mỗi tháng tôi phải trả 500 triệu tiền lãi, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm với tâm huyết phát triển ngành du lịch. Khách sạn Bảo Sơn trở thành khách sạn 4 sao đầu tiên của người Việt Nam, do người Việt Nam xây dựng vào thời điểm đó. Tôi cũng đi khắp nơi trên thế giới tìm kiếm những sản phẩm du lịch phù hợp với Việt Nam, đậm đà văn hóa Việt. Tôi nghiên cứu rất kỹ và quyết định đầu tư xây dựng khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn. Thời điểm ấy, với số đất tôi đang có nếu đầu tư xây dựng chung cư khách sạn thì thu hồi vốn nhanh lắm, lãi cao. Nhưng nếu đầu tư xây dựng công viên thiên đường Bảo Sơn thì phải 30 năm mới thu hồi vốn. Tôi vẫn làm vì muốn có một khu du lịch xứng tầm quốc gia, thu hút được khách quốc tế. Để thu hút khách quốc tế, tôi xây dựng 15 sản phẩm du lịch về làng nghề, như gốm Bát Tràng, lụa Hà Đông, gỗ Tứ Xuyên…; khôi phục phố cổ Hà Nội, đưa 35 nghề ẩm thực Việt Nam giới thiệu với du khách quốc tế. Tôi mua 18 nhà cổ từ mọi miền đất nước và các công cụ sản xuất từ thế kỷ 18, 19, 20 về đây. Bên cạnh đó, tôi tổ chức trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian như hát ca trù, hát quan họ, xòe Thái, rối nước… Tôi nhận thấy khách du lịch quốc tế dường như chỉ đi qua Hà Nội, vì không có gì để họ ở lại. Tôi xây dựng Thiên đường Bảo Sơn để giữ chân họ, ít ra được 1, 2 đêm. Đầu tư vào đây hết 100 triệu USD, bây giờ thì nhặt lại từng đồng. Nhưng tôi vẫn tiếp tục đầu tư để biến nơi đây thành khu du lịch quốc gia và quốc tế, đầu tư bệnh viện và khách sạn cao cấp ở đây. Có gan, có vận, có tiền, có ý chí, nghị lực + Được biết ông từ một cậu bé nông dân nghèo ở một làng quê xứ Nghệ có thể vượt thoát khỏi lũy tre làng và trở thành một ông chủ tập đoàn lớn như ngày hôm nay. Điều gì quyết định sự thành công đó, thưa ông? – Tôi thấy muốn thành công, phải có ý chí, nghị lực, phải tìm ra cách đi của riêng mình. Hồi bao cấp, tôi làm cho công ty xuất nhập khẩu, thời đó hàng hóa khan hiếm, tôi đã táo bạo nghĩ ra cách mua nông sản đổi hàng hóa từ Liên Xô. Nhờ đó mà mở ra cơ chế mới, tạo ra bước đi ngoạn mục. Năm 1991, Nhà nước cho phép lập công ty, tôi quyết định ra ngoài làm lập công ty riêng, dù lúc đó chưa có cả nghị đinh hướng dẫn. Tôi vẫn thuê xưởng làm xí nghiệp may, thuê bất động sản làm khách sạn, rất mạo hiểm nhưng tôi biết xu thế đổi mới, hội nhập không thể nào đảo ngược. Tôi phải tìm ra cái người khác chưa làm, đã làm thì phải quyết tâm, có chiến lược, phải xây dựng được văn hóa kinh doanh trung thực, không nói vội… Tôi ngẫm thấy có 4 yếu tố quan trọng quyết định sự thành công, đó là có gan, có vận, có tiền, có ý chí, nghị lực… Biết chớp thời cơ cũng rất quan trọng, thời cơ gắn với vận. Phải yêu lao động và lao động hết mình. Mấy chục năm nay một năm tôi làm việc 365 ngày, không nghỉ ngày nào, kể cả ngày mồng một Tết. + Bây giờ ông đã rất giàu, nhưng vẫn làm việc không ngừng nghỉ, phải chăng tiền cũng không phải là lý do khiến ông “bắt” mình lao động như vậy? – Ngoài việc lo cho cuộc sống gia đình ổn định, tôi muốn đóng góp cho đời, cống hiến cho sự phát triển của xã hội. Tôi có cách làm từ thiện của riêng mình, lặng lẽ không lên đài báo ồn ào. Ngay từ năm 2010 tôi đã cho huyện Nam Đàn- Nghệ An vay 10 tỷ trong thời gian 10 năm không lấy lãi. Với mức lạm phát hiện nay thì 10 tỷ sau 10 năm tôi chỉ còn 1 tỷ. Nhưng 10 tỷ ấy để đầu tư cho người nghèo lại rất có giá trị. Các xã sẽ chọn ra số hộ nghèo thực sự và tôi giải ngân tiền cho ngân hàng chính sách để cho họ vay tiền mua bò, mua trâu. Tôi không cho họ tiền vì cho họ sẽ tiêu mất, nhưng cho vay họ sẽ có ý thức làm để trả nợ. Mỗi hộ được vay trong 2,5 năm, sau đó chuyển số tiền đó sang cho hộ khác vay. 10 tỷ của tôi đã cho được bốn nghìn người nghèo vay, trong khi cả huyện Nam Đàn hiện nay chỉ có hơn ba nghìn hộ nghèo. Khi Bí thư huyện ủy Hương Sơn đề nghị tôi giúp xóa nhà dột nát cho dân, tôi yêu cầu chọn những ngôi nhà lụp xụp nhất. Xây một ngôi nhà kiên cố hết 38 triệu đồng, tôi giải ngân qua Hội chữ thập đỏ huyện Hương Sơn. Tôi bỏ thêm hai triệu đồng tiền giám sát cho mỗi một căn nhà để đảm bảo không bị thất thoát… Làm từ thiện cũng rất cần cẩn thận, tỉ mỉ và phải chọn người nghèo nhất để trao tận tay. + Được biết, trong lúc kinh tế đang khó khăn, ông đã bỏ 20 triệu USD để lập ra một giải thưởng dành cho những người có cống hiến với cộng đồng. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này? – Ông cha ta nói: “Một người lo bằng cả kho người làm”, tôi lập ra giải thưởng Bảo Sơn để động viên khuyến khích tài năng, khuyến khích “người lo” càng nhiều càng tốt. Giải thưởng này trước đây dùng để tài trợ cho các học sinh, sinh viên nghèo sang học ở Nhật Bản. Sau đó tôi dùng quỹ này để xây dựng cho huyện Nam Đàn một trường học và trao học bổng cho những học sinh nghèo học giỏi. Ban đầu, tôi quyết định gửi 20 triệu USD vào ngân hàng, mỗi năm tiền lãi 1,1 triệu USD để lập ra năm giải thưởng trong năm lĩnh vực. Đó là giải thưởng cho người có công giúp xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam; Giải thưởng cho người có cống hiến lớn trong giáo dục đào tạo, người có công với sự phát triển bền vững; giải thưởng cho người có cống hiến về y học, chữa bệnh cho dân; và giải thưởng cho những tác phẩm văn học có giá trị xuất sắc. Hội đồng khoa học của Đại học Quốc gia sẽ xét giải bằng cách bỏ phiếu kín. Năm 2010, tập đoàn Bảo Sơn đã trao giải thưởng Bảo Sơn trị giá 400 triệu đồng cho tập thể các nhà khoa học ĐHQG do giáo sư Mai Trọng Nhuận đứng đầu. Đây là giải thưởng có giá trị tiền mặt lớn nhất Việt Nam, nhưng đến năm 2027 trị giá của giải thưởng Bảo Sơn sẽ là 1 triệu USD, giá trị vật chất ngang ngửa giải Nobel. + Được biết giải thưởng Bảo Sơn đã mở rộng hơn so với ban đầu và giá trị giải thưởng tăng lên hằng năm, thưa ông? Đúng vậy, từ năm 2011, mỗi giải thưởng này sẽ tăng dần mỗi năm 10.000 USD, đến năm 2018, giải thưởng sẽ có giá trị lên đến 100.000 USD. Chưa dừng lại ở đó, giải sẽ tiếp tục tăng 1 năm thêm 10.000 USD cho đến năm 2027, Quỹ sẽ có 120 triệu USD thì mỗi giải thưởng Bảo Sơn sẽ lên đến 1 triệu USD. Việc quỹ giải thưởng tiếp tục tăng lên nhờ lãi đồng nghĩa với việc Ban tổ chức giải thưởng sẽ tiếp tục xem xét tăng thêm giải thưởng từ năm 2027. + Vâng, xin cảm ơn ông! Bảo Minh (Thực hiện)/ Theo COngluan.vn