Doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ kêu khó vì đăng kiểm: Có chấp nhận rủi ro khi bỏ qua quy chuẩn?

00:00 12/10/2020

Gần 60 doanh nghiệp (DN) vận chuyển và xuất khẩu dăm gỗ vừa đồng loạt kêu khó với Thủ tướng Chính phủ về quy chuẩn an toàn trên phương tiện thuỷ nội địa trong khi Cục Đăng kiểm khẳng định không hề làm khó DN và nếu cố tình cắt bớt quy chuẩn để giảm chi phí vận chuyển, rủi ro cao hơn ai sẽ chịu?

day-chuyen-san-xuat

Làm đúng chuẩn, phí tăng cao, DN kêu khó

Trong đơn kiến nghị tháo gỡ khó khăn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm, nhóm các DN chế biến, vận tải dăm gỗ tại Quảng Ninh đưa ra kiến nghị liên quan đến quy chuẩn an toàn trên phương tiện thuỷ nội địa tại văn bản số 3306/ĐKVN-TS của Cục Đăng kiểm VN. Theo nhóm DN này, không một phương tiện nào đáp ứng được quy định mà Đăng kiểm đưa ra và dù các quy phạm đăng kiểm đã ban hành nhiều tháng nay nhưng chưa có một con tàu nào được cấp phép. Do đó, ngành sản xuất đạt nhiều triệu tấn gỗ dăm xuất khẩu với hàng trăm DN và hàng vạn lao động có nguy cơ đình đốn vì quy định này.

Theo quy định của Cục Đăng kiểm VN, phương tiện thủy nội địa (TNĐ) chở dăm gỗ phải có nắp hầm hàng chịu lực và phải được đóng kín trước khi tiếp tục xếp gỗ lên trên để đảm bảo tính kín thời tiết trong trường hợp có mưa, dăm gỗ có thể ngậm nước làm tăng trọng lượng hàng hóa, giảm dự trữ nổi của phương tiện, gây mất an toàn khi lưu thông...

Nhận định về quy chuẩn này, giám đốc một Cty lớn chuyên xuất khẩu dăm gỗ thị trường Nhật Bản tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh) cho rằng, ngay bản thân gỗ vốn đã ngậm khoảng 50% là nước rồi, nên khi hút thêm nước đến độ nhất định nó sẽ bão hòa và trương nở không quá 18% nên trọng lượng tăng thêm cao nhất cũng không quá 18%, bởi dăm gỗ là mặt hàng nhẹ. Do đó, người này cho rằng việc bỏ qua quy chuẩn trên không ảnh hưởng đến dự trữ nổi của phương tiện.

Theo nhóm các DN, quy định của đăng kiểm gây khó cho việc vận chuyển mặt hàng dăm gỗ, trong khi mặt hàng này đang có vai trò quan trọng ảnh hưởng tới việc làm của hàng vạn lao động ở các địa phương miền núi các tỉnh phía bắc.

Các DN này cũng cho rằng việc vận tải phần lớn dựa vào đường thủy nội địa trong hơn 10 năm qua được các chủ phương tiện chuyên chở từ các nhánh sông đến các cảng lớn diễn ra bình thường và không gây trở ngại về mất an toàn giao thông trên sông nước và quy định từ cơ quan đăng kiểm đã khiến cho không ít DN bị kiểm tra, xử lý trên hải trình.

Cục Đăng kiểm: Nhiều phương tiện vẫn đạt chuẩn, còn cắt quy định sẽ rủi ro cao

Trái với phản ánh của DN, ông Đỗ Trung Học - Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam - khẳng định thông tin cho rằng các quy phạm đăng kiểm đã ban hành nhiều tháng nay nhưng không một phương tiện nào có thể thỏa mãn và được cấp phép là sai. Theo ông Học, các quy phạm đăng kiểm trên đã có từ lâu nhưng trước đó việc quản lý khá lỏng lẻo dẫn tới tình trạng mất an toàn, sau khi siết lại vẫn có nhiều tàu đóng mới đạt tiêu chuẩn và đã được Cục Đăng kiểm cấp phép. Cục cũng đang thụ lý nhiều hồ sơ đóng tàu mới theo quy chuẩn trên.

Lý giải về quy định đăng kiểm đang gây tranh cãi, đại diện cục cho rằng về mặt nguyên tắc, tàu là phải kín để mưa gió không rò lọt vào gây chìm tàu nên tàu nào cũng phải có nắp hầm hàng, riêng trường hợp tàu chở dăm gỗ, nắp hầm hàng phải dày và cứng hơn nắp hầm hàng thông thường. “Quy định có nắp hầm hàng là rất bình thường” - ông Học nhận xét.

Liên quan tới đề xuất dỡ bỏ nắp hầm hàng của các DN liên quan đến vận tải, xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ, ông Học khẳng định có thể làm được nhưng sẽ phải chấp nhận rủi ro cao về an toàn.

Lý giải về điều này, ông Học cho hay khi xếp hàng trên boong tàu phải đảm bảo tầm nhìn và độ ổn định của tàu theo quy định và việc có nắp hầm hàng sẽ ngăn nước không rò lọt vào bên trong, đảm bảo tính ổn định và bảo quản hàng hoá trong hầm, bởi nếu nước rò vào trong hầm sẽ làm tăng khối lượng, làm mất ổn định dẫn tới mất an toàn và thậm chí chìm tàu. Ông Học cho rằng các DN vận tải nghiêm chỉnh đều hiểu và biết rằng phải làm theo đúng quy định thì mới an toàn.

“Quy chuẩn là đúng, DN kinh doanh gỗ dăm muốn giảm chi phí sản xuất vận chuyển nên kêu khó chứ cục không hề gây khó dễ. Đây là quy chuẩn của quốc gia, nếu DN cố tình muốn bỏ qua quy chuẩn thì phải chấp nhận rủi ro, rủi ro đó là hiện hữu. Nếu làm theo quy chuẩn thì ngay cả khi mưa to gió lớn tàu vẫn an toàn, còn nếu bỏ qua quy chuẩn, bỏ nắp hầm hàng thì ngay cả khi mưa nhỏ vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây chìm tàu, mức độ rủi ro cao hơn nhiều so với bình thường” - đại diện Cục Đăng kiểm nhận định.

Hiện Cục Đăng kiểm đã báo cáo lên Bộ GTVT về vấn đề này, Bộ GTVT đang tập hợp ý kiến của các cục vụ liên quan để trình báo cáo lên Chính phủ.

KHÁNH HOÀ - NGỌC DUY/laodong.com.vn