“Doanh nghiệp xây dựng sẽ chủ động khai thác các cơ hội vươn ra thị trường thế giới”

00:00 12/10/2020

LTS. Chiều 18/6, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc gặp mặt đoàn Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành cùng APEC nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2017) do Văn phòng Chính phủ phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Tại cuộc gặp này, ông Lê Viết Hải,Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam - Chủ tịch HĐQT- Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có bài tham luận được các đại biểu đánh giá cao. Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập trân trọng giới thiệu nội dung bài tham luận của ông Lê Viết Hải. Trước tiên, tôi xin phép được thay mặt Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp trân trọng cảm ơn Thủ tướng và các Bộ ngành TW đã quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập quốc tế ngày càng chủ động, sâu rộng hơn. Quyết tâm này đã thể hiện rất rõ ràng qua nhiều nghị quyết quan trọng được giới doanh nhân đánh giá rất cao và coi đây là những bước đầu hết sức quan trọng trong cuộc cách mạng giải phóng các nguồn lực của đất nước. Giới doanh nhân chúng tôi rất mong công cuộc giải phóng các nguồn lực này được liên tục nâng lên ở những tầm cao mới. Những năm gần đây, ngành Xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc và chúng ta đã thành công trong việc thay thế nhà thầu ngoại ở nhiều dự án siêu sao, có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao tại thị trường trong nước. Qua đó đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nước nhà với những công trình quy mô lớn, chất lượng cao, giá thành hạ. Theo đánh giá của chúng tôi, ngành Xây dựng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh tốt ở thị trường nước ngoài. Đây là thị trường có quy mô lên đến hàng chục ngàn tỷ đô la, lớn gấp hàng trăm lần thị trường xây dựng trong nước. Trong đó, có những thị trường phát triển nóng với nhiều điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu công nghiệp xây dựng Việt Nam ra nước ngoài cùng với chuỗi cung ứng vật liệu, trang thiết bị và các dịch vụ tư vấn, vận chuyển, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng... Vì vậy, chúng tôi đã có kiến nghị với Chính phủ xác định: Xây dựng là ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế Quốc gia và cần tập trung nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển công nghiệp xây dựng của chúng ta ra thị trường thế giới. Để làm được điều đó, chúng tôi đã có đề xuất mười giải pháp cụ thể. Chúng tôi vô cùng cảm kích trước sự quan tâm của Chính phủ trong thời gian qua trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và hoàn thiện những thể chế trong quản lý xây dựng nói riêng. Rất mong được Thủ tướng tiếp tục xem xét mười giải pháp mà chúng tôi đã kiến nghị và nếu thấy phù hợp thì có chỉ đạo cụ thể nhằm thực thi những giải pháp này quyết liệt hơn, nhanh chóng hơn. Về phía doanh nghiệp xây dựng, chúng tôi sẽ hết sức chủ động khai thác các cơ hội vươn mình ra thị trường thế giới không chỉ vì lợi ích kinh tế của mỗi doanh nghiệp mà xác định đây là sứ mệnh quan trọng đối với Quốc gia. Xây dựng những công trình có quy mô lớn, chất lượng cao ở nước ngoài giúp chúng ta khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, củng cố niềm tự hào dân tộc và nâng cao uy tín thương hiệu ngành Xây dựng Việt Nam. Chúng tôi hiểu rõ đây là một sứ mệnh đầy thử thách. Vì vậy, để thực hiện thành công sứ mệnh này, các doanh nghiệp xây dựng dẫn đầu cần có sự đoàn kết, đồng lòng và một quyết tâm rất lớn trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh của mình theo hướng quốc tế hóa, hợp tác đồng hành với những doanh nghiệp ở những ngành có liên quan khác như: sản xuất vật liệu xây dựng, địa ốc, tư vấn, vận tải, tài chính – ngân hàng, kể cả hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng. Chúng ta cần phải hành động quyết liệt, triển khai ngay những gì có thể làm được; nếu chần chừ, do dự, chúng ta sẽ bỏ mất thời cơ quý báu này. Kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ rất đáng để cho chúng ta học hỏi. Từ một nước có thu nhập bình quân đầu người 2.000USD/năm, vào năm 1995 quốc gia này bắt đầu xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài; đến nay, xây dựng đã trở thành ngành kinh tế quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, thu nhập đầu người năm 2016 đã tăng lên 20.000 USD/năm. Sự chủ động hội nhập kinh tế toàn cầu của doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ bằng chủ trương, chính sách, bằng những nghị quyết cụ thể và thiết thực của Chính phủ; đặc biệt, ngành xây dựng cần giải quyết ngay nợ xấu, rút gọn các thủ tục hành chính và thực thi các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh mà chúng tôi đã kiến nghị. Việc thực hiện thành công chiến lược mở rộng thị trường xây dựng ra nước ngoài không chỉ mang về nguồn ngoại tệ rất lớn cho đất nước mà còn nhanh chóng xác lập hình ảnh, uy tín thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần thành công trong chiến lược hội nhập quốc tế mà Chính phủ đã đề ra. Hơn nữa, chiến lược hội nhập quốc tế này còn giúp chúng ta phát triển ngành xây dựng ổn định, bền vững kể cả khi thị trường xây dựng trong nước rơi vào giai đoạn thoái trào hoặc bão hoà. Nhân dịp này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các nhà báo đã hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng chúng tôi trong việc quảng bá hình ảnh của mình và mong báo chí, truyền thông tiếp tục đồng hành với ngành xây dựng, lắng nghe những ý kiến của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, giới thiệu năng lực ngành Xây dựng Việt Nam với bạn bè quốc tế, cung cấp cho chúng tôi những thông tin hữu ích về thị trường xây dựng nước ngoài, cùng với Chính phủ và doanh nghiệp xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, hệ thống quản lý nhà nước hiệu quả. Đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư địa ốc và đấu thầu xây dựng./. Lê Viết Hải.