Doanh nghiệp Việt nằm trong nhóm tự tin nhất về khả năng thành công

00:00 12/10/2020

Doanh nghiệp Việt Nam nằm trong nhóm lạc quan nhất về triển vọng thương mại quốc tế và tự tin nhất về khả năng thành công trong môi trường kinh doanh hiện tại, với tỉ lệ lạc quan lên đến 91%.

Bức tranh xuất khẩu hiện nay của Việt Nam đang lan tỏa với nhiều gam màu sáng.

Đây là kết quả khảo sát “HSBC Navigator: Hiện tại, tương lai và ý nghĩa với doanh nghiệp” được thực hiện với hơn 8.500 doanh nghiệp tại 34 thị trường. Cơ sở cho sự lạc quan của doanh nghiệp Việt đến từ các yếu tố như môi trường kinh tế thuận lợi, chi phí vận chuyển - hậu cần giảm và nhu cầu sản phẩm tăng. 

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, kinh tế Mỹ đang phát triển tốt nhưng kinh tế thế giới đang đi xuống và trì trệ. Việt Nam là ngoại lệ - trong khi các nước trong khu vực có biểu hiện đi xuống, Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhất châu Á với mức tăng trưởng sản xuất trung bình năm ở mức 2 con số.

Trong khi đó, kinh tế nội địa tiếp tục hưởng lợi từ du lịch đang phát triển. Ngoài ra, những hiệp định thương mại cấp vùng cũng được cho là động lực quan trọng, thúc đẩy cơ hội mở rộng sang thị trường mới. Phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát (69%) cho rằng, tư cách thành viên trong khối ASEAN mang đến nhiều lợi ích cho triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. 

Thú vị nhất, các doanh nghiệp dường như không xem căng thẳng thương mại tăng cao trên toàn cầu là yếu tố tác động tiêu cực, ít nhất cho tới thời điểm hiện tại. Chỉ 19% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể cản trở hoạt động doanh nghiệp trong vòng 3 năm tới. Tại thời điểm này, doanh nghiệp thuộc một số mặt hàng như dệt may, thủy sản (cá da trơn) thực tế đang thu lợi không nhỏ khi cánh cửa xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ có xu hướng mở rộng hơn.

Ông Winfield Wong, Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ tài chính doanh nghiệp tại HSBC Việt Nam cho biết, sự lạc quan của các doanh nghiệp Việt phản ánh một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, được coi là một trong những ngôi sao tại châu Á. “Họ lạc quan trên cơ sở cho rằng, được định vị đúng, nhờ kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh, niềm tin về triển vọng kinh tế toàn cầu, các thỏa thuận thương mại sâu rộng và quan hệ thương mại phát triển với các thị trường lớn”,ông Winfield Wong nhấn mạnh.

Bức tranh xuất khẩu hiện nay của Việt Nam đang lan tỏa với khá nhiều gam màu sáng. Những yếu tố hỗ trợ tích cực gồm có việc căng thẳng thương mại  Mỹ - Trung kéo dài gián tiếp khiến hàng Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, vị thế hấp dẫn của Việt Nam như là cấu phần quan trọng trong các hiệp định thương mại và ẩn ước sức mạnh tích lũy dần của đồng USD mạnh dần lên - yếu tố tác động mạnh đến nhập khẩu của Mỹ.

Ông Phạm Hồng Hải đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc đưa công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cũng như hiểu được nhu cầu rất riêng của từng nhóm khách hàng. “Trong lúc thời tiết đang rất tốt, có lẽ chúng ta nên tu bổ lại mái nhà, hơn là đợi lúc cơn mưa kéo đến”, ông Hải nhắn nhủ đến tất cả các doanh nghiệp Việt.