Doanh nghiệp Việt cần làm gì trước sức ép cạnh tranh của CPTPP?

00:00 12/10/2020

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương, để tận dụng tốt các cơ hội trong Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Hiệp định CPTPP là cơ hội đối với hàng thủy sản của Việt Nam

Ngày 14/1, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Theo đó, 11 thành viên của CPTPP là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam... chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD.

Với hiệp định CPTPP, cơ hội xuất khẩu đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam được xem là rất lớn bởi đây là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương, với Hiệp định CPTPP, Việt Nam đạt được mức tiếp cận thị trường khá tốt cho hàng thủy sản khi xuất khẩu sang khu vực CPTPP. Về cơ bản, mặt hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp, cá viên) có xuất xứ Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu, ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm.

Một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Việt Nam không đạt được thỏa thuận xóa bỏ thuế quan cho nhiều mặt hàng thủy sản trong các khuôn khổ song phương (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Nhật Bản) hay khu vực (Hiệp định thương mại tự do Asean-Nhật Bản) trước đây, thì nay với Hiệp định CPTPP, thủy sản (cá ngừ, surimi, tôm, cua, một số loại mực…) của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực.

 

Với hiệp định CPTPP, cơ hội xuất khẩu đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam được xem là rất lớn bởi đây là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họa

“Đây chính là cơ hội để thủy sản của Việt Nam thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới, cũng như mỏ rộng xuất khẩu ở các thị trường truyền thống”, Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới

Hiệp định CPTPP mang lại cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng đặt ra sức ép về cạnh tranh ở khu vực và thế giới. Vậy, doanh nghiệp ta cần chuẩn bị những gì cho sân chơi mới này được đặt ra?

Trả lời câu hỏi này, Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cho hay, Hiệp định CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Để tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm.

Đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh, hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

“CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh, do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn, nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên”, Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Cuối cùng, Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định, để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương, sau khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của Hiệp định TPP là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.

Cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại…, mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước ...

Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cho biết, để bảo đảm Hiệp định CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam, Chính phủ sẽ sớm ban hành Kế hoạch hành động để thực thi Hiệp định CPTPP, trong đó sẽ chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến về nội dung và tác động của Hiệp định tới công chúng.

Thêm vào đó, Chính phủ cũng tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của Hiệp định TPP. Ngoài ra, Chính phủ cam kết tiếp tục xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; quyết liệt đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các Bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.

Yến Nhi