Doanh nghiệp vẫn lo bị “hành” bởi chính sách

00:00 12/10/2020

Khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trái thẩm quyền sẽ bị bãi bỏ từ 1/7/2016.

Cộng đồng DN chưa kịp mừng với chủ trương này thì đã phải đối mặt với hàng loạt nghị định (NĐ) mới quy định ĐKKD với mức độ phức tạp và khó khăn hơn. Đáng nói, rất nhiều NĐ có gốc tích là các thông tư được các bộ, ngành nâng cấp “cơ học” lên để không bị xóa bỏ. Chẳng hạn như Thông tư 20/2011/TT - BCT của Bộ Công Thương quy định DN nhập khẩu (NK) ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng. Thông tư này nằm trong danh sách giấy phép con “hành” DN nhưng nay lại được Bộ Công Thương nâng cấp và đưa vào NĐ. Về bản chất, quy định này chỉ nhằm bảo vệ cho lợi ích nhóm của những DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và một số DN sản xuất, lắp ráp xe lớn. Các DN khẳng định, việc buộc các nhà NK phải có “giấy phép con” từ chính hãng sản xuất là bất khả thi và làm khó các DN, khiến nhiều công ty thương mại đã phải đóng cửa và người tiêu dùng chịu thiệt hơn cả do không có nhiều lựa chọn. Thậm chí, nếu Thông tư 20 được nâng cấp lên NĐ thì khoảng 200 DN NK ô tô sẽ phải tự giải tán. Với lĩnh vực kinh doanh gas, các DN trong ngành này đang “kêu trời” vì NĐ 19/NĐ-CP về kinh doanh khí và Thông tư 03/TT- BCT của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của NĐ 19. Bộ Công Thương giải thích về quy định trong Thông tư 03 và NĐ 19 là nhằm hướng thị trường gas Việt Nam theo mô hình Thái Lan chỉ có 5 DN hoạt động. Tuy nhiên, nếu để các DN tự co hẹp lại về số lượng đầu mối trên cơ sở cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ thì mới thực sự "lọc" được những DN tốt. Còn tạo ra thủ tục hành chính và điều kiện quy mô DN để thu gọn về một số DN lớn là đi ngược lại tinh thần khuyến khích DN khởi nghiệp và phát triển của Chính phủ. Còn rất nhiều ĐKKD vô lý khác đang “hành” DN được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhìn nhận là có hệ quả từ việc các bộ, ngành cứ… vô tư ban hành trái thẩm quyền mặc dù Luật Đầu tư không cho phép. Theo thống kê của VCCI, đến ngày 31/5/2016 đã có 38/49 dự thảo NĐ về ĐKKD được trình Chính phủ. Đáng chú ý, chỉ có 24 dự thảo lấy ý kiến VCCI, và Bộ Tư pháp thẩm định 44 dự thảo NĐ chỉ trong vòng… một tuần (Dù thông tin này đã được đại diện Bộ Tư pháp bác bỏ - PV). Điều đó dẫn đến tình trạng quá tải của Bộ Tư pháp và cả VCCI.
Chuyên gia thương mại Ngô Việt Hòa: Đưa nhượng quyền thương mại ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện Nhượng quyền kinh doanh thực ra là phương thức kinh doanh thay vì ngành nghề kinh doanh như cách tiếp cận của Luật Đầu tư. Nếu quy định nhượng quyền thương mại (NQTM) là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì vô hình chung luật pháp đã buộc những người kinh doanh nhượng quyền phải 2 lần đáp ứng ĐKKD trong một số trường hợp nhất định. Ngay cả khi NQTM là một ngành nghề kinh doanh thì cũng hoàn toàn không có cơ sở để cho rằng “ngành nghề” này ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng... Thực tiễn cho thấy, sau 10 năm thực hiện Luật Thương mại chưa thấy báo cáo trường hợp nào các DN trong và ngoài nước “lợi dụng” phương thức kinh doanh NQTM để gây thiệt hại cho DN, người tiêu dùng, Nhà nước, lợi ích cộng đồng. Hơn nữa, ĐKKD nhượng quyền hiện nay là "hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 1 năm" là không có bất kỳ ý nghĩa nào trong việc đánh giá một hệ thống nhượng quyền có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, an toàn, đạo đức xã hội. Do đó, cần bỏ ngành nghề kinh doanh NQTM ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong trường hợp cơ quan quản lý vẫn cần có nhu cầu thống kê hoạt động NQTM tại Việt Nam, họ có thể thiết kế thủ tục thông báo trực tuyến và yêu cầu các bên nhượng quyền thông báo đến cơ quan Nhà nước qua kênh này.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Đông Tùng Hà Thanh Tùng: Khổ vì “giấy phép con” Để trở thành thương nhân phân phối gas, chúng tôi phải xin 2 “giấy phép con”, mà trước đây chỉ có một giấy phép. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng quy định của Thông tư số 03 thì nhiều DN không có cách nào để xin được giấy phép. Bởi vì, khi xin giấy phép làm thương nhân phân phối gas thì phải có giấy phép nạp gas, còn xin giấy phép nạp gas thì phải có giấy phép là thương nhân phân phối. Việc ban hành thêm "giấy phép con" như vậy là không thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ và Luật DN 2014. Quy định Bộ Công Thương cấp giấy phép loại hình thương nhân phân phối nhằm mục đích gì? Nếu cấp giấy phép chỉ để quản lý sức chứa và số lượng vỏ chai thì tại sao không ghép với Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp gas vào chai và giao cho sở công thương các tỉnh quản lý. Vì sở công thương các tỉnh có đủ nguồn lực để kiểm tra, và nếu cần sở có thể đến trực tiếp các trạm chiết. Bộ ở xa, quản lý địa bàn cả nước sẽ khó khăn cả về giám sát lẫn việc đi lại của công chức. Rồi các trạm chiết gas cả nước sẽ phải về tận Bộ Công Thương để xin giấy phép. NĐ trước đây đâu có giấy phép này. Tương tự như vậy, để xin cấp phép của tổng đại lý thì các cửa hàng phải gửi cho tổng đại lý một bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho cửa hàng bán LPG chai. Trong khi đó, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai phải có bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG. Việc quy định khó hiểu trên khiến các DN kinh doanh gas cũng không biết giấy phép nào có trước, giấy phép nào có sau?
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn: Sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch Các bộ, ngành đang chạy đua, nâng cấp cơ học các thông tư thành NĐ khiến chất lượng các NĐ rất đáng quan ngại. Quy trình rút gọn trong việc xây dựng các NĐ về ĐKKD được Chính phủ cho phép các bộ, ngành áp dụng để đảm bảo các NĐ về ĐKKD hoàn tất đúng hạn, trước ngày 1/7/2016 để kịp ban hành. Do đó, nhiều bộ, ngành không đăng dự thảo NĐ trên mạng; không lấy ý kiến DN; không tổ chức hội thảo; không đánh giá tác động; không tổng kết thi hành; không kiểm soát thủ tục hành chính; không thuyết minh; không giải trình. Nếu có lấy ý kiến về dự thảo các NĐ, thông tư thì các bộ, ngành hầu hết chỉ lấy ý kiến DN lớn, trong khi những DN nhỏ có tiềm năng, cơ hội phát triển thì không được lấy ý kiến. Vì thế, DN không chỉ sợ có quá nhiều ĐKKD bất hợp lý mà còn sợ ĐKKD không minh bạch.
Giám đốc Công ty CP Thương mại Kylin-GX Nguyễn Thế Hùng: Một thông tư có thể xóa sổ hàng trăm DN Thông tư 20/2011/TT - BCT của Bộ Công Thương quy định DN NK phải có giấy ủy quyền của chính hãng. Đây là điều bất khả thi, bởi các DN ô tô chỉ cần có một đại lý tại Việt Nam là đủ. Chính vì vậy, từ khi có Thông tư 20, các công ty không NK ô tô được nữa, chỉ đi mua bán ô tô cũ. Còn các DN ô tô nước ngoài thì đặt đại lý tại Việt Nam thoải mái. Trước đây, các DN NK rất nhiều mẫu mã xe mới, giá rất cạnh tranh. Đến nay nhiều DN đã phá sản, một số DN khác đang bên bờ vực phá sản. Chúng tôi đã từng viết thư kêu cứu gửi Thủ tướng về vấn đề này. Riêng Kylin-GX đã chuyển 8 triệu USD cho đối tác nước ngoài để NK xe từ năm 2011. Phải ứng trước số tiền trên thì đối tác mới sản xuất xe. Kylin-GX đã gửi kiến nghị tháo gỡ khó khăn để được nhập nốt số xe đã đặt hàng về suốt 4 năm nay nhưng không được… Thông tư 20 như thế đã “tiêu diệt” DN NK ô tô. Nếu thông tư này được nâng cấp thành NĐ thì các DN NK ô tô không còn cơ hội kinh doanh.
Trang Anh ghi/kinhtedothi.vn