Doanh nghiệp tự cứu mình giữa khó khăn bủa vây

00:00 12/10/2020

Để tự cứu mình giữa khó khăn bủa vây từ dịch Covid-19 bùng phát trở lại, bên cạnh việc linh động chuyển hướng thích ứng với thị trường còn đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự hiểu biết sâu sắc về người tiêu dùng.

Vốn có chút ít tiếng tăm trong lĩnh vực du lịch ở Tp.HCM, nhưng gần đây, trước khó khăn bủa vây từ dịch Covid-19, CTCP Truyền thông Du lịch Việt đã quyết định chuyển hướng kinh doanh bằng việc phối hợp với CTCP Đầu tư Ecom Net để phân phối độc quyền các loại khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, trang phục y tế và các sản phẩm y tế dùng một lần.

Linh động chuyển hướng

Theo chia sẻ của Tổng giám đốc Trần Văn Long, việc chuyển hướng sang kinh doanh khẩu trang được kỳ vọng sẽ duy trì việc làm cho nhân viên đến hết cuối năm khi mà Công ty đã đóng cửa toàn bộ hoạt động du lịch vì dịch Covid-19.

HINH-3260-1597656850.jpg

Để tự cứu mình giữa Covid-19, các DN cần linh động thích ứng với thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển hướng như vậy chính là cách doanh nghiệp (DN) tìm “phao cứu sinh” giữa đại dịch Covid-19 với hy vọng cải thiện tình hình kinh doanh vốn đang bi đát. Và điều này đòi hỏi rất lớn ở sự nhạy bén của người chủ DN để biết “tìm cơ trong nguy”.

Đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại đang thách thức DN trên khắp Việt Nam với số đông chủ DN đang báo cáo sụt giảm doanh số mạnh trong nhiều tháng qua và không chắc khi nào sẽ tăng trở lại.

Một chuyên gia nghiên cứu thị trường lưu ý, để tự cứu mình thì bên cạnh việc linh động thích ứng với thị trường giữa mùa dịch, DN cần có sự hiểu biết sâu sắc về người tiêu dùng. 

Chẳng hạn như trường hợp của CTCP Bóng đèn Điện Quang. Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại, Điện Quang đã kịp thời cho ra thị trường sản phẩm hộp diệt khuẩn UVC với thiết kế nhỏ gọn dùng để khử trùng cho các vật dụng cá nhân. 

Trước đó, khi dịch Covid-19 xảy ra hồi đầu năm nay, đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu của Điện Quang đã cho ra mắt bộ giải pháp diệt khuẩn thông minh với các sản phẩm như đèn led diệt khuẩn xách tay (dùng trong các khu vực của gia đình, hay dùng trong ô tô), bộ đèn diệt khuẩn huỳnh quang, dùng trong thang máy, bệnh viện, ngân hàng, phòng vệ sinh…

Hay như CTCP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo đang xuất khẩu khá thành công các sản phẩm gel rửa tay khô, nước rửa tay (phải xả lại bằng nước) và xịt diệt khuẩn tại thị trường Mỹ trong mùa dịch Covid-19 sau khi linh động chuyển sang sản xuất mặt hàng này cũng như nỗ lực sớm hoàn tất các công đoạn để được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.

Ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty, cho biết: "Khi dịch bệnh làm cho DN khó khăn thì mình cũng cần tìm hiểu để vượt qua. Nhất là DN làm sao duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để người lao động có công ăn việc làm".

“Điều may trong cái rủi”

Đơn cử như trước đây, Công ty Mỹ Hảo xuất khẩu sang Mỹ khá nhiều, nhưng đó là những sản phẩm không cần FDA cấp phép như nước rửa chén, nước giặt… Tuy nhiên, khi ở Mỹ có dịch bệnh thì nhu cầu thị trường lại khác, người dân cần đến nước rửa tay diệt khuẩn. 

Vì vậy, Mỹ Hảo vốn đã có sẵn uy tín, bạn hàng và kênh phân phối tại các siêu thị ở Mỹ, xuất khẩu gel rửa tay sang thị trường này tiêu thụ khá nhanh, nắm bắt đúng thị hiếu người mua.

Đứng ở góc nhìn của một chuyên gia, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển thị trường, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, lưu ý sự cập nhật thị trường quan trọng hơn bao giờ hết với các DN trong lúc này. Bởi, người tiêu dùng ngày càng có những thay đổi hành vi mua sắm trước dịch bệnh, có thể là chỉ trong vòng 1 tháng hoặc 1 - 2 tháng.

Còn theo Ts. Burkhard Schrage, Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị tại Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT: “Bây giờ là lúc để DN chuẩn bị hành trang cho tương lai. Và có thể đại dịch này là “điều may trong cái rủi” giúp DN cạnh tranh một cách bền vững hơn tại Việt Nam cũng như trên trường quốc tế”. 

Một nghiên cứu từ Công ty tư vấn quản lý McKinsey & Company đã chỉ ra lý do tại sao một số DN vượt qua và phục hồi sau khủng hoảng tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh. 

Ts. Schrage nhấn mạnh vào một số khuyến nghị quan trọng từ nghiên cứu này. Đó là giải quyết những thách thức trước mắt với DN về lượng tiền mặt và chuỗi cung ứng, cũng như xác định các mối nguy chính đối với DN và lập kế hoạch cho các kịch bản khác nhau.

Ngoài ra, McKinsey & Company đề cập đến yếu tố “tình trạng bình thường mới”. Người tiêu dùng sẽ quan tâm tới các tính năng khác trong sản phẩm mà DN cung cấp, đối thủ sẽ cạnh tranh khác đi, chuỗi cung ứng sẽ được cấu hình không giống như trước đây. Điểm cốt lõi là cần điều chỉnh DN nhanh chóng để phù hợp với thế giới mới giữa khủng hoảng dịch bệnh.

Với góc nhìn riêng của mình, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, với những DN dù có hay không có dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại nhưng vốn dĩ đã yếu từ lâu thì đây là cơ hội để tái cấu trúc toàn chuỗi. Tức là xem lại toàn bộ chuỗi của DN là yếu ở khâu nào, nếu có những khâu quá yếu thì cần phải "ngắt" đi.

“Chẳng hạn có một DN làm quá nhiều sản phẩm thì hãy xem những sản phẩm nào không có đầu ra, bán không được, không cạnh tranh được thì nên ngưng lại và dồn sức cho sản xuất những sản phẩm hoặc một sản phẩm duy nhất mà có sức cạnh tranh, có thị trường”, ông Dũng nói.

Thế Vinh