Doanh nghiệp thuỷ sản biến phế phẩm thành “mỏ vàng” 

00:00 12/10/2020

Hiện thực mục tiêu chế biến sâu và “chế biến hết” trong tái cơ cấu sản xuất, các doanh nghiệp thuỷ sản cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến các phụ phẩm, đưa ra sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Mặc dù được cho là mang về khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho Việt Nam, tuy nhiên hiện ngành xử lý phụ phẩm tôm vẫn bị bỏ ngỏ. Với 320.000 tấn phụ phẩm tôm mỗi năm, chỉ một phần nhỏ này được sử dụng, chưa kể, phần nhỏ này lại thiếu công nghệ để tinh sạch và chiết xuất ra sản phẩm giá trị cao.

mang về khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho Việt Nam, tuy nhiên hiện ngành xử lý phụ phẩm tôm vẫn bị bỏ ngỏ.

 Ngành xử lý phụ phẩm tôm được cho là có tiềm năng mang về khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho thuỷ sản Việt Nam.

Doanh nghiệp “ném tiền qua cửa sổ”

Trao đổi với DĐDN, ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tổng sản lượng chế biến thủy sản trên 7 triệu tấn/năm, phụ phẩm chiếm khoảng 15-20%. Nguồn phụ phẩm này có thể chế biến ra các sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ nhiều ngành khác nhau. 

Trên thực tế, không phải doanh nghiệp không ý thức được điều này, tuy nhiên, khoảng cách về công nghệ, máy móc thiết bị, khả năng phát triển ứng dụng cũng như chiến lược thương mại hóa chưa chưa đồng bộ trong việc xử lý phụ phẩm tôm được cho là những nguyên nhân cản đường các doanh nghiệp trong việc chế biến phụ phẩm tôm.

Nói như TS. Nguyễn Mạnh Dũng - Nguyên Trưởng phòng Phát triển thị trường nông sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: “Có thể nói phụ phẩm tôm hiện đang là nỗi ám ảnh của nhiều cơ sở chế biến tôm nói riêng và chế biến thủy sản nói chung do bị phân hủy tự nhiên gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhưng nếu biết tận dụng để chế biến thì đó là một nguồn nguyên liệu quý, một “mỏ vàng” cho ngành chế biến tạo ra các sản phẩm sinh học”.

Đồng quan điểm, ở góc độ doanh nghiệp, vị đại diện Công ty cổ phần VietNamFood từng đánh giá, sẽ là hành động “ném tiền qua cửa sổ” nếu không khai thác phụ phẩm, vì không thể tích trữ lại sau khi lấy phần nguyên liệu cần thiết. Hơn nữa, nếu không khai thác đúng cách, sẽ gây hiểm hoạ ô nhiễm môi trường. 

“Nếu dùng cách tính như nước ngoài, phụ phẩm tôm Việt Nam có thể đóng góp ít nhất 10% trong chiến lược giá trị ngành tôm. Nhưng để đạt được điều đó, cần phải đầu tư ‘cho tới’ vào khoa học công nghệ, máy móc thiết bị, cũng như người lao động có tay nghề”, Vị đại diện VietNamFood chia sẻ.

Thậm chí, không chỉ với riêng ngành tôm, cá tra cũng tương tự, ông Võ Phú Đức, Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn Collagen cho biết, Vĩnh Hoàn là một doanh nghiệp chế biến đầu cá, ruột cá, xương cá, đuôi cá làm bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi. Từ năm 2015, Công ty đã xây dựng một nhà máy sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra. Quá trình nghiên cứu, thực nghiệm, thử nghiệm đến khi sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng yêu cầu mất 4 năm, kèm theo chi phí khá lớn.

“Nhà máy của chúng tôi có công suất 2.000 tấn thành phẩm/năm và đang hoạt động khoảng 70% công suất thiết kế. Nếu bán bột cá, mỡ cá thì chỉ có giá 1,2 -1,5 USD/kg, nhưng sản xuất collagen có thể thu về từ 15-20 USD/kg thành phẩm”, ông Đức nói và ước tính, việc tận dụng phụ phẩm có thể gia tăng 15 -25% giá trị cho toàn bộ chuỗi nuôi và chế biến cá tra.

Ứng dụng công nghệ vào “chế biến hết”

Được biết, phụ phẩm tôm là những phần sẽ bị bỏ đi trong quá trình chế biến như: đầu, vỏ, gan, tụy. Năm 2017 con số phụ phẩm riêng ngành tôm khoảng trên 320.000 tấn phụ phẩm tôm và dự kiến tới năm 2025 sẽ tăng thêm lên 60%, đây được coi là “mỏ vàng” nếu được ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. 

Tuy nhiên, điểm nghẽn trong chuỗi giá trị ngành thủy sản Việt Nam là các doanh nghiệp ít chú trọng việc sản xuất các sản phẩm từ phụ phẩm. Do đó, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động này trong quá trình sản xuất.

Đặc biệt, trong tái cơ cấu sản xuất ngành thuỷ sản, mục tiêu là chế biến sâu, tăng cường chế biến sản phẩm giá trị gia tăng và đặc biệt là “chế biến hết”. “Để hiện thực mục tiêu“chế biến hết”, thời gian tới, doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tận dụng tốt nhất nguyên liệu sẵn có, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao có thể phục vụ cho con người, cho ngành mỹ phẩm, y tế”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Cụ thể, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chỉ rõ, các phụ phẩm từ tôm và cá có thể chế biến thành các sản phẩm bột canxi nano giàu dinh dưỡng hay nhiều sản phẩm collagen phục vụ trong ngành mỹ phẩm mang lại giá trị cao. 

Cùng với đó, để phát triển các sản phẩm này, doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề phát triển thị trường với sự hỗ trợ của toàn hệ thống như các cơ quan tại nước ngoài tìm hiểu điều tra hướng tới giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm tiếp cận thị trường nhanh và hiệu quả nhất.