Doanh nghiệp siêu nhỏ khó phát triển vì tầm nhìn hẹp!

00:00 12/10/2020

Theo ông Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, hiện nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ thường có quan niệm bảo thủ rằng khi đầu tư là muốn có ngay doanh số, sớm có lợi nhuận. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp siêu nhỏ kiểu gia đình thường không mạnh dạn đột phá làm theo cách mới.

Sáng 27/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ”.

Doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm số đông tại Việt Nam  

Theo ông Hoàng Trần Hậu – Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Bộ Tài chính, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé về mặt vốn, lao động hay doanh thu. Tại Việt Nam ngoại trừ những doanh nghiệp siêu nhỏ, không thể không nhắc đến hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, có 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ đang sản xuất nhỏ lẻ; giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 triệu lao động.

Cũng theo ông Hậu, trong nhiều năm tới, khối doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn là một trong những động cơ chạy chính cho nền kinh tế Việt Nam.

Hội thảo sáng ngày 27/11

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017, xét về tỷ trọng đóng góp trong GDP, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đã đóng góp khoảng 43% GDP. Đặc biệt, khu vực KTTN đã thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội…

Còn theo số liệu thống kê từ tổng điều tra kinh tế – xã hội năm 2017, số doanh nghiệp siêu nhỏ trong năm vừa qua tăng 65,5% so với năm trước đó, chiếm 74% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam.

Riêng quý I/2018, cả nước có 26.785 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 278.489 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 90% trên tổng số doanh nghiệp đăng ký mới.

Doanh nghiệp siêu nhỏ kiểu gia đình thường không mạnh dạn đột phá

Đưa ra những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ông Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, khối doanh nghiệp này gặp rất nhiều hạn chế về vốn, nhân lực chất lượng cao, khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài và khả năng tham gia vào mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

“Cho dù sản phẩm của các doanh nghiệp này có chất lượng tương đương các doanh nghiệp phụ trợ từ nước ngoài của những tập đoàn lớn, nhưng họ lại thiếu vốn và mối quan hệ để có khả năng chen chân vào chuỗi doanh nghiệp vệ tinh của những tập đoàn lớn này”, ông Thành cho hay.

Theo phân tích của Nguyên Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, thời gian đầu mới thành lập, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động khá tốt và cũng có tầm nhìn chiến lược. Tuy nhiên, thời gian sau, có nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ kiểu gia đình lại quen với cách làm cũ và ngại với cách làm mới vì sợ đảo lộn trật tự trong hoạt động và thiếu niềm tin khi thay đổi.

“Nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ thường có quan niệm bảo thủ rằng khi đầu tư là muốn có ngay doanh số, sớm có lợi nhuận. Trong khi đó, việc đầu tư là phải tính đến dài hạn, thời gian thu hồi lại khá lâu, chưa chắc bảo đảm sớm có lợi nhuận. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp siêu nhỏ kiểu gia đình thường không mạnh dạn đột phá làm theo cách mới”, ông Thành phân tích.

Theo ông Thành, do không vay được vốn nên doanh nghiệp siêu nhỏ cũng không có công nghệ mới, phương tiện thiết bị cũ kỹ, quy trình làm việc cũng cũ, cộng thêm việc ít chịu khám phá thị trường mới, khách hàng mới. Trong khi đó, chính bản thân doanh nghiệp siêu nhỏ còn chủ quan, không biết rằng mình đang chịu áp lực cạnh tranh dữ dội từ rất nhiều đối thủ tiềm tàng có thể đe dọa sự tồn tại của họ trong tương lai.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Trần Hậu cùng thừa nhận một thực tế là, khối doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô (tiềm lực tài chính, địa bàn hoạt động, thị phần…).

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, khối doanh nghiệp siêu nhỏ có trình độ nhận thức hạn chế, thiếu kinh nghiệm về quản lý điều hành tài chính, chưa quyết đoán trong việc ra các quyết định đầu tư nên không ít hộ kinh doanh cá thể đã không sử dụng hiệu quả các nguồn vốn huy động được.

Đặc biệt, tình trạng phá sản, không thu hồi được vốn, diễn ra khá phổ biến. Các hộ kinh doanh thường bỏ qua các quy luật của thị trường, chưa có chiến lược kinh doanh rõ ràng, chưa có kinh nghiệm trong phân bổ các nguồn lực tài chính nên gây ra tình trạng lúc thiếu lúc thừa, không nhịp nhàng với quy trình sản xuất kinh doanh.

Minh Ngọc