Doanh nghiệp sẽ được gỡ nhiều nút thắt trong cạnh tranh

00:00 12/10/2020

Bộ Công thương đang dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, trong đó nội dung về thị trường liên quan, thị phần… Dự thảo nghị định được đánh giá là có nhiều điểm tiến bộ và gỡ vướng cho doanh nghiệp (DN).

Xác định chính xác thị trường, thị phần

Một trong số các vấn đề vướng nhất là việc xác định thị trường liên quan – một trong những yếu tố rất quan trong trong quá trình hoạt động của DN, sự phát triển của thị trường.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, Ủy viên Ban chấp hành Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho biết, các quy định về xác định thị trường liên quan hiện hành còn khá chung chung và thiếu thực tế.

Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc tranh luận gay gắt về việc xác định thị trường liên quan, trong khi cơ quan quản lý cạnh tranh chưa có hướng dẫn cụ thể để phân xử.

Bên cạnh đó, lâu nay DN nước ta còn lúng túng trong việc xác định đúng thị phần của mình để vận dụng các quy định của Luật Cạnh tranh một cách đúng đắn, hiệu quả. Thêm vào đó, bản thân quy định về tiêu chí xác định hiện nay là chưa đủ, cần phải hướng dẫn phương pháp xác định để tham chiếu thì mới có thể giúp DN tự xác định thị phần một cách chính xác.

Nhằm khắc phục hạn chế đó, tại dự thảo nghị định này, Bộ Công thương có các quy định về thị trường liên quan và thị phần cụ thể, rõ ràng. Theo quy định của Luật Cạnh tranh, thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Vì vậy, dự thảo nghị định quy định rõ cách thức xác định thị trường sản phẩm và thị trường địa lý liên quan.

Được gỡ vướng về xác định thị trường liên quan giúp DN có nhiều cơ hội phát triển hơn. Ảnh: T.U

Về xác định thị trường sản phẩm liên quan, dự thảo nghị định quy định cụ thể yếu tố để xác định khả năng thay thế cho nhau của hàng hoá, dịch vụ về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.

Theo đó, khả năng thay thế về đặc tính được xác định theo các yếu tố đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ; thành phần chủ yếu; tính chất vật lý; tính chất hóa học; tính năng kỹ thuật; tác dụng phụ; khả năng hấp thu của người tiêu dùng; tính chất riêng biệt khác của hàng hóa, dịch vụ…

Quy định mở theo vụ việc

Dự thảo nghị định cũng nêu rõ, tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thoả thuận hạn chế cạnh tranh là yếu tố được xem xét nhằm xác định thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định trong Luật Cạnh tranh...

Có thể thấy rõ điểm tiến bộ là dự thảo nghị định quy định theo hướng tuỳ từng vụ việc, yếu tố chủ yếu nhất sẽ được xác định khi tiến hành điều tra và có thể điều chỉnh một cách phù hợp căn cứ vào các chứng cứ và số liệu thu thập được.

Thêm vào đó, dự thảo quy định rõ về mức thị phần của các DN tham gia thoả thuận. Trong đó, đối với trường hợp thỏa thuận giữa các DN trên cùng thị trường liên quan, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ xem xét tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thoả thuận khi thị phần kết hợp của các DN tham gia thoả thuận từ 10% trở lên.

Ngoài ra, đối với trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các DN kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ xem xét tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thoả thuận nếu thị phần của mỗi DN tham gia thỏa thuận trên bất kỳ thị trường liên quan của hàng hóa, dịch vụ trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đó từ 10% trở lên.

Với những quy định mở và tiến bộ như vậy, theo đánh giá của DN, dự thảo nghị định không chỉ giúp DN dễ xác định thị trường sản phẩm liên quan mà thông qua đó giúp DN tự tin hơn khi cạnh tranh trong các thương vụ cũng như vững vàng hơn tại các cuộc đàm phán trên thương trường.

Tố Uyên