Doanh nghiệp sẽ 'chệch nhịp' hội nhập khi thờ ơ với FTA

00:00 12/10/2020

Kết quả thống kê mới đây cho biết, trên 70% doanh nghiệp không biết đến CPTPP và EVFTA trong khi các hiệp định này được cho là “cánh cửa” dẫn doanh nghiệp ra với thế giới.

Doanh nghiệp còn “lơ mơ” về FTA

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Thời gian qua, nước ta đã đàm phán và ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), FTA Bắc Mỹ (NAFTA), FTA Australia - Hoa Kỳ (AUSFTA)...

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam nếu không chủ động hội nhập thì sẽ đánh rơi cơ hội từ các FTA mang lại.

Việc tham gia các FTA cũng như các tổ chức quốc tế khác mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các DN, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV, cũng như toàn bộ nền kinh tế với các đối tác thương mại trên thế giới. Đồng thời, thông qua việc thực thi các cam kết, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện để DN tự do sáng tạo, phát triển kinh tế, làm giàu cho DN và đất nước.

Nhưng trên thực tế, không ít DN Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV hiện vẫn chưa được trang bị đầy đủ hiểu biết về những điều này, hoặc thậm chí ít quan tâm về những lợi thế mà FTA và các tổ chức kinh tế khác (CPTPP, AEC…) mà Việt Nam đã gia nhập mang lại. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỷ lệ DN Việt Nam hiểu và sẵn sàng tham gia vào các “sân chơi lớn” như Hiệp định CPTPP, AEC là chỉ khoảng 20 - 30%. Hầu hết các DN gần như “mù tịt” về những tác động của các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia. Thậm chí, có tới 60 - 70% DN được khảo sát cho rằng, các hiệp định này… không mấy ảnh hưởng đến họ.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, điều này cho thấy bản thân doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng các hiệp định cũng không nắm được thông tin. “Rõ ràng là rất khó để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế, khi mà họ chưa nắm được thông tin gì về các hiệp định quan trọng mà Chính phủ đã rất nỗ lực đàm phán trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên sân nhà lại ngày một gia tăng khốc liệt hơn khi quá trình mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế đang diễn ra nhanh chóng”, ông Lộc cho biết.

Hướng đi nào để doanh nghiệp tự nâng cao năng lực khi tham gia vào FTA?

Theo đánh giá của các chuyên gia, để tận dụng được cơ hội mà các hiệp định CPTPP hay FTA mang lại, cần sự nỗ lực từ hai phía là các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, trong đó cần sự chủ động hơn nữa của doanh nghiệp Việt Nam. Nhà nước tăng cường tuyên truyền nhưng doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thì mới khai thác hết lợi ích của EVFTA cũng như các hiệp định FTA khác.

Theo đó, để tham gia vào FTA thành công các DNNVV cần căn cứ trên nguồn lực thực tế của doanh nghiệp để xác định cụ thể các thị trường mục tiêu, từ đó xác định các sản phẩm, hàng hóa sẽ sản xuất, nhập khẩu để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường mục tiêu đã xác định.

Tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và quản lý chất lượng như công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố phù hợp tiêu chuẩn, công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, duy trì chất lượng của sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, thực hiện việc ghi nhãn theo quy định, thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp tại các tổ chức đã đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp hoặc được thừa nhận, được chỉ định theo quy định của pháp luật…

Nghiên cứu, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến như ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, HACCP, GMP, ISO 45001, ISO 27001…, áp dụng mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc để bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa được duy trì, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ… Từ đó, tạo được uy tín, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp.

Tham gia các Chương trình, Đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như Chương trình 712, Đề án 100, Đề án 996… để tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật, bao gồm cả các quy định mới, quy định được sửa đổi, bổ sung, thay thế để kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh cho phù hợp...

Năm 2020 là năm đối phó với dịch bệnh và cũng là năm triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, DNNVV cần nâng cao nhận thức, chủ động trang bị kiến thức, tìm hiểu sâu các quy định của WTO, các cam kết trong các FTA như CPTPP, EVFTA… từ đó có thể tận dụng cơ hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh để DN phát triển. Nhưng quan trọng nhất, trước tiên DN phải hoạt động sản xuất kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, đúng pháp luật, bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế, phải năng động sáng tạo, có kiến thức, có bản lĩnh kinh doanh dám “đương đầu” với hội nhập để vươn ra biển lớn.

Bảo Anh