Doanh nghiệp sản xuất đồ chơi bị "mất đà" trên thị trường nội?

00:00 12/10/2020

Mặc dù, doanh nghiệp nội đã đầu tư máy móc, thiết bị trị giá hàng tỷ đồng sản xuất đồ chơi, tuy nhiên, 90% thị phần thị trường đồ chơi vẫn là sản phẩm nhập ngoại.

Nhiều sản phẩm đồ chơi có nguồn gốc Việt Nam được xuất khẩu sang các thị trường khó tính. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến câu chuyện “bất hợp lý” này không phải là do năng lực sản xuất của doanh nghiệp nội, mà là 95% sản lượng đồ chơi doanh nghiệp nội sản xuất là để xuất khẩu sang những thị trường “khó tính” bậc nhất như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...

Được biết, tốc độ tăng trưởng trung bình xuất khẩu tại các thị trường này ở mức khoảng 20%/năm. Cụ thể, xuất khẩu đồ chơi của doanh nghiệp nội sang Hà Lan đã tăng tới 102%, Tây Ban Nha là 98%, Đức 52%, và Bỉ là 42%.

Theo một số doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, có được kết quả tăng trưởng ấn tượng này là do các sản phẩm đồ chơi có nguồn gốc từ Việt Nam có hàm lượng công nghệ cao, cập nhật xu hướng và có thể vượt qua được những rào cản kỹ thuật khắt khe. Ngoài ra, các sản phẩm đồ chơi Việt Nam còn có những chi tiết gia công tinh tế và khéo léo... được xem là điểm “cộng” lớn và được ưa chuộng tại các thị trường trường vốn được xem là “cái nôi” của công nghệ này.

Tuy nhiên, ở các thị trường khó tính bậc nhất là vậy, tuy nhiên, tại sân nhà, thị phần doanh nghiệp nội trên thị trường đồ chơi lại chỉ dừng lại ở mức 10%.

Theo lý giải của một doanh nghiệp sản xuất đồ chơi bằng gỗ cho biết: “Tiềm năng của thị trường trong nước là rất lớn, vì vậy doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất đồ chơi lên tới cả tỷ đồng để chuẩn bị cho thị trường nội. Thậm chí còn xây dựng chiến lược giá cả thấp hơn so với những sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh từ thị trường nội không khả quan bởi, các sản phẩm do doanh nghiệp làm khó có thể cạnh tranh về sự đa dạng của mẫu mã và thời gian cho ra đời các sản phẩm mới nhanh như đồ chơi có nguồn gốc Trung Quốc”. Đây có lẽ cũng là câu chuyện kinh doanh thực tế của nhiều doanh nghiệp nội sản xuất đồ chơi gặp phải.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này? Theo lý giải của một số chủ cơ sở sản xuất, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp sản xuất đồ chơi nội bị “mất đà” trong cuộc đua ngay trên sân nhà đó là do quy định kiểm tra định kỳ.

Cụ thể, để nghiên cứu ra một khuôn mẫu sản phẩm, doanh nghiệp phải “thai nghén” từ 3-6 tháng, và để có được sản phẩm hoàn chỉnh, doanh nghiệp phải cần thêm thời gian là 3 tháng nữa. Trong khi, các sản phẩm đều phải làm chứng nhận, kiểm tra chất lượng, kiểm định định kỳ trong khoảng thời gian 6 tháng -1 năm. Như vậy, có những sản phẩm của doanh nghiệp chưa kịp “ra đời” đã phải kiểm tra lại theo định kỳ. Theo đó, các doanh nghiệp cho rằng, điều này đang gây “khó” cho doanh nghiệp, làm tăng các chi phí và làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, để các sản phẩm đồ chơi Việt có thể đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã đa dạng của người tiêu dùng, các sản phẩm phải nghiên cứu thị trường một cách chi tiết, hiểu rõ từng đối tượng khách hàng với từng mức thu nhập khác nhau... để đưa ra được chiến lược và hướng đi riêng để từ đó tạo ra được các sản phẩm thật sự khác biệt.

Trước những lo ngại của người tiêu dùng về hàng Trung Quốc “kém chất lượng”, việc đầu tư nghiên cứu, sản xuất và “tung” ra thị trường các sản phẩm chất lượng được kỳ vọng sẽ giúp các sản phẩm đồ chơi Việt Nam ngày càng tạo được “chỗ đứng” trên sân nhà.

Ngọc Hà