Doanh nghiệp phải tự đi lên bằng đôi chân của mình

00:00 12/10/2020

Khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường kinh tế thế giới với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã và đang được xúc tiến ký kết, khối doanh nghiệp tư nhân là đối tượng chịu nhiều tác động. Muốn lớn mạnh và phát triển trong môi trường đó cạnh tranh khốc liệt ấy, doanh nghiệp Việt Nam phải là những người nắm thế chủ động, phải tự đi lên bằng đôi chân của mình.

HVS_9781
Phó Thủ tướng cùng đại diện các bộ, ban, ngành liên quan tham dự diễn đàn

Tại diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam phiên toàn thể lần thứ nhất diễn ra vào chiều 3/6 vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, trong 30 năm đổi mới, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) luôn đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Phó Thủ tướng khẳng định rằng, Chính phủ và Nhà nước luôn cố gắng và tạo mọi điều kiện cho DNTN phát triển. “Chính phủ sẽ làm hết sức mình để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế, mọi loại hình doanh nghiệp có thể cạnh tranh lành mạnh và cùng phát triển. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Chính phủ đang soạn thảo hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa của Việt Nam theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường không phân biệt đối xử và phù hợp với các cam kết quốc tế”.

HVS_9739
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện và đồng hành cùng với khối DNTN trong tiến trình xây dựng và phát triển kinh tế

Ông Bùi Văn Quân – Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đánh giá, DNTN đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam khi tạo thị trường lao động cho hơn 50% lực lượng lao động và đóng góp 41% GDP cả nước. Điều này cho thấy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là một trong những nhân tố quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Cũng theo ông Quân chia sẻ, DNTN Việt Nam sở hữu 3 điểm mạnh: có lòng yêu nước, có nhiệt huyết và nghị lực đối mặt với thách thức và rủi ro để vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân và đất nước; có trí sáng tạo và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ. Nhiều DNTN đã trưởng thành và đứng vào hàng ngũ DN khu vực; ngày càng đông các DNTN đã và đang vươn ra đầu tư, hoạt động ở nước ngoài và đặc biệt, thế hệ doanh nhân trẻ được du học và làm việc ở nước ngoài mang về kiến thức, kinh nghiệm, các ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học quản trị tiên tiến để giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Những thế mạnh này có thể đem đến cho những doanh nhân trẻ – nhân tố tích cực tạo nên cộng đồng DNTN Việt Nam khả năng phát triển, sự trưởng thành mạnh mẽ trong bối cảnh bùng nổ kinh tế toàn cầu. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, DNTN Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh với những khối DN khác đơn cử là DN FDI ngay tại thị trường Việt Nam.

Bởi ông Quân cho rằng, bên cạnh những điểm mạnh vốn có, khối DNTN Việt Nam cũng có những điểm yếu thường trực như nguồn vốn hạn chế, thiếu kinh nghiệm về thị trường, đối tác quốc tế và đặc biệt là những lỗ thủng kiến thức lớn về chính sách.

Cùng quan điểm, ông Sandeep Mahajan – Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để kinh tế tư nhân phát triển thành công chính là Việt Nam biết mình muốn gì và cần những gì để đạt được điều đó. “Khối DNTN cần xác định rõ xuất phát điểm của mình để phát triển đúng hướng đặc biệt là trong bối cảnh phải nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập. Điều đó có nghĩa, DN phải tăng cường đối thoại với Chính phủ, với các nhà hoạch định chính sách”, ông Sandeep nhận định.

Đây cũng là điều được Phó Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên bế mạc của diễn đàn. Phó Thủ tướng cho rằng, trước đây khi đối thoại về chính sách thì DN thường gặp đại diện các bộ ngành để nói về khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Mặc dù đây là một hình thức đối thoại tốt nhưng điều cần thiết hơn trong bối cảnh hiện nay, điều được mong đợi hơn chính là sự đối thoại win – win nhằm mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như của sản phẩm.

“Cách đối thoại này là cách mà các chuyên gia nước ngoài khuyến cáo chúng ta cần phát huy. Trong đối thoại này, có rất nhiều khuyến cáo về chính sách cho các tổ chức chứ không chỉ kêu riêng cho một cá nhân nào”.

Nhìn từ thực tế, hiện nay, DNTN hay bất cứ loại hình DN nào đều đòi hỏi nhiều chính sách hỗ trợ ở Chính phủ, ngược lại Chính phủ cũng đòi hỏi DN phải vươn lên. Do đó DN phải tự mình đi lên, thay đổi mình theo cơ chế thị trường, làm mới mình bằng những cách thức quản trị mới, phương thức sản xuất mới, tạo nên sự mới lạ để nổi bật giữa chính cộng đồng DNTN của Việt Nam và cả thế giới.

Quỳnh Liên/Congluan.vn