Doanh nghiệp phải chi thêm 37 triệu USD/năm nếu bỏ giấy hỗn hợp khỏi danh mục nhập khẩu

00:00 12/10/2020

Thông tin được ông Phạm Đình Thưởng, chuyên gia phân tích chính sách đưa trong khuôn khổ Hội thảo Ngành sản xuất giấy Việt Nam: Giải pháp chính sách hướng tới phát triển bền vững ngày 16/10 vừa qua. Xoay quanh việc cơ quan chức năng đề xuất loại bỏ giấy phế liệu hỗn hợp ra khỏi danh mục được phép nhập khẩu, các chuyên gia cũng phân tích và đề xuất hướng xử lý phù hợp với tình hình thực tế sản xuất giấy tại Việt Nam.

Giấy phế liệu hỗn hợp là nguyên liệu chủ lực sản xuất giấy bao bì

Ông Thưởng cho biết, hiện nay, Việt Nam có hơn 300 doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy. Trong đó có khoảng 47 doanh nghiệp trực tiếp nhập giấy phế liệu, trên 53 doanh nghiệp nhập khẩu uỷ thác và có khoảng 23 doanh nghiệp đang nhập giấy phế liệu hỗn hợp – còn gọi là giấy mix.

Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2018 thì số lượng giấy mix chiếm 37% trong tổng số lượng giấy phế liệu nhập khẩu. Về giá thành, giấy hỗn hợp có giá khoảng 90-100 USD/tấn, trong khi giấy OCC – tức phế liệu đã phân loại lên đến 150 USD/tấn. Do đó, nhập giấy phế liệu hỗn hợp làm nguyên liệu sản xuất giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu vào khá lớn. Nếu không được phép nhập phế liệu giấy hỗn hợp theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong dự thảo sửa đổi quyết định 73/2014/QĐ-TTg thì các doanh nghiệp giấy buộc phải chuyển sang sử dụng các nguyên liệu khác với chi phí cao hơn.

“Năm 2018 dự kiến các doanh nghiệp nhập khoảng 2 triệu tấn giấy phế liệu. Nếu không được phép nhập khẩu giấy hỗn hợp thì doanh nghiệp phải chi thêm khoảng 37 triệu đô/năm”, ông Thưởng tính toán.

Theo thống kê, 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu

Hiện nay, giấy phế liệu hỗn hợp là nguyên liệu chính để sản xuất các loại giấy bao bì. Trong khi đó, nhu cầu giấy bao bì tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có mức tăng trưởng rất lớn, khoảng 15%/năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình của toàn ngành. Do đó, nếu đầu vào cho sản xuất giấy bao bì tăng cao sẽ đẩy giá thành phẩm lên cao, có thể ảnh hưởng dây chuyền đến những ngành khác. “Điều này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành công nghiệp giấy nói riêng và nhiều ngành sản xuất, dịch vụ có liên quan nói chung”, ông Phan Chí Dũng Nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường có thể xảy ra nếu không kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu là hoàn toàn chính đáng, nhất là thời gian qua, có một số doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở trong quản lý để nhập “rác” về Việt Nam, gây tác hại không nhỏ cho môi trường. Tuy nhiên, cũng cần xem xét một cách thận trọng, nhằm tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của những doanh nghiệp có nhu cầu trong việc sử dụng phế liệu phục vụ cho sản xuất của mình.

“Có thể nói, bất cứ doanh nghiệp giấy nào khi sử dụng phế liệu hay bất cứ nguồn nguyên liệu nào khác để sản xuất đều có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nếu không có biện pháp quản lý tốt. Nếu nhập khẩu phế liệu không phục vụ cho bất cứ hoạt động sản xuất nào thì rất đáng lo ngại việc biến Việt Nam thành bãi rác. Nhưng khi phế liệu nhập khẩu là nguyên liệu sản xuất quan trọng, lại là mặt hàng được giao dịch toàn cầu thì tính chất đã khác", ông Phan Chí Dũng phân tích.

Giấy phế liệu hỗn hợp là nguyên liệu quan trọng trong ngành công nghiệp tái chế giấy, đồng thời giúp tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thực trạng thu gom trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu. Theo thống kê từ Hội thảo, 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu. Trong đó, chỉ có dưới 40% được thu gom trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Riêng giấy phế liệu hỗn hợp là nguyên liệu chủ yếu để các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì sử dụng trong sản xuất.C

Siết giấy phế liệu cần lộ trình phù hợp

Theo số liệu ước tính tại Hội thảo, đến năm 2025, tỷ lệ thu gom giấy tái chế trong nước mới đạt khoảng 45% nhu cầu và phải sau năm 2025 thì chúng ta mới có thể gia tăng tỉ lệ thu gom này. Do đó, nếu muốn các doanh nghiệp không nhập khẩu giấy hỗn hợp thì cần phải có thời gian cũng như tạo điều kiện để ngành công nghiệp tái chế giấy trong nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng ủng hộ đề xuất cơ quan chức năng quản lý số lượng phế liệu nhập khẩu theo năng lực sản xuất của doanh nghiệp, tức phải đảm bảo các doanh nghiệp nhập giấy về để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại quy định về tỷ lệ tạp chất theo kinh nghiệm các nước, vì quy định hiện tại của Việt Nam xem ra khó đảm bảo tính khả thi. Theo đó, quy định về tỷ lệ tạp chất của Việt Nam ở mức 0% với chất cấm, 2% các loại tạp chất khác được xem là khá chặt, trong khi Mỹ là 2% chất cấm và 3% tạp chất khác.

Các doanh nghiệp giấy tham gia hội thảo cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ chính sách siết chặt quản lý giấy phế liệu của nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường cần được nhìn rộng ở nhiều khía cạnh. Các doanh nghiệp khẳng định, tác hại môi trường phát sinh cần xem xét ở yếu tố các nhà máy không tuân thủ cũng như không đủ trình độ công nghệ xử lý thải. Do đó, gốc rễ vấn đề cần quan tâm, theo các doanh nghiệp là mức độ đầu tư công nghệ cũng như xử lý thải của các nhà máy.

Tại phiên thảo luận, các doanh nghiệp cũng thể hiện tinh thần cam kết, luôn ủng hộ và thực hiện chủ trương phát triển bền vững, gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại lộ trình triển khai quyết định về siết chặt quản lý giấy phế liệu nhập khẩu để doanh nghiệp có thời gian thực thi hiệu quả.

Phương Như