Doanh nghiệp phá sản và những câu chuyện buồn

00:00 12/10/2020

Muốn hội nhập tốt, doanh nghiệp Việt - trước hết phải được trưởng thành từ môi trường minh bạch, chuyên nghiệp.

Kết thúc năm 2018, bên cạnh những kỷ lục về kinh tế, 91 ngàn doanh nghiệp phá sản là một góc khuất ít được nhắc đến.

Doanh nghiệp khai sinh và phá sản một cách bình thường là phù hợp quy luật “cạnh tranh”, “cung cầu” trong kinh tế thị trường. Nhưng, đáng nói ở chỗ, có quá nhiều cái “chết”… bất thường, không liên quan gì đến sự vận động tất yếu.

Sau 10 năm ròng rã lên tỉnh xuống huyện đi tìm công lý, ông Dương Văn Hòa, chủ một doanh nghiệp cung cấp giống nông nghiệp (Gio Linh - Quảng Trị) nhận được một câu trả lời lạnh lùng “không cấu thành tội phạm”.

Mười hai năm trước (2007) ông Hòa bị kết án 18 tháng tù về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật”. Từ một tấm gương sáng nơi vùng quê sỏi đá, trở thành tội đồ của ngành nông nghiệp địa phương.

Chừng ấy thời gian loay hoay chống đỡ với quyết định ngang trái “nặng tựa ngàn cân” của tòa, doanh nghiệp này điêu đứng, những gì ông Hòa muốn đòi lại là 18 tỷ đồng thiệt hại về vật chất, tinh thần.

Khi lật lại hồ sơ, điều tra bổ sung, tòa bắt đầu thấy… sai và yêu cầu Viện kiểm sát bồi thường cho ông Hòa tổng cộng 264 triệu đồng!?

Doanh nghiệp "chết" vì thiếu minh bạch

Thử hỏi, doanh nghiệp nào đủ sức tồn tại qua chừng ấy thời gian bị trói buộc trong vòng lao lý? Đối tác nào dám đặt niềm tin vào một doanh nhân bị gắn mác tội phạm?

Ông Hòa chỉ là một trong hàng chục ngàn trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn - một kỷ lục rất buồn, còn bao nhiêu “cái chết” uổng oan bởi sự tắc trách của những người thi hành luật pháp?

Vipico là cái tên rất “hot” ở Đà Nẵng, hẳn không phải trình bày nhiều, không phạm phải tội gì quá hệ trọng, có chăng chỉ là trúng thầu khu đất “vàng” ở vị trí đắc địa. Và rồi chính quyền quay ngoắt 180 độ hủy kết quả trúng thầu.

Những nạn nhân bất đắc dĩ như Vipico nên được xếp vào vị trí nào trong hàng chục ngàn doanh nghiệp “chết lâm sàng”? Là lỗi tại doanh nghiệp hay bởi thái độ thiếu bao dung từ chính quyền?

Vipico chưa phá sản trong năm 2018, nhưng không ai chắc nó sẽ tồn tại khi sức lực bị bào mòn khủng khiếp bởi mệnh lệnh hành chính. Vì đây là những “cú đấm” chí mạng vào doanh nghiệp.

Mới đây, phát biểu tại một Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lo lắng “các đồng chí thử tính một container thông quan nếu cần “bôi trơn” 1 triệu đồng thì một năm mất hàng chục ngàn tỉ đồng. Chính những chi phí không chính thức này sẽ “giết chết” doanh nghiệp”.

Giám đốc một doanh nghiệp ở Hải Phòng từng gửi tâm thư lên đến lãnh đạo cao nhất Đảng để giải bày những mắc mớ mà ông gặp phải khi đối diện với thủ tục hành chính…

Có hẳn một cuộc đối thoại “tay đôi” giữa doanh nhân này và Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tầm cỡ những con người xung quanh câu chuyện này cho thấy rằng, thủ tục hành chính được giải quyết bởi những công chức bàn giấy, nhưng sao - họ tạo ra một vật cản lớn như vậy?

Vậy là, còn một mối nguy rất lớn nhằm vào sức sống của doanh nghiệp - cũng là vấn nạn không mới: Vòi vĩnh, bắt chẹt để doanh nghiệp thò ra “chi phí không chính thức”.

Những loại chi phí này tuy không mang đến cái chết đột ngột như ông Hòa hay Vipico nhưng nó khiến những người làm kinh doanh ném vào cơ quan chức năng cái nhìn khinh khi. Luật sẽ nhờn một khi lệ được mở ra.

Dần dà, lệ sẽ trở thành một thứ luật bất thành văn, buộc doanh nghiệp phải nương náu để tồn tại.

Tình trạng “đưa - nhận” tại Hải quan Hải Phòng được báo chí mô tả là “nườm nượp…” qua những “công đoạn” để “toại lòng nhau”.

Vụ việc tại Hải Phòng là một ví dụ

“Tôi chấp nhận “chi phí” để khỏi bị làm khó” - là đánh đổi cái minh bạch để lấy cái lợi ích; nó là ung nhọt từ sâu xa trong môi trường kinh doanh, 1 triệu rồi sẽ có 10 triệu và 100 triệu thậm chí nhiều hơn!

Nguy hại hơn, nếu không có một ai lên tiếng về thực trạng nhức nhối này, sự “chấp nhận” sẽ thành một thứ “kinh nghiệm sống còn” khi đối mặt với thủ tục hành chính.

Sự “bôi trơn” không những hư cán bộ mà còn hỏng doanh nghiệp, họ bị tước đi cơ hội để đào luyện trong môi trường kinh doanh minh bạch. Đây là trở ngại khi bước ra sân chơi lớn - yêu cầu thượng tôn luật pháp quốc tế.

Doanh nghiệp làm hỏng cán bộ hay chính cán bộ phá hỏng doanh nghiệp? Đã đến lúc phải rành mạch. Đơn giản thôi, không ai muốn trích những đồng tiền xương máu cho vào phông bì trắng trẻo để đút vào túi kẻ khác mà cụm từ “chi phí không chính thức” đã cho thấy là ai đúng, ai sai!

Muốn hội nhập tốt, doanh nghiệp Việt - trước hết phải được trưởng thành từ môi trường minh bạch, chuyên nghiệp.