Doanh nghiệp oằn mình vì quản lý phân bón

00:00 12/10/2020

Bản dự thảo nghị định mới về quản lý phân bón đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ giới doanh nghiệp khi thủ tục vẫn còn rườm rà so với quy định hiện hành.

Ông Trần Quốc Huy, Giám đốc CTCP công nghệ sinh học Việt Nam – Israel (Khu nông nghiệp công nghệ cao Tp.HCM) – doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất chế phẩm sinh học (như phân hữu cơ) từ những phế phẩm trong nông nghiệp, than phiền rằng các thủ tục pháp lý hiện nay còn phức tạp và khó khăn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón, đặc biệt là vấn đề đăng ký, thời gian khảo nghiệm quá lâu.

Mất nhiều thời gian

Những DN mới bước chân vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón sẽ không thể nào có đủ điều kiện để khảo nghiệm lâu như quy định hiện nay, trong vòng hai năm mới có được giấy tờ. "Rồi chưa kể điều kiện khảo nghiệm và chi phí phải chịu cho việc khảo nghiệm là rất lớn", ông Huy nói.

Vị giám đốc này đề xuất đối với những loại phân bón mà xuất phát từ hữu cơ và được chứng minh là hữu cơ 100% thì cơ quan quản lý không cần phải khảo nghiệm, vì không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái cũng như đến con người và vật nuôi.

Đồng thời, trong quản lý sản xuất kinh doanh phân bón, cơ quan chức năng nên giảm những thủ tục không cần thiết, chẳng hạn vấn đề khảo nghiệm trên dòng phân bón hữu cơ.

Vấn đề thủ tục rườm rà, bất cập trong quản lý kinh doanh phân bón mới đây cũng đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý trong văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN & PTNT) góp ý Dự thảo Nghị định quy định về quản lý phân bón.

VCCI cho rằng Dự thảo quy định rất nhiều thủ tục hành chính (TTHC) nhưng lại chưa đáp ứng được các yêu cầu của Chính phủ về kiểm soát TTHC tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP.

Đơn cử như một số TTHC của Dự thảo yêu cầu DN phải nộp tài liệu bản dịch ra tiếng Việt "có xác nhận của cơ quan dịch thuật".

"Theo phản ánh của nhiều DN, hiện có tình trạng một số cơ quan nhà nước khi yêu cầu DN nộp bản dịch hồ sơ sau đó từ chối hoặc chậm làm thủ tục bởi lý do bản dịch chưa chuẩn. Điều này khiến các DN phải đi lại nhiều lần, mất thời gian, thậm chí còn là cơ hội cho tham nhũng tiêu cực", VCCI nhấn mạnh.

Mặt khác, Dự thảo quy định rất nhiều thời hạn làm TTHC nhưng lại không đầy đủ.

Ví dụ, Điều 4.3 của Dự thảo chỉ quy định thời hạn từ khi "nhận đủ hồ sơ hợp lệ" đến khi "tổ chức thẩm định để đánh giá hồ sơ", nhưng lại chưa quy định thời gian thẩm định đánh giá hồ sơ mất bao lâu, cũng chưa có quy định từ khi thẩm định đánh giá hồ sơ cho đến khi ban hành quyết định công nhận phân bón lưu hành là bao lâu.

doanh-nghiep-oan-minh-vi-quan-7662-7587-

Khâu thủ tục như "gánh nặng" với DN phân bón

Đừng để "hành là chính"

"Đây là một lỗ hổng pháp lý có thể khiến cơ quan thực hiện TTHC kéo dài thời gian mãi mãi", phía VCCI nhấn mạnh.

Theo phản ánh của các DN, nhiều TTHC khác trong bản dự thảo nghị định mới về quản lý phân bón cũng đang có vấn đề tương tự: chỉ quy định thời hạn từ khi nhận hồ sơ hợp lệ đến khi tổ chức đánh giá, thẩm định, kiểm tra, nhưng lại không có quy định thời hạn từ khi tổ chức đánh giá, thẩm định, kiểm tra đến khi trả lời TTHC.

Chẳng hạn như các thủ tục cấp lại quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Điều 5.3.a, thủ tục gia hạn quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Điều 6.3, thủ tục công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón tại Điều 9.3 và nhiều thủ tục khác.

Điều 4.3 của Dự thảo quy định thời hạn thẩm định đánh giá hồ sơ đăng ký lưu hành là 6 tháng kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Theo các quy định tại Dự thảo, việc đánh giá này chỉ được thực hiện trên hồ sơ do DN nộp, không có hoạt động kiểm tra thực tế hay thử nghiệm, thí nghiệm khác.

Toàn bộ hoạt động khảo nghiệm và thử nghiệm (các công đoạn mất nhiều thời gian nhất) đã được thực hiện tại đơn vị có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ khảo nghiệm và chứng nhận sự phù hợp được cơ quan nhà nước cấp phép.

Đại diện VCCI cho rằng việc kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ lên đến 6 tháng là không hợp lý. Đó là chưa kể trường hợp một số loại phân bón được miễn khảo nghiệm khi đăng ký lưu hành thì việc xem xét hồ sơ có thể diễn ra rất nhanh chóng.

Cần nhắc lại, trong tờ trình cách đây hơn 3 tháng, Bộ NN&PTNT cho rằng Dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục của 10 TTHC về quản lý phân bón quy định trong Luật Trồng trọt, các TTHC này đều đã được đơn giản hóa, rút gọn hồ sơ, thời gian thực hiện so với quy định trước đây trong Nghị định số 108/2017/NĐ-CP.

Đồng thời, so với quy định về quản lý phân bón hiện hành quy định trong Nghị định số 108/2017/ NĐ-CP thì đã bãi bỏ được 2 TTHC (quyết định cho phép khảo nghiệm phân bón, xác nhận nội dung quảng cáo phân bón); bỏ bớt một số giấy tờ phải nộp cũng như các mẫu đơn, tờ khai được chi tiết và đơn giản hơn để người dân và DN dễ khai dễ thực hiện.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào phản ánh của VCCI dựa trên cơ sở ý kiến của DN có thể thấy còn nhiều việc phải làm để hoàn chỉnh Nghị định mới sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đặc biệt là trong bối cảnh tình trạng phân bón giả, kém chất lượng còn tràn lan trên thị trường, việc quản lý đòi hỏi cần chặt chẽ hơn, hậu kiểm tốt hơn, nghị định mới cũng phải chuẩn mực hơn, nhưng không có nghĩa là phải "siết" bằng khâu thủ tục rườm rà và đừng để DN ví von TTHC vẫn "hành là chính".

Thế Vinh