Doanh nghiệp nữ: Còn nhiều rào cản trên thương trường

00:00 12/10/2020

Phụ nữ điều hành một phần tư số doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) đang hoạt động tại Việt Nam, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thực sự phải đối mặt với những trở ngại đặc biệt trong tiếp cận tài chính, thông tin thị trường, các cơ hội đào tạo nâng cao kiến thức, xúc tiến thương mại, các nguồn lực của Chính phủ, và các mạng lưới. Bên cạnh đó, những nữ doanh nhân tại Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức lớn trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc. Doanh nghiệp nữ: Còn nhiều rào cản trên thương trường - Ảnh 1   Đây là kết quả báo cáo nghiên cứu “DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách” được đưa ra tại Hội thảo “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và kiến nghị xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ” diễn ra ngày 18/10. Cân bằng giữa việc nhà, việc kinh doanh Với mong muốn lồng ghép bình đẳng giới vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của phụ nữ cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ được trình lên Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 này. Theo báo cáo nghiên cứu “DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách” do Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HAWASME)  thực hiện cho thấy: Hiện nay có khoảng 24,8% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý (riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có 25% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý). Các doanh nghiệp do nữ quản lý tạo việc làm cho khoảng 1,63 triệu lao động, trong đó có 0,75 triệu lao động nữ; nộp ngân sách 61,8 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản 3.858 nghìn tỷ đồng. Nghiên cứu cũng cho thấy, các doanh nghiệp do nữ quản lý ở Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, có thiên hướng sử dụng nhiều lao động nữ hơn và tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng nhanh hơn so với nam giới. Tuy nhiên, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do nữ quản lý lại thấp hơn nam giới và tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ có xu hướng giảm gần theo quy mô tăng lên, tức là quy mô càng lớn, thì tỷ lệ nữ làm chủ càng giảm. Cụ thể: siêu nhỏ là 26,8%, nhỏ là 21,4%, vừa 19,8%, lớn là 13,6%. Nguyên nhân dẫn đến kết quả này do phụ nữ gặp nhiều khó khăn về khả năng giao tiếp, trình độ, tiếp cận nguồn lực, thị trường… hơn so với nam giới. Ngoài ra, nữ doanh nhân còn phải cân bằng công việc quản lý doanh nghiệp với gia đình và phải vượt qua những trở ngại văn hóa. Dù đã được cải thiện vẫn còn tồn tại tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” ở Việt Nam, coi việc kinh doanh không phải là việc của phụ nữ. Hơn nữa vai trò và trách nhiệm của phụ nữ bị gắn nhiều hơn với thiên hướng gia đình, với thiên chức sinh đẻ với chăm sóc con cái, vun vén hạnh phúc gia đình. Điều này khiến nữ doanh nhân có ít thời gian hơn nam doanh nhân trong việc kinh doanh và điều này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Chia sẻ khó khăn của chính bản thân mình, một doanh nhân nữ cho biết: “Chúng tôi phải lo từ củ hành, bát nước mắm, …tới hội nhập quốc tế. Gia đình không hòa thuận, con cái hư hỏng thì thành công chẳng ý nghĩa gì. Quản lý cả trăm công nhân nhưng về nhà vẫn phải chiều chồng chăm con. Đó là chuẩn mực văn hóa rồi. Chồng không ủng hộ là chết luôn!” Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia tư vấn luật của Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI), bà Marika Vilisaar cũng đưa ra một số khó khăn cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do nữ làm chủ, như: Thiếu mạng lưới liên kết (vì các kết nối này thường sau giờ làm việc và tốn kém thời gian, trong khi nữ doanh nhân phải dành thời gian chăm sóc gia đình), Thiếu tài sản thế chấp (đây là thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp do nữ làm chủ, bởi tài sản là bất động sản thường đứng tên của người chồng hoặc khó có thể tự mình quyết định về việc thế chấp tài sản)… Ngoài ra, còn có các trở ngại về môi trường pháp lý, văn hóa, tiếp cận quỹ đất, nguồn nhân lực, chính thức hóa và gánh nặng hành chính, tham nhũng và kết cấu hạ tầng… Doanh nghiệp nữ: Còn nhiều rào cản trên thương trường - Ảnh 2   Cần những chính sách thiết thực, hỗ trợ cụ thể Cũng kết quả nghiên cứu này cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp được hỏi không biết có qui định về hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc có biết nhưng không biết được hỗ trợ như thế nào và làm thế nào để được hỗ trợ. Một doanh nghiệp nữ tham gia trả lời phỏng vấn của nghiên cứu nói: “Tôi có đọc NĐ 56/2009 và chỉ thấy một câu về doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Tôi cảm giác cơ quan ban hành chính sách hướng tới doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn là doanh nghiệp do nữ làm chủ. Nói như trong nghị định thì đề cập cũng như không. Bản thân cơ quan quản lý trực tiếp và doanh nghiệp cũng chẳng biết đường nào mà thực hiện”. Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, doanh nghiệp do nữ lãnh đạo đã có những đóng góp quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ, lao động khuyết tật, thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên lâu nay, khu vực DNNVV, đặc biệt là DNNVV do phụ nữ làm chủ còn chưa có được sự hỗ trợ cần thiết, hiệu quả để vượt qua các rào cản do qui mô cũng như đặc thù giới tính. Việc đưa các nội dung về DNNVV do phụ nữ làm chủ cũng như cần có chương trình đặc thù dành cho khu vực kinh tế này là cần thiết, để huy động sự tham gia và đóng góp tích cực của các doanh nhân nữ Việt Nam cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”. Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch VWEC khẳng định, hơn lúc nào hết, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng được cả hệ thống chính trị quan tâm. Việc đưa các nội dung hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ vào Luật Hỗ trợ DNNVV là cần thiết. Thứ nhất là vì những đóng góp thực tế và tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế này – Khu vực kinh tế mới nổi; thứ hai là các rào cản do đặc thù giới tính trên thực tế vẫn còn tồn tại.”Đầu tư cho phụ nữ, tháo gỡ các rào cản là chìa khóa cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia” – bà Minh nhấn mạnh. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, DNNVV trong đó doanh nghiệp do nữ làm chủ đóng góp công sức rất lớn cho sự phát triển kinh tế đất nước. Thành công của VCCI là đã giúp cho phụ nữ, lồng ghép được bình đẳng giới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên doanh nghiệp do nữ làm chủ có nhiều bất lợi hơn so với nam giới. Bài toán đặt ra là làm sao để thúc đẩy được doanh nghiệp do nữ làm chủ phát triển trong thời gian tới. “Hy vọng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đi đúng hướng để hỗ trợ DNVNN, hỗ trợ các doanh nghiệp do nữ làm chủ”. Còn theo bà Mai Thị Thùy – Chủ tịch HAWASME: “Muốn nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội thì cần phải nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong kinh doanh. Đây là hai phạm trù không thể tách rời nhau. Nhiều quốc gia có luật pháp, quy định và những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, như Luật Hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Hàn Quốc. Chúng tôi tin rằng những nỗ lực của Việt Nam trong việc hỗ trợ nữ chủ doanh nghiệp sẽ đạt được hiệu quả cao nhất nếu Luật hỗ trợ DNNVV đưa ra một khái niệm rõ ràng về doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và có những điều luật cụ thể đề cập đến nhu cầu đặc biệt của họ”         (theo baodansinh.vn)