Doanh nghiệp nhỏ và vừa sắp có riêng một nghị định về hỗ trợ pháp lý

00:00 12/10/2020

Việc xây dựng, ban hành Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP là hết sức cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa hoạt động hỗ trợ pháp lý này đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 12/6/2017 giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 14. Cụ thể như sau: “Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động sau đây để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:

a) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vưa; b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật”.

Cùng với đó, ngày 01/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ giải phápchủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách năm 2018, trong đó có giao Bộ Tư Pháp chủ trì xây dựng “Nghị quyết về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 25/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” trình Chính Phủ ban hành năm 2018 (tháng 12).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai Luật ở các địa phương còn chậm, nhiều chính sách hỗ trợ của Luật chưa hoặc chậm được cụ thể hóa, nhất là những điều khoản quy định về xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Nghị định hỗ trợ pháp lý cho DNNVV thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP là hết sức cần thiết. Nghị định này quy địnhchi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV và việc tổ chức thực hiện ở các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có liên quan trong phạm vi, quyền hạn của mình.

Đến nay, Ban soạn thảo và Tổ Biên tập Nghị định hỗ trợ pháp lý đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo và các hoạt động lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định. Hội nghị đối thoại lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Dự thảo Nghị định ngày 26/9/2018-Sau thẩm định)”, diễn ra sáng 27/9/2018, tại Hà Nội, là hoạt động gần nhất.

Qua các cuộc đối thoại hết sức thẳng thắn, sôi nổi, những ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định đều nhất trí cho rằng: Nghị định phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật; phù hợp với chính sách được quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tuân thủ các thủ tục hành chính, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; các quy định phải đảm bảo tính khả thi; nộidung hỗ trợ phải có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo hiệu quả và thiết thực cho DNNVV.

Những nội dung khác như: nguyên tắc thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về pháp luật; công khai các bản án, quyết định, phán quyết của trọng tài thương mại, văn bản trả lời của các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp nhỏ và vừa, triển khai mạng lưới tư vấn viên tư vấn pháp luật; cơ chế đảm bảo nguồn lực và kinh phí cho hoạt động Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo các nội dung của Nghị định mới này... Bên cạnh đó, Dự thảo còn nhiều điểm chưa rõ ràng, chồng lấn, thuật ngữ, kỹ thuật văn bản chưa  chuẩn xác… Cần làm rõ, bổ sung, cân nhắc, chỉnh lý cho phù hợp.

Bên cạnh những ý kiến trùng nhất, ở mỗi góc độ chuyên môn, các chuyên gia cũng đưa ra những phát hiện và thể hiện quan điểm riêng, góp ý, đề xuất với Ban soạn thảo để Nghị định mới nhanh chóng được hoàn thiện.

Ông Lê Văn Khương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV phía Bắc, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư:

Về nội dung mạng lưới tư vấn viên, cần quy định rõ hỗ trợ cho DNNVV là những nội dung nào ? Các mức hỗ trợ tương ứng; Các hình thức triển khai hỗ trợ ? Cần làm rõ định nghĩa “mạng lưới tư vấn” (đã quy định tại khoản 3 Điều 3 dự thảo); Xây dựng mạng lưới tư vấn viên về pháp luật, đặc biệt là ở các địa phương; Tiêu chí tổ chức, cá nhân (cụ thể trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý) tham gia mạng lưới (chứng chỉ, trình độ, kinh nghiệm…), việc chuẩn hóa đội ngũ tư vấn viên (đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức…); Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký tham gia mạng lưới; Cơ chế công nhận (thời hạn công bố trên website…); Cơ chế sử dụng cá nhân, tổ chức thuộc mạng lưới để tư vấn cho DNNVV (tiếp cận mạng lưới, lựa chọn tư vấn, phương thức thỏa thuận, thống nhất hợp đồng tư vấn giữa 3 bên (DNNVV, cơ quan hỗ trợ, tư vấn viên); thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán kinh phí, kết quả tư vấn…).

Ngoài ra, còn một số góp ý cụ thể khác, ví dụ: nên rà soát toàn bộ từ ngữ, câu chữ trong toàn bộ Dự thảo Nghị định, cân nhắc và sử dụng chính xác; các điều, khoản hoặc nội dung cần đưa vào đúng mục… tránh vi phạm nguyên tắc do chính mình đặt ra.

Luật sư Nguyễn Duy Lãm  - Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp:

Một số điểm cần được làm rõ, bổ sung cho hợp lý về một số thuật ngữ, cụm từ và giải thích từ ngữ để đảm bảo quy định được phù hợp, dễ hiểu, dễ thống nhất. Ví dụ: Bổ sung cụm từ “Theo quy định tại khoản 3 điều 14 luật hỗ trợ DNNVV” vào cuối Điều 1; bổ sung và giải thích từ ngữ “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” (Điều 3) để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu đúng và thống nhất; bổ sung cụm từ “bảo vệ thông tin bí mật kinh doanh của doanh nghiệp” vào khoản 1 Điều 4,… Tên chương III nên sửa thành “TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DNVVN”. Quy định như vậy để thấy rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; phù hợp với quy định của Luật hỗ trợ DNNVV.

Nên bỏ cụm từ “nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước” và quy định “bảo đảm nguồn lực để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNVVN” tại Điểm a, Khoản 3 Điều 14. Vì nguồn lực sẽ bao gồm cả nguồn nhân lực và kinh phí, như vậy quy định sẽ rộng hơn, toàn diện hơn. Cụm từ thay thế sẽ là: 3. Chính quyền địa phương cấp tỉnh:

Ở Khoản 1 điều 15, nên thay thế cụm từ “được đảm bảo biên chế” bằng “bố trí cán bộ”. Tên Điều cũng nên sửa lại thành “Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, sở, ban thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí cán bộ để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV theo quy định của Nghị định này”. Vì việc bố trí cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Đức - Chuyên viên Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp:

Về đối tượng áp dụng, đối chiếu với Luật Hỗ trợ DNNVV thì không nên quy định đích danh một tổ chức nào, vì các tổ chức đại diện này đều có trách nhiệm như nhau trong hỗ trợ DNNVV. Cách quy định như Dự thảo Nghị định sẽ dẫn đến cách hiểu về thứ tự ưu tiên đối tượng áp dụng;

Về tiêu chí lựa chọn tư vấn viên, cần nghiên cứu và bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí đối với tư vấn viên pháp luật. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm công khai các tiêu chí này cũng như quy định về trình tự, thủ tục để đăng ký tham gia mạng lưới tư vấn viên pháp luật. Ngoài ra, cũng cần làm rõ mạng lưới tư vấn viên pháp luật quy định tại Dự thảo Nghị định so với quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiế một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV;

Về trách nhiệm xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật dữ liệu về bản án, quyết định của tòa án; phán quyết của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vi phạm hành chính… đều đã được quy định cụ thể ở các Bộ luật khác, vì vậy việc quy định trách nhiệm đăng tải, công khai, hoặc không được phép công khai tại Khoản 5 Điều 7 là không cần thiết.

Ông Lữ Mai Thanh Tùng - Trưởng phòng phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Hà Nam:

Khái niệm về cơ sở dữ liệu pháp luật bao gồm cả cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý (Khoản 4 Điều 3) là chưa phù hợp, vì không thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định của Nghị định  2/2015/NĐ-CP;

Đề nghị nghiên cứu, xem xét việc bổ sung đối tượng là “DNNVV chủ sử dụng lao động là người khuyết tật” là một tiêu chí xét để ưu tiên (Khoản 4 Điều 4);

Nên quy định cụ thể, hoặc giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn việc bố trí nguồn lực tại Sở Tư pháp và các sở, ban thuộc tỉnh làm nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ( Điều 15), để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV;

Đối với DNNVV ở các địa phương, thực tế việc hỗ trợ chủ yếu liên quan đến Sở Kế hoạch Đầu tư và một số sở, ban, ngành khác liên quan đến quá trình đầu tư của DN. Vì vậy, Ban soạn thảo cũng cần làm nổi bật vai trò của các cơ quan này;

Trong Dự thảo Nghị định sử dụng rất nhiều cụm từ “hoặc văn bản thay thế…” quy định như vậy cũng chưa đầy đủ, vì có thể ngoài thay thế còn sửa đổi, bổ sung, hoặc bãi bỏ. Đề nghị nên bỏ các cụm từ này hoặc các cụm từ có ý nghĩa tương tự.

Luật sư Lê Văn - Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội DNNVV Việt Nam:

Về hệ thống tư vấn viên, mối quan hệ giữa tư vấn viên thuộc các bộ, ngành và tư vấn viên thuộc Bộ Tư pháp sẽ thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV như thế nào? Trong Dự thảo Nghị định chưa được rõ ràng, chưa có tính kết nối;

Điều 14 cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức, bồi dưỡng, tập huấn cho các cán bộ thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam có trách nhiệm khuyến khích các luật sư thành viên tham gia vào công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Thảo - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Liên minh HTX Việt Nam:

Trong Dự thảo Nghị định có rất nhiều từ “có thể”, ví dụ: “Căn cứ vào nội dung và nguồn lực chương trình hỗ trợ  pháp lý cho DNVVN theo quy định tại khoản 1 Điều này, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh có thể hỗ trợ kinh phí nhưng không quá 50 %” (Điểm a Khoản 3 Điều 13). Đề nghị văn bản quy phạm pháp luật không dùng từ không xác định như vậy;

Về trách nhiệm tổ chức đại diện thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp trong hỗ trợ pháp lý nhiều chỗ còn lẫn lộn (khoản 4, Điều 14) hoặc bó hẹp (Điểm c, Khoản 5, Điều 14),cần cụ thể và rõ ràng;

Về điều khoản thi hành: ở Phương án 1, tùy thuộc vào nguồn lực hỗ trợ pháp lý của các bộ, cơ quan ngang bộ,  chính quyền địa phương cấp tỉnh, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có thể quyết định áp dụng tương tự các nội dung, hình thức về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.

Đỗ Thảo - Thu Giang