Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Chủ động trên “chuyến tàu 4.0”

00:00 12/10/2020

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra sâu rộng và có những tác động tích cực đến nền kinh tế, cộng đồng DNNVV phải chủ động thích nghi, ứng dụng cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

CMCN 4.0 tác động rất lớn trên mọi lĩnh vực, nhất là đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông có thể chỉ ra những thách thức cũng như cơ hội mà CMCN 4.0 mang đến cho DN, nhất là DNNVV?

CMCN 4.0 với sự thay đổi, tích hợp và bao phủ đang tạo áp lực rất lớn cho cộng đồng DN, trong đó có DNNVV. Áp lực đó chính là việc phải gắn mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh với CMCN 4.0 để theo kịp xu thế phát triển, trong khi bản thân DN còn chưa thích ứng. Điều này đòi hỏi DN phải chủ động thay đổi.

Bên cạnh đó, trình độ của DN nói chung và DNNVV Việt Nam nói riêng rất hạn chế, 70% sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, việc tiếp cận công nghệ mới có nhiều thách thức. Các chính sách của nhà nước về hỗ trợ công nghệ còn nhiều khó khăn, thậm chí là rào cản cho sự đổi mới của DN, bởi những quy định rườm rà.

Ở khía cạnh tích cực, CMCN 4.0 được cộng đồng DN mong đợi, đang mở ra nhiều cơ hội để DN vươn xa hơn. Cơ hội đầu tiên là giúp DNNVV có thể cạnh tranh với DN lớn. Đơn cử, với lĩnh vực marketing, DN lớn luôn dễ chiếm lĩnh thị trường bởi có đội ngũ bán hàng quy mô, rộng khắp, trong khi DN nhỏ khó có nền tảng đó. Nhưng nhờ công nghệ của CMCN 4.0, DN nhỏ có thể bán hàng, marketing qua mạng với tốc độ rất nhanh.

Trước những thách thức mà CMCN 4.0 đặt ra, thời gian qua, Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã có chia sẻ gì để DN chủ động tiếp cận và ứng dụng tiến bộ, đổi mới của công nghệ 4.0?

Hiệp hội đang là cầu nối, tuyên truyền để DN hiểu đúng bản chất của CMCN 4.0, đó chính là sự sáng tạo, đổi mới nhờ công nghệ. Mặt khác, hiệp hội chú trọng tuyên tuyền để DN nắm bắt, hình dung được thách thức, cơ hội mà CMCN 4.0 mang tới; qua đó, DN có thể tiếp cận, tăng trưởng.

Ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Bên cạnh đó, Hiệp hội luôn chia sẻ với cộng đồng DN, đưa ra lời khuyên cụ thể, đa chiều. Nếu như trước đây, chúng tôi thường tập trung cung cấp thông tin về vốn, các chính sách thì hiện nay cung cấp thông tin mang tính dự báo nhiều hơn để DN nắm rõ những cơ hội, thách thức về CMCN 4.0 và chuẩn bị hướng đi thích hợp.

Tốc độ ứng dụng công nghệ để bắt kịp làn sóng CMCN 4.0 trong các DN thuộc hiệp hội hiện nay ra sao, thưa ông?

CMCN 4.0 là thời kỳ thuận lợi để người tiêu dùng sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trên nền tảng này, hiệp hội đã có sáng chế về công nghệ truy xuất nguồn gốc có tên gọi “Quy trình xác thực chống hàng giả” do Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và phát triển thuộc Hiệp hội DNNVV thực hiện. Sản phẩm truy xuất này được lãnh đạo TP. Hà Nội đánh giá rất cao, là thành quả của sự khuyến khích sáng tạo, cống hiến từ những kỹ sư trẻ, tài năng, có khát vọng bứt phá.

Hiện, công nghệ này đang được triển khai, sử dụng trong nhiều DN như Công ty CP Khóa Việt Tiệp, giúp DN hạn chế vấn nạn hàng nhái, hàng giả; duy trì hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đến nay, Việt Tiệp vẫn là một trong những DN uy tín trong ngành sản xuất công nghiệp của Hà Nội.

Công nghệ này cũng đã được ứng dụng vào nhiều cơ sở sản xuất nông sản, các hợp tác xã nông nghiệp ở Đông Anh (Hà Nội) nhằm chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ DN hội nhập và bảo vệ người tiêu dùng.

Để DN chủ động tiếp cận và vận hành trong CMCN 4.0, hiệp hội có những đề xuất nào tháo gỡ khó khăn, rào cản hiện tại?

Hiệp hội DNNVV luôn kiên định mong muốn có những hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng DN. Để DN chủ động tiếp cận và vận hành trong CMCN 4.0, nhà nước cần hỗ trợ DN, DNNVV và nhất là DN siêu nhỏ kinh doanh tốt hơn trên mọi mặt; trong đó, cần chuẩn bị đầy đủ, tốt nhất về nguồn lực nhân sự, tài chính...

Trước hết, về nhân lực, cần thay đổi cách thức phục vụ, hỗ trợ DN. Cơ quan quản lý đừng để “chính sách chờ DN”, mà chính cơ quan quản lý phải tìm đến DN, hỏi DN cần gì, khó ở đâu để tháo gỡ, hỗ trợ. Về mặt tài chính, để DN có sự sáng tạo, đổi mới, phải dễ dàng tiếp cận về vốn. Do vậy, theo tôi, phải có nguồn tài chính tương đối tốt, như xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển cho DN. Mặt khác, làm sao để các ngân hàng thương mại tập trung, hỗ trợ vốn cho DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn bằng hình thức tín chấp, không nên chỉ trông chờ hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, bởi như vậy không đủ.

Xin cảm ơn ông!

Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời là động lực tiếp sức để DNNVV thích nghi, phát triển trong cuộc CMCN 4.0 vì được thiết kế theo cách nâng tầm quản trị, giúp DN tiến nhanh, bắt kịp tiến trình hội nhập với quốc tế.

Phương Lan - Hoa Quỳnh