Doanh nghiệp nhà nước và “sân trước, sân sau”

00:00 12/10/2020

DNNN là “con gà đẻ trứng vàng”, hẳn không sai vì kinh doanh trong lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế như năng lượng, viễn thông… Đó có phải nguyên nhân làm chậm quá trình cổ phần hóa DNNN?

Ai cũng biết chuyện doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn thua lỗ, nhưng cho đến tận bây giờ - sau những đại án kinh tế nghiêm trọng câu hỏi vì sao DNNN thua lỗ mới chỉ sáng tỏ một phần.

DNNN được ví như “con cưng”, có đặc quyền, được tạo điều kiện tối ưu để kinh doanh, vì thế những “ông chủ” ở đó không chỉ là doanh nhân bình thường, cũng vì thế nguyên nhân thua lỗ nặng dường như là một nghịch lý khó giải thích!?

“Sân sau” là khái niệm không mới và “sân sau” của DNNN lại càng phổ biến hơn - điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình các DNNN trong một cuộc làm việc mới đây.

“Sân sau” chỉ là cách gọi khác đi của “lợi ích nhóm”, người ta dễ dàng lợi dụng cái uy của DNNN để trục lợi, lập ra các công ty tư nhân ăn bám hoặc “rửa tiền” khi vỡ lở tất cả đổ tại làm ăn thua lỗ.

DNNN phải thay đổi để xử lý khối nợ khổng lồ

Một vụ án kinh tế mới được TAND TPHCM đưa xa xét xử, bộ sậu lãnh đạo Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) lập ra công ty “sân sau” để chuyển ra ngoài hàng ngàn tỷ đồng, đáng nói nhiều lãnh đạo ngân hàng này lấy danh tín người thân để góp vốn vào “sân sau”.

Sự thật là các “sân sau” không có mục đích gì khác ngoài trộm cắp công sản bằng vỏ bọc kinh doanh. MBH không phải là vụ việc duy nhất. Phải chăng DNNN có lỗ hổng nào đó quá lớn để khối tài sản khổng lồ có thể “ra đi” một cách nhẹ nhàng?

“Tôi muốn nói là có ông không chỉ 1 sân sau mà còn 2-3 sân sau, thậm chí là 12-13, 13-14 sân sau. Có ông có đầy đủ bao nhiêu sân sau buôn bán nguyên vật liệu. Tôi khẳng định không phải là Thủ tướng không biết đâu” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

DNNN là “con gà đẻ trứng vàng”, hẳn không sai vì kinh doanh trong lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế như năng lượng, viễn thông…  Đó có phải nguyên nhân làm chậm quá trình Cổ phần hóa DNNN?

Cổ phần hóa cũng có nghĩa rằng không ít người buộc phải rời bỏ quyền lực, bổng lộc, sẽ hết “sân sau sân trước”. Tức là doanh nghiệp cổ phần phải đối mặt trực tiếp với thương trường khi có dòng vốn tư nhân đầu tư vào, đương nhiên năng lực của người điều hành sẽ được kiểm chứng bằng con số lỗ hay lãi.

Đó là thay đổi - có thể khiến những người lãnh đạo trong DNNN e ngại, bởi một nhẽ - xưa nay hễ ăn nên làm ra thì được khen thưởng, lương bổng cao chót vót, nhưng thua lỗ đã có ngân sách gánh chịu, cùng lắm chỉ là “rút kinh nghiệm” và “nghiêm túc kiểm điểm”.

Cổ phần hóa là xu hướng đúng, vì nhà nước không nên ôm đồm quá nhiều thứ. “Chính phủ kiến tạo” là tạo ra môi trường để doanh nghiệp phát triển chứ không phải vừa kinh doanh vừa “kiến tạo”. Rất dễ rơi vào bao cấp - một phương thức quản lý lạc hậu, mất rất nhiều thời gian để nhận ra và buông bỏ.

Nhưng tiến trình cổ phần hóa vẫn không thể tránh được bàn tay của “lợi ích nhóm”, khi nhận thấy DNNN không còn là chỗ “êm ấm” như xưa, chiêu “diễn biến giá cả” bắt đầu được sử dụng.

Vụ bán cảng Quy Nhơn vô lý đến mức người đứng đầu Chính phủ cảm thấy bất bình “cảng Quy Nhơn lớn như vậy, bán một cảng lớn mà như cho không”. Phải chăng một lượng rất lớn giá trị của cảng Quy Nhơn bị tư túi?

Hãng phim truyện Việt Nam tọa lạc trên lô đất “vàng” được định giá 0 đồng, tức là cho không đúng nghĩa. Một doanh nghiệp - đơn vị nghệ thuật có tuổi đời 65 năm, bao nhiêu thế hệ lao động, nghệ sỹ nối tiếp nhau cống hiến và cuối cùng cái tên - thương hiệu VFS không đáng một xu!

Song, ở chiều hướng ngược lại, khi DNNN “mua vào” giá bị thổi lên rất bất thường. Vụ Mobifone mua AVG làm thất thoát không ít tài sản, hậu quả là nhiều “quan lớn” ngã ngựa. Nhân dân - với tư cách là ông chủ sau cùng và lớn nhất trong DNNN cũng là đối tượng sau cùng được biết chuyện. Hóa ra DNNN từ lâu bị chia năm xẻ bảy, khi cổ phần hóa lại dính “chuyến tàu vét cuối cùng”.

Đó là thực tế mà những người có chức trách lương tâm không thể làm ngơ để cổ phần hóa trở thành trận địa “đi ngày đi đêm”. Nguy cơ khi cổ phần hóa xong nhiều DNNN chỉ là cái vỏ rỗng ruột vì bị bòn rút đến kiệt cùng sức lực.

Trương Khắc Trà