Doanh nghiệp Nhà nước - liệu có dẫm lên "vết xe đổ" thời ông Elsin bên Nga?

00:00 12/10/2020

Sau 1954 ở Miền Bắc và 1975 ở Miền Nam các doanh nghiệp tư bản tư nhân chuyển qua " công tư hợp doanh " rồi dần biến thành doanh nghiệp nhà nước. Các công ty này cùng với các công ty, xí nghiệp, nông trường, lâm trường được lập mới tạo thành đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò trụ cột của nền kinh tế trong cả thời bao cấp và cho đến cuối những năm 1990 khi mới bước sang thời kỳ " đổi mới ".

anh-minh-hoa

Từ cuối những năm 1990 bắt đầu thời kỳ " cổ phần hoá " các doanh nghiệp nàh nước, mấy năm gần đây quá trình này được đẩy mạnh liên tục. Sau sự khẳng định kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế tại Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 " cổ phần hoá " đang được hối thúc bằng các chính sách, chỉ thị và cả đe doạ cách chức chủ tịch/ tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, công ty nếu không cổ phần hoá đúng tiến độ. Sổ lượng doanh nghiệp nhà nước hiện còn rất ít nhưng toàn là các doanh nghiệp lớn nắm giữ nhiều vốn và các ngành then chốt của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước đã và đang bị chê là kém hiệu quả, thậm chí không có hiệu quả; nhiều người trong đó có các " chuyên gia kinh tế", " các nhà khoa học" coi doanh nghiệp nhà nước là " tội đồ ", là " con cái ghẻ " làm hỏng nền kinh tế... Các tội vạ trên đều được trút lên đầu cánh lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp nhà nước, rất ít khi thấy người ta nói đến trách nhiệm của những người đẻ ra chúng, đang quản lý chúng với tư cách là " đại diện chủ sở hữu nhà nước". Cái " vòng kim cô" trên cổ các doanh nghiệp nhà nước ngày càng thít chặt: làm gì cũng phải báo cáo, phải xin phép ( phép lớn, phép nhỏ) và chờ đợi bởi nhiều lý do trong đó có việc nhiều công chức thụ lý hồ sơ giải quyết công việc chẳng biết, chẳng nắm được gì cả, phải thưa gửi, giải thích cho họ chán chê mê mỏi họ mới " vỡ lẽ " mà giải quyết cho... Còn nhớ vào đầu năm 1994 thủ tướng Võ Văn Kiệt ban hành 2 quyết định 90 và 91 Ttg, sau đó thành lập các tổng công ty nhà nước và ban hành điều lệ các tổng công ty 91 bằng nghị định của chính phủ tạo cơ chế và môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động với 2 điều cốt tử : nâng cao quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp và thu hẹp sự can thiệp của các bộ chủ quản và các bộ quản lý tổng hợp, nhờ vậy các doanh nghiệp phát triển nhanh, hiệu quả. Mấy năm sau các bộ giành lại quyền và bây giờ thì giành hẳn các quyền cơ bản, thít chặt " vòng kim cô " với thuế, phí ngày càng cao, bắt nộp cả phần lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ,đẩy các doanh nghiệp vào tình thế " bó tay.com" , không muốn làm ( vì không còn động lực ), không dám làm mạnh và cũng chả có vốn đâu mà làm, thu về thế thủ. Cứ tình trạng này chỉ một vài năm nữa sẽ không còn doanh nghiệp nhà nước nào mạnh! Không còn " quả đấm thép " nào cả, kể cả Tập đoàn dầu khí VN. Tôi ủng hộ phát triển mạnh kinh tế tư nhân và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Nhưng ( có 1 từ nhưng ) không ủng hộ cổ phần hoá theo phong trào, làm ào ào cho xong. Làm như thế dễ bán rẻ tài sản nhà nước nhất là ở các công ty đang nắm giữ các mỏ lớn, các ô đất vàng. Ở cuối nhiệm kỳ vừa rồi còn có cả việc Bộ Công Thương và Cấp trên chỉ đạo bán một số tổng công ty nhà nước theo cách bán cả lố và đàm phán trực tiếp với bên đề nghị mua là các công ty tư nhân ( Báo Lao động 28/6/2016) trong đó có Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc đang quản lý 3 mỏ than ( khoảng 2 triệu tấn/ năm) và Tổng công ty điện lực TKV đang sở hữu 7 nhà máy điện với tổng công suất khoảng 2000 MW. Có điều lạ là Hội đồng thành viên TKV- đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại tập đoàn không được thông báo trước khi nhận được văn bản chỉ đạo bán đến 65 % vốn nhà nước tại 2 tổng công ty nói trên. Tại sao người ta lại làm thể? Có gì đó không rõ ràng, minh bạch ở đây ? Có thể thấy rằng các ông chủ lớn, các nhà tài phiệt nội địa đã và đang rình rập thôn tính các doanh nghiệp nhà nước lớn với giá rẻ có thể là " bất ngờ" bằng cơ chế thoả thuận mua cả lố khi bên bán không phải là các doanh nghiệp mà là cơ quan quản lý bề trên. Nói ra điều này tôi không có ý xúc phạm các ông chủ lớn và các nhà tài phiệt trong nước vì đó là quy luật, có cơ hội là họ tranh thủ kiếm lời, ngược lại tôi chê sự yếu kém của quản lý nhà nước. Nước Nga đã có 1 bài học đau đớn thời ông Elsin bán tống, bán tháo, bán rẻ các công ty nhà nước để sau này ông Putin phải mua lại một số công ty lớn mới khôi phục và phát triển được tiềm lực kinh tế quốc gia. Nước ta liệu có dẫm lên vết xe đổ đó ? Thiết nghĩ, nhà nước nên công bố quyết định giữ lại một số tập đoàn, tổng công ty lớn hoạt đông trong các lĩnh vực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh quốc phòng. Giữ lại thì phải đầu tư đủ vốn chủ sở hữu, tạo cơ chế cho doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn; nhà nước kiếm soát chặt chẽ nhưng không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh. Kiếm soát thông qua việc giao các tiêu chí, các chỉ tiêu phát triển; giám sát việc thực hiện chúng thường xuyên, người giám sát phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sai lầm, tránh tình trạng chỉ bắt bẻ, xử lý cán bộ doanh nghiệp còn các nhà quản lý bề trên vô can. Đặc biệt phải chủ đông đào tạo đội ngũ lãnh đạo, quả lý đủ sức đảm đương nhiệm vụ, trung thành. Thiếu cán bộ giỏi và trung thành thì mọi việc đều hỏng. Việt Nam không phải là Hoa Kỳ hay Châu ÂU, Việt Nam vẫn cần một số doanh nghiệp nhà nước mạnh trong giai đoạn phát triển này. Sự yếu kém của doanh nghiệp nhà nước là có thật, nhưng xin đừng phủ nhận sạch trơn. Hãy mổ xẻ cho kỹ các nguyên nhân của sự yếu kém ấy và đưa ra giải pháp thích hợp. Hãy công bố công khai, minh bạch những doanh nghiệp nhà nước nào cần được giữ lại và mức chi phối là bao nhiêu phần trăm ? Song song với việc đó cần củng cố các doanh nghiệp làm cho mạnh lên, chọn thời điểm thích hợp mà bán cổ phần cho được giá, dứt khoát không bán ào ào theo lố theo đề nghị của một nhà đầu tư. Hy vọng sẽ có một số doanh nghiệp nhà nước được ưa chuộng chứ không phải là " tội đồ "!

Đoàn Kiển