Doanh nghiệp ngành điều gặp khó vì thiếu nguyên liệu

00:00 12/10/2020

Sản lượng điều thô trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu của hơn 300 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Việt Nam đang là nước sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu điều lớn nhất thế giới. Theo kế hoạch của Hiệp hội điều Việt Nam, năm nay sản lượng điều xuất khẩu của nước ta sẽ đạt 350.000 tấn với kim ngạch hơn 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, sản lượng điều thô trong nước chỉ đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu của hơn 300 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Thiếu nguyên liệu đang khiến các doanh nghiệp ngành điều gặp nhiều khó khăn.

doanh nghiep nganh dieu gap kho vi thieu nguyen lieu hinh 0
Thiếu nguyên liệu đang khiến các doanh nghiệp ngành điều gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: KT)
Thời điểm này, bà con nông dân ở hai vùng trồng điều lớn nhất cả nước là các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên đã hoàn thành mùa thu hoạch. Vụ điều năm nay, sản lượng điều của nước ta đạt gần 400.000 tấn, giảm khoảng 20% so với vụ điều năm ngoái. Trong khi đó, công suất chế biến của hơn 300 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều trên cả nước lên đến 1,3 triệu tấn. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập khẩu 450.000 tấn hạt điều thô với tổng giá trị hơn 600 triệu USD.

Bà Thái Nhật Hoa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nhật Huy cho biết, doanh nghiệp đã dự tính mua một lượng điều nguyên liệu nhất định để chế biến trong một năm. Tuy nhiên, với tình hình thiếu nguồn cung như hiện nay, nếu khách hàng không giao hàng thì doanh nghiệp sẽ bị vỡ kế hoạch, không có hàng cho công nhân làm. Trong khi đó, với những hợp đồng doanh nghiệp đã kí cung cấp cho khách hàng, thiếu nguyên liệu sẽ dẫn tới không có hàng giao gây cho doanh nghiệp thiệt hại rất lớn.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều đang bị phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước châu Phi và Campuchia. Đây là thị trường chứa nhiều rủi ro, nhất là tình trạng các doanh nghiệp đối tác hủy hợp đồng khi hạt điều thô tăng giá. Việc tranh chấp hợp đồng mua bán giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ngày càng phức tạp.

Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), số vụ tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài tăng lên rõ rệt. Từ năm 2008 đến 2014, cơ quan này đã giải quyết 539 vụ kiện, trong đó đa số là kiện về hợp đồng mua bán. Do không có sự chuẩn bị tốt cho tranh chấp thương mại quốc tế phát sinh và thiếu hiểu biết về pháp luật nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu điều của nước ta không thể khởi kiện và chấp nhận thua thiệt.

 Bên cạnh đó, việc cạnh tranh mua nguyên liệu giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều của Trung Quốc, Ấn Độ và Bờ Biển Ngà ngày càng gay gắt. Riêng Bờ Biển Ngà là nước sản xuất điều thô lớn nhất châu Phi với sản lượng khoảng 725.000 tấn trong năm 2016 này, nhưng khả năng chế biến của họ chỉ đạt 6% (tương đương với 45.000 tấn).

Tuy nhiên, ngành điều của nước này đang xác định hướng đi rõ ràng là sẽ đầu tư mạnh hơn vào công nghệ chế biến trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp của nước ta cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá điều thô ở các nước châu Phi và Campuchia tăng lên đến hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Phạm Văn Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, Văn phòng và thường trực Hiệp hội điều Việt Nam đã cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến điều danh sách các doanh nghiệp nước ngoài không có khả năng cung cấp, tuy nhiên những doanh nghiệp này vẫn sang Việt Nam chào bán. Có nhiều nhà máy của Việt Nam đã không xem thông tin đó nên bị thua thiệt.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, cả nước sẽ có 300.000 ha điều, tăng 5.000 ha so với thời điểm hiện tại. Theo Tiến sỹ Nguyễn Như Hiến, Phó Trưởng phòng cây công nghiệp – cây ăn quả - Bộ NN&PTNT, để ngành điều phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ hơn với người nông dân để có nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định. Các địa phương có thời tiết, đất đai phù hợp với cây điều như: Bình Phước, Đồng Nai, Gia Lai cần có quy hoạch cụ thể cho mỗi vùng trồng điều. Từ đó, kết hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân chọn giống tốt, áp dụng kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng của cây điều.

“Mặc dù trong 3 năm vừa rồi, Cục trồng trọt đã cố gắng đưa năng suất điều tăng lên được 3 tạ/ha. Tuy nhiên, mục tiêu trong thời gian tới là phải đưa năng suất điều lên khoảng 2 tấn/ha. Như vậy thì mới có thể đáp ứng được một phần nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, đồng thời mới nâng cao được đời sống của bà con nông dân”, ông Nguyễn Như Hiến nói.

Song song với việc doanh nghiệp ngành điều liên kết chặt chẽ để tạo thành sức mạnh cạnh tranh trên trường quốc tế, Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cần hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết tranh chấp với doanh nghiệp nước ngoài và phát huy hơn nữa vai trò làm cầu nối để các doanh nghiệp điều trong nước tiếp cận với những chính sách mới của thị trường Mỹ, Trung Quốc và châu Âu./.

Thành Trung/VOV-TP HCM