Doanh nghiệp mất sức cạnh tranh vì thủ tục kiểm tra

00:00 12/10/2020

Về việc kiểm tra chuyên ngành làm khó doanh nghiệp, cách đây ít ngày Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) có văn bản kiến nghị gửi một loạt các cơ quan Chính phủ về vấn đề thông quan container khi nhập khẩu.

Nhu cầu sử dụng giấy các loại của VN đều tăng dần qua từng năm, nhưng khả năng đáp ứng từ nguồn trong nước ngày một thu hẹp ảnh: như ý

Theo đại diện VPPA, đây là công văn thứ 5 trong vòng 3 tháng qua được Hiệp hội gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vấn đề nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Cụ thể, ngoài những khó khăn vướng mắc do các quy định của Tổng cục Hải quan, nhiều DN trong ngành đang gặp khó với những quy định trong Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT (Thông tư 08) của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các quy định liên quan đến kiểm tra quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đang khiến không ít DN gặp khó khăn. Theo quy định được đưa ra, phế liệu của DN thông quan ở cảng nào thì Sở TN&MT phải đến cảng đó kiểm tra chất lượng phế liệu NK. Công tác kiểm tra, giám định tại hiện trường đối với phế liệu NK là kiểm tra bằng mắt thường và kiểm tra 100% lô hàng.

Theo đại diện VPPA, những quy định này của cơ quan quản lý hoàn toàn không hợp lý. Theo đó, chỉ riêng việc mở và làm các thủ tục xác nhận niêm phong lại toàn bộ các container nhập khẩu đã đòi hỏi một lượng thời gian cực kỳ lớn. Chưa kể có những khu cảng không thể đáp ứng yêu cầu mở hàng cùng một lúc đối với nhiều container. Còn lực lượng kiểm tra sẽ cần số lượng cực kỳ lớn mới đáp ứng được.

Các ý kiến của doanh nghiệp ngành giấy cho thấy, những quy định này còn khiến thời gian làm thủ tục của DN kéo dài gây phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi tại cảng. Bên cạnh việc bị đội chi phí vì bị kiểm tra chuyên ngành, các doanh nghiệp còn gặp tình trạng không bảo đảm đủ nguyên liệu sản xuất, nhà máy phải hoạt động cầm chừng, không bảo đảm thực hiện đơn hàng với các đối tác…

“Theo thống kê, phí lưu container, lưu bãi của ngành giấy đã lên tới cả nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 800 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn nguyên liệu nhập khẩu. Nếu tính các chi phí lưu kho bãi, phí tổn kiểm tra thủ tục, giá thành sản phẩm của doanh nghiệp tăng thêm gần 10% khiến nhiều sản phẩm sản xuất trong nước cạnh tranh rất vất vả với sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực. Và thêm hệ lụy nữa là đã gây ra sự mất cân đối lớn về luân chuyển container của các hãng tàu làm cho cước vận chuyển đến và đi từ Việt Nam tăng cao, giá bao bì cũng tăng làm ảnh hưởng cả tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”, lãnh đạo VPPA khẳng định.

Phạm Tuyên