Doanh nghiệp là… “đối tác” của chính quyền

00:00 12/10/2020

Thái độ xem doanh nghiệp là “đối tác” của chính quyền của tỉnh Quảng Ninh, xem ra không phải tỉnh, thành nào cũng có thể làm được.

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp

Quan điểm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” không phải là lời nói suông của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mà nó thật sự đã được cả bộ máy chính quyền tỉnh này hiện thực hóa bằng hành động.

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 16.175 doanh nghiệp, trong đó có 229 doanh nghiệp lớn. Những năm qua, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong triển khai Nghị quyết số 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp bằng những chương trình, giải pháp cụ thể.

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh được đổi mới theo hướng thiết thực và hiệu quả, điển hình như công tác cải cách hành chính. Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động gặp gỡ, tổ chức các hội nghị chuyên ngành về xuất nhập khẩu, đất đai, nông nghiệp, thuế, tiếp cận nguồn vốn... để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Tỉnh Quảng Ninh tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với trên 700 doanh nghiệp trên địa bàn vào ngày 3/7

Ngày 3/7, Quảng Ninh tổ chức gặp gỡ với trên 700 doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết vướng mắc, khó khăn

Sự “đồng hành” này được triển khai, vào cuộc một cách đồng bộ các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh với 12 nhóm giải pháp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, trên 230 kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp đã được giải quyết cơ bản, không để phát sinh những điểm nóng, bức xúc, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc góp phần không nhỏ để doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Quảng Ninh đã cắt giảm tối đa họp hành, thay vào đó chủ động đi sâu sát thực tế, lắng nghe doanh nghiệp và tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm thủ tục, thông quan, thời gian hoàn thuế, kê khai thuế điện tử đạt 99%. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào Quảng Ninh làm thay đổi diện mạo đô thị. Các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây đã biết kết nối, nhiều dịch vụ hỗ trợ phát triển theo….

Bước chuyển đổi mạnh mẽ

Nói về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra một thông tin quan trọng: Về phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian qua, tính ra từ 1 đồng ngân sách đầu tư, tỉnh đã huy động được 8,34 đồng từ xã hội. Quảng Ninh thành công được là nhờ huy động được nguồn lực đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Long xác định, cộng đồng doanh nghiệp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp dù ở thành phần kinh tế nào, dù sản xuất, kinh doanh ở quy mô nào cũng đều là nhân tố thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội. Ông đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cùng hội các doanh nghiệp các địa phương phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để tổng hợp, phản ánh kịp thời tới tỉnh. Những kiến nghị của doanh nghiệp không chỉ chờ đến kỳ mới giải quyết mà bất cứ kiến nghị nào gửi đến đều phải được xem xét giải quyết ngay.

Đại diện nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đề xuất nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh

Đại diện nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đề xuất nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Mối quan hệ giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh đã có sự thay đổi ngoạn mục: Từ “đối tượng quản lý” và “đối tượng bị quản lý”, chuyển sang mối quan hệ “đối tác”.

Sáng kiến lắng nghe doanh nghiệp qua công cụ đánh giá trực tuyến của UBND tỉnh Quảng Ninh (viết tắt là SNA) cho phép người dân, doanh nghiệp phản ánh trực tiếp vấn đề của mình đến trực tiếp bộ máy chính quyền các cấp. Với sáng kiến này cùng với tinh thần cầu thị của chính quyền, niềm tin của nhà đầu tư, và doanh nghiệp đã tăng lên một cách rõ rệt.

Tại buổi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp tỉnh 6 tháng đầu năm 2018, ông Long đề nghị các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các quy hoạch chiến lược của tỉnh, cũng như quy hoạch ngành nghề của các địa phương để lựa chọn phù hợp lĩnh vực kinh doanh phù hợp với quy hoạch phát triển chung của cả tỉnh. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện bình đẳng trong kinh doanh nhưng đảm bảo mục tiêu đúng quy hoạch chiến lược của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, mục tiêu tối thiểu tỉnh phải có 25.000 doanh nghiệp.

Ngày 3/7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc các doanh nghiệp trên địa bàn. Tại đây, 45 kiến nghị của doanh nghiệp đối với tỉnh đã được đưa ra, tập trung chủ yếu vào chính sách về đất đai và giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng quan tâm nhiều đến các lĩnh vực như: vốn, du lịch, giao thông, thuế và phí, nông nghiệp, thanh tra, kiểm tra. Đã có 11 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp được trả lời trực tiếp. Nội dung trả lời, giải đáp của lãnh đạo, sở, ngành, địa phương cơ bản đã đi vào trực diện, trọng tâm câu hỏi, phần nào đáp ứng được các tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp.

Theo báo cáo tổng kết, tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm đã đạt 10,16%, cao nhất 6 năm gần đây, đặc biệt thu nội địa đạt 15 nghìn tỷ đồng.