Doanh nghiệp kỳ vọng vào môi trường kinh doanh

00:00 12/10/2020

Cộng đồng DN, trong đó có các DN, doanh nhân Thủ đô, hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội (Hanoisme) đang rất tin tưởng và kỳ vọng vào sự chỉ đạo của Thủ tướng, của lãnh đạo TP nhằm đồng hành tháo gỡ những khó khăn cho DN.

Đó là những chia sẻ trong phần tham luận của ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hanoisme tại Hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác Đầu tư và phát triển” diễn ra sáng ngày 4/6.
Có thể nói, trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức do ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài. Tuy nhiên, các DN Việt Nam nói chung, DN TP Hà Nội nói riêng với tinh thần “bản lĩnh - chịu khó - sáng tạo - đổi mới - hội nhập” đã đứng vững, tự tin và một số DN đã đạt kết quả rất tốt, được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.
Vai trò doanh nghiệp với nền kinh tế
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Hiệp hội được thành lập năm 1995 đến nay, sau 21 năm thành lập, phát triển đã và đang tổ chức các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, thiết lập, phát triển mối quan hệ kinh tế giữa các DN với các đối tác trong và ngoài nước. Đồng thời là cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm thực hiện các chủ trương chính sách đi vào cuộc sống hoạt động của DN theo pháp luật hiện hành, là nơi thu thập thông tin tiếp nhận những kiến nghị đề xuất, khó khăn vướng mắc của DN. Hiện, Hanoisme có hơn 1.600 hội viên, sản xuất và kinh doanh trên mọi lĩnh vực trải dài tại 30 quận, huyện của Thủ đô. Trong năm qua đã có nhiều DN hoạt động SXKD có hiệu quả góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô.Cho đến nay, tổng số DNNVV của Hà Nội chiếm 97,2 % tổng số DN đăng ký thành lập, là khu vực DN có vai trò rất quan trọng đóng góp 40% GDP, tạo việc làm cho 50,1% lao động.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các DNNVV rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí vẫn còn kinh doanh theo kinh nghiệm. Điều này khiến cho khối DNNVV chỉ đông về số lượng, nhưng chất lượng, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường không cao, nhất là khi Việt Nam đã tham gia vào hành loạt các hiệp thương mại...
“Nền kinh tế càng phát triển và hội nhập sâu thì ngày càng bộc lộ những điểm yếu và hạn chế của DNNVV. Ngay cả những điểm vẫn coi là lợi thế của DNNVV như cần ít vốn, cơ động và linh hoạt, tiết kiệm chi phí mà trước hết là chi phí quản lý, sử dụng nguồn lao động tại chỗ dồi dào và giá rẻ... có khi trở thành bất lợi trong môi trường cạnh tranh quốc tế vô cùng quyết liệt” – ông Hiển thẳng thắn chỉ ra.
Cụ thể để DN phát triển
Giai đoạn Năm 2010 – 2015, UBND TP đã ban hành các chương trình hành động của UBND TP Hà Nội để triển khai nghị quyết và nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho DN trên địa bàn. Trên cơ sở đó đã chỉ đạo các sở ban ngành và điển hình như Thuế, Hải Quan, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, Công thương, Kế hoạch&Đầu tư, Tài nguyên&Môi trường... với nhiều giải pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn có hiệu quả cho DN,  hầu hết đều sát thực tế, quyết liệt và kịp thời. Xuất phát từ thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Đỗ Quang Hiển kiến nghị đề xuất với UBND TP 6 vấn đề.
Thứ nhất, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành cụ thể hóa những nội dung và chương trình công tác lớn, chính sách và các giải pháp hỗ trợ DN, nhằm tạo điều kiện thuận lợi phù hợp với thực tế, đảm bảo sự công bằng - minh bạch đưa vào đúng chủ thể, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống giúp cho DN thuận lợi, ổn định trong sản xuất kinh doanh để phát triển.
Chẳng hạn, TP cùng với các sở, ban, ngành tiến hành rà soát quy trình của liên ngành khi thực hiện cấp thủ tục hồ sơ, biểu mẫu cho DN, cũng như thời gian trả kết quả. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN, xem cụ thể họ đang ở góc độ nào mới đánh giá đúng để định hướng khi gia nhập thị trường; Rà soát cách tính thuế, thu nhập, đất đai vì hiện không còn phù hợp với thực tế…
Thứ hai, về cải cách thủ tục hành chính tiếp tục tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực, đổi mới tác phong từ đồng hành sang phối hợp, phục vụ DN, vì DN là nguồn đóng góp ngân sách cho TP. Bên cạnh đó, TP cần nhân điển hình những đơn vị làm tốt công tác này và lan tỏa trong cộng đồng công chức của TP.
Thứ ba, đề nghị TP cùng các sở, ban, ngành tiếp tục thúc đẩy mạnh hoạt động KHCN. Theo đó, khi thực hiện có sự phối hợp giữa các ngành như công thương và tài chính, cùng hướng dẫn DN thực hiện chính sách hỗ trợ như thủ tục đăng ký kinh doanh đã được thực hiện trong thời gian qua. Bởi, thời gian qua, Hà Nội đi đầu cả nước trong việc giảm thủ tục đăng ký xuống còn 3 ngày tạo điều kiện cho DN gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, hiện số lượng DN thành lập mới đang tăng thể hiện sự tin tưởng, vững tin với môi trường kinh doanh, nhưng tại phòng đăng ký kinh doanh đang quá tải, cơ sở hạ tầng chật hẹp, chỉ có 3 phòng tiếp nhận và trả kết quả, DN phải xếp hàng từ sáng sớm nhưng đến 9 - 10 giờ đã hết phiếu. Do đó, nên mở rộng, tăng thêm điểm đăng ký kinh doanh, áp dụng công nghệ nhằm giảm thiểu thời gian chi phí của DN
Thứ tư, về chính sách cần đổi mới chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, hỗ trợ dự báo thông tin thị trường, sản phẩm nhu cầu của khu vực và thế giới. Tổ chức tham gia các kỳ hội chợ trong nước và quốc tế, đặc biệt quan tâm tổ chức chương trình hỗ trợ DN tham dự Hội chợ thường niên tại các nước trong khu vực và thị trường mới, thị trường truyền thống cho các doanh nghiệp.
Xây dựng chính sách hỗ trợ DNNVV thiết thực hiệu quả, ngay như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vẫn chưa được thành lập qua nhiều năm nghiên cứu. Bên cạnh đó, hiện một số quỹ đang do các sở, ngành nắm giữ nhưng nên trao cho các hiệp hội giữ dưới sự giám sát theo quy định để có thể hỗ trợ và đúng đối tượng được thụ hưởng. Tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp Hỗ trợ theo Nghị định 111NĐ-CP và thông tư 55 của Bộ Công Thương phù hợp với đặc thù công nghiệp Thủ đô.
Thứ năm, TP quan tâm tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các Hiệp hội được tham gia các chương trình kế hoạch của TP liên quan đến DN. Bởi, các hiệp hội đại diện cho các DN, thông qua đó, kịp thời đưa các chủ trương, chính sách, thông tư…  đến với DN. Đồng thời, định kỳ hàng quý có thể giao ban để hiệp hội có thể phản ánh tâm tư nguyện vọng của DN kiến nghị đến lãnh đạo TP để có những điều chỉnh, tháo gỡ, đồng hành nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Thứ sáu, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, DN tiếp tục đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng năng lực cạnh tranh để thụ hưởng các chính sách từ các hiệp định đã được ký kết về Hội nhập kinh tế quốc tế.
Với việc TP tổ chức hội nghị như hôm nay, ông Đỗ Quang Hiển kỳ vọng vào sự sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP và cho rằng, đây là sự kiện thể hiện nỗ lực và quyết tâm, cũng như lắng nghe của TP nhằm tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, thu hút đầu tư. Đây sẽ là cơ hội để cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam nói chung, DN Thủ đô nói riêng phát triển.
Khắc Kiên/Kinhtedothi.vn