Doanh nghiệp khởi nghiệp cần coi trọng việc xây dựng thương hiệu

00:00 12/10/2020

(DNHN): Để các dự án khởi nghiệp thành công, ngoài việc xây dựng chiến lược, kế hoạch chi tiết thì vấn đề xây dựng thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ trong khởi nghiệp cũng phải được coi trọng. Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm “Thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) với hoạt động khởi nghiệp”. Buổi tọa đàm là một trong các hoạt động của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo -Techfest 2016 vừa được tổ chức.

dn-can-xay-dung-thuong-hieu Nhận thức sai lầm về thương hiệu Đối với doanh nghiệp, thương hiệu là tài sản duy nhất không bao giờ bị mất giá. Mặc dù giá trị như vậy nhưng xây dựng thương hiệu vẫn thường bị các doanh nghiệp khởi nghiệp coi nhẹ hoặc có nhận thức sai lệch. Sai lầm phổ biến nhất là đánh giá thấp hoặc không đề cao các hoạt động xây dựng thương hiệu vì các nhà sáng lập cho rằng hoạt động này khó đo lường hoặc khó xác định kết quả như những yếu tố khác, như: doanh số bán hàng, thị phần, giá cả,… Phần lớn người sáng lập luôn thấy rằng đầu tư cho chiến lược thương hiệu ở giai đoạn khởi nghiệp là lãng phí và không cần thiết. Hơn 90% người sáng lập của dự án khởi nghiệp chỉ quan tâm đến phần gọi vốn để triển khai. Không đồng ý với quan niệm trên, Ông Lucien Bolliger – Công ty SoYon Việt Nam cho rằng: “Đầu tư cho thương hiệu không đơn giản chỉ là logo và bộ nhận diện thương hiệu bắt mắt như nhiều nhà sáng lập vẫn nghĩ. Chiến lược thương hiệu xuất phát từ sản phẩm, thị trường và tầm nhìn người sáng lập nên là bước sàng lọc cơ bản để một kế hoạch kinh doanh thành công và kế hoạch khởi nghiệp cũng không ngoại lệ”. Ông khẳng định, logo chỉ là cái hữu hình mà khán giả nhìn thấy được, còn thương hiệu là nền tảng của doanh nghiệp, bao gồm cả chất lượng sản phẩm, thái độ, cách ứng xử của doanh nghiệp với khách hàng… Để các dự án khởi nghiệp thành công, ngoài việc xây dựng chiến lược, kế hoạch chi tiết và cần được triển khai cẩn trọng thì vấn đề xây dựng thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động khởi nghiệp cũng phải được coi trọng. Xây dựng thương hiệu là cả quá trình song hành cùng phát triển doanh nghiệp. “Đừng nghĩ chỉ đầu tư cho thương hiệu khi đã có tiền” Có một thực tế đáng lo ngại là trên 80% doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam được  khảo sát cho rằng họ muốn xây dựng thương hiệu nhưng không có tiền. Đây là thông tin được PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Thương hiệu - ĐH Thương mại chia sẻ tại buổi toạ đàm. Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp mới thành lập có cần phải quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu hay chỉ nên tập trung vào việc phát triển sản phẩm. Theo PGS. TS Thịnh, thương hiệu là một hoặc một tập hợp các dấu hiệu để nhận biết, phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp;  là hình tượng về sản phẩm, doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng và công chúng. Xây dựng thương hiệu thực chất là tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm và doanh nghiệp, tạo ra giá trị kinh tế trong tương lai. Người ta có thể dễ dàng sao chép một sản phẩm nhưng rất khó bắt chước hoạt động của một tổ chức. Do đó, đừng nghĩ sẽ chỉ đầu tư cho thương hiệu khi đã có tiền. Trên thực tế các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn về vốn hay nhân sự là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên vấn đề xây dựng thương hiệu không phải vì thế mà bỏ ngỏ mà phải có hướng đi phù hợp.  "Chúng ta đừng nghĩ rằng xây dựng thương hiệu là cần rất nhiều tiền mà phải xác định được ý tưởng sản phẩm này sẽ đi đến nhóm khách hàng nào, mục tiêu nào và nắm được những lợi ích giá trị cốt lõi truyền tải cho khách hàng. Hiện nay có rất nhiều phương tiện truyền thông, nhiều cách để chúng ta làm thương hiệu mà tốn không nhiều tiền, như sử dụng mạng xã hội facebook, twitter, google ", ông Thịnh chia sẻ.   Nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của vấn đề quản trị thương hiệu của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, TS. Trần Lê Hồng, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng quyền sở hữu trí tuệ là nền tảng pháp lý cho tài sản trí tuệ của doanh nghiệp khởi nghiệp. Trên thực tế, có quá ít các doanh nghiệp khởi nghiệp biết cách quản trị thương hiệu của mình như là quản lý tài sản có giá trị khi mà “khả năng bắt chước và phát triển trên cơ sở ý tưởng của người khác vô cùng nhanh” trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Điều đó sẽ rất dễ tổn thương khi sớm phải đương đầu với các vấn đề vi phạm pháp luật, tranh chấp, kiện tụng. Thành Công [box]Tại lễ bế mạc Techfest 2016, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, sau 2 ngày diễn ra Techfest 2016 (từ 12-13/11), đã có gần 3.000 lượt người tham gia, 220 lượt gặp gỡ, kết nối đầu tư, hơn 130 nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng khoảng 180 doanh nghiệp khoa học và công nghệ đến tham gia Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Techfest 2016. Năm 2016 là năm thứ hai Việt Nam tổ chức sự kiện Techfest với mục tiêu là kết nối những người khởi nghiệp với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần tạo ra và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp do Bộ KH&CN tổ chức.[/box]