Doanh nghiệp cần tiếp cận thương mại tự do một cách chủ động

00:00 12/10/2020

Tham gia đàm phán hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là mong muốn và nỗ lực của Chính phủ trong việc mở rộng quan hệ với thế giới và thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định đây mới chỉ mở ra cơ hội. Để hội nhập nhanh với  thế giới, các DN Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thị trường, gia tăng năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các tiêu chuẩn, áp dụng đầy đủ vào quá trình sản xuất, tuân thủ các quy tắc … 

EVFTA hay
Ký kết EVFTA hay TPP là cách tăng cường sự chủ động của Việt Nam trên thị trường kinh tế thế giới nhưng quá tình này cần sự nỗ lực của Chính phủ và DN – Ảnh minh hoạ

Ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, việc Việt Nam tham gia đàm phán EVFTA và TPP thể hiện nỗ lực của Việt Nam khi muốn cân đối lại thị trường xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do là một biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro cho các DN khi làm việc với các DN nước ngoài nhờ những quy định trong các FTA.

Bên cạnh đó, việc ký kết các FTA sẽ giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường thể chế trong toàn bộ đời sống chính trị – kinh tế – xã hội từ lĩnh vực quan hệ nhà nước, trợ cấp, chính sách cạnh tranh, giúp Việt Nam dần cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài mà cả nhà đầu tư trong nước.

Với một góc nhìn khác, ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn Đoàn đàm phán Hiệp định EVFTA cũng cho rằng, nỗ lực của Chính phủ khi ký kết thành công hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã cho thấy sự chủ động của Việt Nam khi mong muốn nhanh chóng tiếp cận với dây chuyền chuỗi sản xuất của thế giới.

Nhưng theo ông Trần Toàn Thắng – Phó trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do cần phải nhìn vào thực tế. Tức là những cơ hội mà Việt Nam có được từ các FTAs – điều mà được truyền thông nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua, chỉ khi Việt Nam có thể hiện thực hóa được các yêu cầu đã được đàm phán, thỏa mãn được những mong muốn và thỏa thuận của các nước thành viên.

Một vấn đề mới được đặt ra: không phải là Việt Nam sẽ tăng được kim ngạch xuất khẩu lên bao nhiêu, GDP tăng trưởng lên bao nhiêu phần trăm… là chính là câu chuyện của quá trình đổi mới thể chế và chính sách, câu chuyện làm thế nào để nguồn lực sản xuất được tự do hóa di chuyển giữa các ngành và các vùng … Câu chuyện này dành cho Chính phủ.

Thời gian qua, không thể phủ nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh như mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chính thức mở lại kênh vay ngoại tệ nhằm giúp đỡ DN xuất khẩu về vốn. Hay dù tình hình kinh tế còn khó khăn, lạm phát đang có xu hướng qua trở lại nhưng trong kỳ họp thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn kiên quyết với phương hướng giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Bằng chứng rõ ràng hơn là các thủ tục hành chính đã và đang được giảm thiểu một cách tối đa nhằm giảm chi phí không đáng có cho DN. Tăng cường nộp thuế điện tử hay thực hiện cơ chế hải quan một cửa… là những nỗ lực không thể phủ nhận của Chính phủ Việt Nam trong hỗ trợ DN mặc dù vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, những thủ tục chồng chéo cần phải giảm thiểu. Quá trình đó cần một thời gian dài và đặc biệt là không thể thành công khi nỗ lực ấy chỉ đến từ một phía.

Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, kiến tạo môi trường kinh doanh cần vai trò cực kỳ quan trọng của Chính phủ nhưng vai trò thứ hai thì điểm tựa lại là DN. DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua tìm hiểu thị trường Châu Âu. “Năng lực cạnh tranh là năng lực cạnh tranh sản phẩm, là khả năng vạch định chiến lược. Đây là điểm yếu truyền thống của DN Việt Nam”, ông Vinh nhấn mạnh.

Đơn cử, DN Việt Nam hiện nay quá chú trọng đến tỷ trọng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu mà chưa thực sự tìm hiểu thị trường Châu Âu cũng như xu hướng tiêu dùng của người dân các quốc gia này. Các quốc gia này chú trọng vào các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn sống cho người lao động.

Các nước thành viên Châu Âu là những quốc gia có nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo về chất lượng sản phẩm đặc biệt là các sản phẩm rau quả, thực phẩm. Hiệp định EVFTA cũng là một trong những hiệp định thương mại tự do kiểu mới khi chính thức có hiệu lực sẽ đóng góp khoảng 25% GDP cho khu vực.

Việc các DN Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thị trường, gia tăng năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các tiêu chuẩn, áp dụng đầy đủ vào quá trình sản xuất, tuân thủ các quy tắc ..

Những bước tiến đầu tiên của việc tiếp cận thương mại tự do toàn cầu đã được Chính phủ thiết lập. Cải thiện môi trường kinh doanh đã và đang được từng bước thực hiện. Và phía DN cần chủ động hơn nữa trong quá trình làm mới mình và thay đổi phương thức kinh doanh.

Đại diện Đoàn đàm phán Hiệp định EVFTA của EU – ông Mauro Petriccione cũng đã đề xuất 3 khuyến nghị: Phải tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của Hiệp định EVFTA; EVFTA không phải là tuyệt vời mà chỉ đang mở ra cơ hội. Nếu nắm bắt thành công thì có người, có DN phát triển nhảy vọt và muốn nắm bắt được thì phải học cách nắm bắt. “Việt Nam – EU cần tạo quan hệ đối tác không chỉ để thực hiện hiệp định này mà phải tăng cường trao đổi tri thức để thay đổi hành vi kinh doanh và duy trì quan điểm này bền vững hơn. Các cơ hội đó sẽ khó nắm bắt khi không có sự đồng hành và quan tâm của hai bên”, ông Maruo nhận định.

Quỳnh Liên/Congluan.vn