DN cần "gói vàng" từ báo chí để thúc đẩy cải cách

00:00 12/10/2020

Lời nói gói vàng” và “lời nói đọi máu” là những nhận xét được các đại biểu dẫn lại khi bình luận về vụ quán cà phê Xin Chào và vụ xúc xích VietFoods bị oan, tại diễn đàn đối thoại doanh nhân với nhà báo vừa diễn ra sáng 10/6.

Nhiều ý kiến tại Diễn đàn nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc sát cánh cùng Chính phủ và doanh nghiệp thúc đẩy cải cách thể chế. Ảnh: VGP/Thành Đạt
“Để bảo vệ doanh nghiệp, có những sự việc tưởng như không quan trọng, như vụ quán cà phê Xin Chào, nhưng qua báo chí đã trở thành tiếng chuông cảnh báo”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chia sẻ tại diễn đàn có chủ đề "Báo chí và doanh nghiệp thời hội nhập", do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với VCCI tổ chức.

Trong bối cảnh hội nhập, vấn đề báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp để thúc đẩy cải cách thể chế theo yêu cầu của Chính phủ đã trở thành vấn đề được quan tâm nhất tại Diễn đàn này.

Thúc đẩy cải cách thể chế

“Doanh nghiệp không thể phát triển như ngày nay nếu thiếu sự đồng hành của báo chí. Sự gắn bó máu thịt giữa báo chí và doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Cải cách thể chế thời gian qua đã có những bước tiến quan trọng và trong đó báo chí có công đầu”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI nhắc lại những thông điệp cực kỳ quan trọng vể cải cách thể chế đã được Đảng, Nhà nước khẳng định. Đặc biệt, Chính phủ đã quyết liệt thực thi yêu cầu này với việc ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường phối hợp với VCCI và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy thực hiện các Nghị quyết nói trên với tinh thần cải cách mạnh mẽ, đặc biệt trong việc giám sát để bảo đảm kỷ luật thực thi. Thực tế, qua vụ việc quán cà phê Xin Chào, Chính phủ đã khẳng định tinh thần nhất quán là không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng một hành xử không đúng mực của nhà báo, của cơ quan báo chí cũng có thể mang lại nỗi đau cho doanh nghiệp. Theo Chủ tịch VCCI, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp, nhưng muốn khởi nghiệp thì phải có hệ sinh thái khởi nghiệp và để có hệ sinh thái đó, phải có vai trò của báo chí.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương xác định mối quan hệ rất khăng khít giữa báo chí và doanh nghiệp. “Nếu vụ quán cà phê Xin Chào cho thấy có những "lời nói gói vàng", thì vụ xúc xích VietFoods cho thấy cũng có những “lời nói đọi máu”, mà sau mỗi doanh nghiệp là hàng nghìn, thậm chí hàng vạn người lao động”, ông Dương tha thiết chia sẻ với đại diện các cơ quan báo chí và chúc các nhà báo “sáng tâm sắc bút” để đồng hành cùng doanh nhân đưa đất nước phát triển.

Trước đó, VietFoods đã phải gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ về việc bị một cơ quan chức năng lạm quyền, tùy tiện kiểm tra, tạm giữ hàng và thông tin cho các cơ quan báo chí sản phẩm mang nhãn hiệu VietFoods chứa chất cấm, gây ung thư không có căn cứ pháp luật, gây tổn hại đến thương hiệu và thiệt hại cho nhà sản xuất. Dù trách nhiệm chính hoàn toàn không phải do báo chí, nhưng vụ xúc xích VietFood đã cho thấy ảnh hưởng lớn của báo chí đối với hoạt động của sản xuất kinh doanh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Thành Đạt

Tăng cường phản biện chính sách

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ đề nghị báo chí tăng cường công tác phản biện chính sách trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35, Nghị quyết 19. “Mong muốn của Chính phủ, của Thủ tướng là tới năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, để làm được, báo chí và doanh nghiệp cần siết chặt tay hơn nữa”, ông Đệ nói và nhắc tới nhiều vấn đề chính sách đã được báo chí đề cập, như chống hình sự hóa các quan hệ kinh tế, vấn đề quỹ công đoàn…

Cũng nhấn mạnh doanh nghiệp đang hết sức trông đợi Chính phủ đẩy mạnh cải cách thể chế, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản (VASEP) đề nghị báo chí đưa thông tin “cân bằng hơn”. Ông Nam lấy ví dụ, việc Liên minh Châu Âu cảnh báo về các lô hàng thủy sản không đạt chuẩn là bình thường, đôi khi chỉ vì không đáp ứng được yêu cầu về dán nhãn, nhiều nước cũng bị cảnh báo, nhưng báo chí Việt Nam chỉ đưa thông tin về hàng Việt Nam. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng ở 160 quốc gia đang tiêu thụ thủy sản Việt Nam lo ngại mà người dân trong nước cũng hoang mang. Ông Nam mong muốn sự chia sẻ nhiều hơn từ các nhà báo và đây cũng là đề nghị của nhiều doanh nghiệp tham dự sự kiện.

Trước những ý kiến này, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khẳng định báo chí luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt những vướng mắc về cơ chế chính sách sẽ rất khó tháo gỡ nếu báo chí không lên tiếng. Hội Nhà báo cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với VCCI trong việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt trong phản ánh các ý kiến phản biện chính sách của doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 19.

Tuy nhiên, theo ông Thuận Hữu, doanh nghiệp cũng cần phải cởi mở hơn với báo chí, chủ động cung cấp thông tin, qua đó góp phần hạn chế những thông tin sai lệch, một chiều.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh doanh nhân và nhà báo đều có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, là những người đồng hành thân thiết, tương trợ lẫn nhau. Trong thời gian tới, báo chí và doanh nghiệp đều phải cùng phát huy vai trò tiên phong của mình, góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Trong quá trình đó, Quốc hội sẽ tăng cường thúc đẩy hoàn thiện thể chế, tăng cường giám sát để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Thành Đạt/chinhphu.vn