DNNVV: Kiến tạo, thúc đẩy để nâng cao năng lực cạnh tranh

00:00 12/10/2020

DNNVV đươc coi như xương sống của các nền kinh tế. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, các DNNVV hiện chiếm 97,9% tổng số các DN, đóng góp 48,3% GDP và 50%  số việc làm cho lao động. Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống chính sách phát triển DNNVV, chúng ta lại đang thiếu những cơ chế cụ thể và thiết thực, việc này cũng giống như “đào được mương nhưng không dẫn được nước vào”.

Theo số liệu thống kê, đến nay cả nước có 535.000 DNVVN đang hoạt động. Chiếm trên 97,9% tổng số doanh nghiệp cả nước, DNVVN là hệ thống doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Trong nhiều năm trở lại đây, quá trình đổi mới với sự ra đời của các DNVVN đã chứng minh tính đúng đắn của các chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh. tuy nhiên những chính sách, sự ưu tiên, ưu đãi đối với DNVVV vẫn còn nhiều bất cập.

Nhà nước cần tạo điều kiện phát triển và môi trường kinh doanh thuận lợi cho DNNVV; việc hỗ trợ cần phải có sự lựa chọn đối tượng, theo từng danh mục ngành và lĩnh vực trọng điểm; cơ chế hỗ trợ cần công khai, minh bạch và bình đẳng để mọi DNNVV đều có cơ hội tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ. (Ảnh: Internet)
Nhà nước cần tạo điều kiện phát triển và môi trường kinh doanh thuận lợi cho DNNVV; việc hỗ trợ cần phải có sự lựa chọn đối tượng, theo từng danh mục ngành và lĩnh vực trọng điểm; cơ chế hỗ trợ cần công khai, minh bạch và bình đẳng để mọi DNNVV đều có cơ hội tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ. (Ảnh: Internet)

“Trên thảm – dưới đinh”

Chia sẻ tại Hội thảo: “Chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) – Tầm nhìn và hành động”, TS Lê Hồng Sơn – Nguyên cục trưởng Cuc Kiểm tra Văn bản – Bộ Tư pháp cho rằng: Chính sách hỗ trợ DNNVV là nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi và tạo cơ hội cho các DN nhỏ, vừa có tiềm năng trong ngành, lĩnh vực được lựa chọn để hình thành lực lượng DN có năng lưc cạnh tranh, phát triển hiệu quả dựa trên cơ sở các lợi thế của Viêt Nam trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, chính sách đã “trải thảm” cho các DNNVV nhưng chính sự bất bình đẳng và thiếu hụt những cơ chế cụ thể lại là những “lớp đinh” rải dưới những tấm thảm kia. Vậy, liệu các DNNVV có dám mạnh chân để tiến bước?

Theo ông Sơn, “lớp đinh” đó tồn tại ngay chính trong thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật; trong tổ chức thực hiện, trong các hành vi cụ thể và kể cả trong các quyết định hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền.

Ông đưa ra ví dụ: Cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định đặt ra một loạt các điều kiện, tiêu chí đối với các tàu thuyền kinh doanh du lịch trên Vinh Hạ Long – Bái Tử Long: Rút ngắn thời hạn sử dụng các phương tiện thủy 5 năm – 10 năm, yêu cầu hệ thồng phòng chữa cháy tự động hoặc bán tự động, không cho phép đóng nước để thay thế tàu cũ….Các quy định này đã bức tử các DN đang hoạt động trên địa bàn, hơn 1000 lao động có nguy cơ bị mất viêc.  Quy định này vi phạm môt loạt các điều luật hòng tạo điều kiện, sân chơi cho các đại gia.

Ngoài ra ông Sơn cũng đưa ra một loạt các điểm bất cập trong cơ chế như “bia tỉnh ta – xi măng tỉnh ta” gây khó dễ cho các DN ngoại tỉnh của UBND tỉnh quảng Ninh hay ép DN không cho điều chỉnh mức lương  tối thiểu vùng trong dự toán công trình hay việc ban hành một loạt các quyết định hành chính “bẻ ghi” quy định đã có hiệu lực.

Kiến tạo, thúc đẩy để nâng cao năng lực cạnh tranh

Để các DNNVV thực sự vươn mình, tư duy về phương pháp tiếp cận đối với hỗ trợ DNNVV cũng cần có những bước đổi thay ngày càng phù hợp. Chúng ta không thể coi DNNVV là đối tượng cần được bảo vệ, bảo hộ, hay là xúc tiến, hỗ trợ mà trong thời điểm hiện tại vai trò của Nhà nước phải là kiến tạo, thúc đẩy với trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV.

Ông Lê Văn Khương – Trưởng phòng Phát triển DNNVV – Bộ KHĐT cho rằng: Nhà nước cần tạo khung pháp lý mở nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của DNVVN với tiêu chí phải tôn trọng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ và coi họ là lực lượng nòng cốt, đóng góp lớn nhất cho xã hội. Để làm được như vậy, luật hỗ trợ DNNVV cần được xây dựng theo hướng nhìn từ góc độ của DN, các cơ chế chính sách phải cụ thể, nhất quán tạo điều kiện cho các DN phát triển và nâng cao sức cạnh tranh.

Các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cùng làn sóng DN nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam đang tạo nên sức ép cạnh tranh vô cùng quyết liệt, gây áp lực lên toàn bộ nền sản xuất nội địa. Theo các chuyên gia, với đặc thù các DNNVV chiếm ưu thế nên cần có các chính sách khuyến khích hợp tác giữa các DNNVV theo mô hình cụm, nhóm DN có ngành nghề chung hoặc ngành nghề bổ trợ cho nhau nhằm phát triển liên kết giữa các DN, tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực cho DN, thúc đẩy sản xuất chính là chìa khóa giúp tạo dựng một cộng đồng DN nội địa mạnh.

Với mục tiêu chính tìm giải pháp hỗ trợ phát triển DNNVV trong thời gian tới, theo ông Lê Duy Bình (Công ty tư vấn Economia) cho rằng, giải pháp đầu tiên là cần tái cơ cấu thị trường tài chính, cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV bằng cách đơn giản hóa thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn với lãi suất và điều kiện cho vay phù hợp; đẩy nhanh đưa Quỹ phát triển DNNVV vào vận hành để hỗ trợ vốn cho DN. Tiếp đó, cần nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của DN, qua đó đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh cho DN.

Thanh Tân