DN tài trợ cho lãnh đạo đi nước ngoài có dấu hiệu tham nhũng, hối lộ?

00:00 12/10/2020

Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia khi nói về việc doanh nghiệp tài trợ cho cán bộ Nhà nước đi nước ngoài sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Một đoàn cán bộ được DN tài trợ đi học ở nước ngoài. Ảnh: Soha

Doanh nghiệp trong cuộc nói gì?

Là một trong số doanh nghiệp tài trợ cho cán bộ của Bộ Công Thương đi nước ngoài theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, trả lời Dân Việt, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khánh Việt, ông Lê Tiến Anh cho rằng: Một doanh nghiệp đầu tư một dây chuyền đặc thù của ngành thuốc lá có giá trị lớn thì phải mời đại diện cơ quan quản lý đi chứ sao lại gọi là tài trợ hay “đài thọ”.

Ông Lê Tiến Anh cũng cho rằng, thuốc lá là ngành kinh doanh đặc biệt, tất cả đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ đều phải qua Bộ Công Thương. Người ta phải cử chuyên viên của người ta đi xem là đúng dây chuyền mình mua không. Cử đi thì không thể gọi là tài trợ hay hỗ trợ được. “Kiểm tra lại thì người đi nước ngoài là Vụ phó Vụ Công nghiệp nhẹ trực tiếp quản lý mảng thuốc lá thì không thể gọi là tài trợ mà đây là đi khảo sát đầu tư dây chuyển, có nội dung”, ông Lê Tiến Anh nói.

Khi phóng viên hỏi, với những việc quan trọng như vậy cán bộ Nhà nước đi khảo sát thì có thể dùng tiền Ngân sách không hay doanh nghiệp có thể hỗ trợ được? ông Lê Tiến Anh cho rằng: “Tôi ví dụ, tôi đầu tư khách sạn 5 sao mà những người phê duyệt dự án của tôi cả đời chưa ở khách sạn 5 sao thì sao có thể phê duyệt được dự án. Chẳng hạn hiện tôi đang tiến hành Cổ phần hóa, phải mời cán bộ của Bộ Tài chính đi tới các khu đất, dự án của tôi để khảo sát thì rõ ràng đó là mời đi công việc chứ sao có thể gọi là tài trợ được”, ông Lê Tiến Anh cho biết.

Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khánh Việt Lê Tiến Anh cho rằng, thuốc lá là ngành kinh doanh đặc biệt, tất cả đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ đều phải qua Bộ Công Thương (Ảnh: IT)

Khác với công ty Khánh Việt, trước đó, một doanh nghiệp khác có tên trong danh sách tài trợ cho cán bộ của Bộ Công Thương đi nước ngoài lại phủ nhận việc tài trợ này.

Cụ thể, trao đổi với Dân Việt, ông Trần Ngọc Hà - Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho biết, VEAM chưa từng tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương đi nước ngoài. “Nếu cần biết gì thêm về kết luận của Thanh tra Chính phủ thì đi hỏi bên Thanh tra Chính phủ”, ông Hà nói.

Tuy nhiên, Trong Kết luận của Thanh Tra Chính phủ (Phụ lục 4) về Danh sách các lãnh đạo của 10 đơn vị bị thanh tra do đi nước ngoài trên 2 lần/năm, hoặc đoàn có 2 lãnh đạo chủ chốt cùng tham gia, đoàn dùng tiền doanh nghiệp tài trợ cho thấy: Quyết định 3517/QĐ-BCT ngày 25.8.2016 gồm 1 người đi Indonesia 3 ngày hội thảo và triển lãm là do Tổng công ty máy và động lực đài thọ.

Có dấu hiệu tham nhũng?

Phân tích về mục đích của những doanh nghiệp bỏ tiền ra để tài trợ cho các quan chức đi công tác, học tập ở nước ngoài, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: Thực tế, các doanh nghiệp hoàn toàn có quyền mời các cán bộ giúp đỡ cho doanh nghiệp, thực hiện tốt nhiệm vụ của doanh nghiệp đi nước ngoài. Thậm chí, có thể mời các lãnh đạo như “phần thưởng” cho cán bộ lãnh đạo đã giúp đỡ họ.

Tất nhiên, nó lẫn vào việc cố tình tạo ra quan hệ để lợi dụng trong quản lý chỉ đạo, điều hành, dù tôi không phủ nhận có thể có những chuyến đi trong sáng khi mời người có chức năng, chuyên môn để giúp đỡ trong công việc. Tuy nhiên, các cán bộ ấy thường là không phải cán bộ quản lý, từ cấp Vụ trưởng, Thứ trưởng, Bộ trưởng mà phải là kỹ sư có trình độ về máy móc, thiết bị đó. Hay mời khảo sát thị trường thì mời các chuyên gia về đầu tư, chuyên gia khảo sát thị trường và hoạch định makerting…Còn mời lãnh đạo cấp Vụ trưởng, Thứ trưởng, Bộ trưởng thì chuyên môn dù có cũng ít mà người ta sẽ nghĩ ngay tới việc mục đích là tạo quan hệ, có khả năng giúp cho doanh nghiệp có lợi về sau.

Mặt khác, việc doanh nghiệp mà mời toàn các cán bộ của Bộ chủ quản của doanh nghiệp mình thì rõ ràng là không trong sáng. Người trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo doanh nghiệp, họ có thể trực tiếp tăng nguồn vốn bằng lợi ích khác nhau, giảm trừ thuế má, loại trừ chi phí đầu ra, đầu vào, hỗ trợ cho các dự án, đấu thầu…cho doanh nghiệp thì rõ ràng 100% nghĩ tới vì quan hệ. Ngoài ra, Bộ chủ quản toàn lãnh đạo đi có thể là sức ép từ phía cá nhân, toàn người có chức có quyền, họ dùng quyền lực để gợi ý, ép buộc doanh nghiệp tạo điều kiện, hoặc chi tiền cho họ đi.

Rõ ràng không chỉ doanh nghiệp mà bản thân cá nhân đó đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng. Chủ trương của bộ, ngành gợi ý doanh nghiệp ngành tài trợ là mang tính chất tham nhũng. Vì thế, nếu xảy ra việc này phải xử lý dưới hình thức tham nhũng ,trong đó có thể là tham nhũng tập thể hoặc tham nhũng cá nhân. Còn đối với doanh nghiệp, việc mời cán bộ đi ở góc độ này là mang tính chất hối lộ. Một khi đã có mối quan hệ đạt đến mức trở thành “sân sau” cho các nhóm lợi ích, thì những doanh nghiệp này sẽ là người thâu tóm và được ban phát những lợi ích béo bở.

 

Trả lời báo chí trước đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn cho rằng phần lớn các doanh nghiệp tài trợ cho quan chức đi nước ngoài xem đây là một cách đầu tư cho mối quan hệ. Nếu không cẩn thận, điều này có thể biến thành một cách tham nhũng, một hình thức đưa và nhận hối lộ. “Nếu việc tài trợ chỉ để cho quan chức làm việc tốt hơn thì các doanh nghiệp có nhiều kênh khác để góp ý, hỗ trợ chứ không nhất thiết phải tài trợ cho quan chức đi nước ngoài. Đây cũng là một hình thức đầu tư của doanh nghiệp, để nhằm đạt được một lợi ích kinh doanh, một mối quan hệ nào đó”, bà Phạm Chí Lan cho biết.

Còn theo quan điểm của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, việc này có thể liên hệ đến việc doanh nghiệp tặng ô tô cho quan chức, cho địa phương. “Họ làm vậy thì có được lợi ích gì?. Các doanh nghiệp muốn tạo được thuận lợi cho doanh nghiệp của mình thì họ bỏ tiền ra đầu tư. Chúng ta nên kiểm soát chủ yếu là quan chức. Anh sử dụng thời gian của nhà nước, vị trí của mình trong bộ máy thì phải thực hiện theo sự điều động của nhà nước. Nếu doanh nghiệp đóng góp một quỹ nào đó để vận hành những công việc có ích cho nhà nước thì tôi cũng hoan nghênh. Nhưng nếu doanh nghiệp chỉ mời quan chức đi công tác, học tập thì cũng cần phải xem lại. Trong chừng mực nào đó thì có thể có “bóng dáng” tham nhũng, dùng vị trí công tác để tư lợi cho chính mình”, ông Quốc nói.

Theo Chỉ thị số 21 ngày 21.12.2012 của Ban Bí thư về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã yêu cầu chấn chỉnh việc cử đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài. Theo đó, việc đi nước ngoài cần phải có mục đích, nội dung, kế hoạch rõ ràng, tránh trùng lặp với các đoàn đi trước; trong một năm đi nước ngoài tối đa là hai lần, trừ trường hợp có nhu cầu đột xuất, hoặc công việc thật cần thiết. Không bố trí hai lãnh đạo chủ chốt của một bộ ngành, địa phương cùng tham gia một đoàn đi công tác nước ngoài. Ngoài ra, các lãnh đạo chủ chốt của bộ ngành, địa phương không tham gia đoàn của các doanh nghiệp đi nước ngoài hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh. Các cơ quan, đơn vị không được tổ chức các chuyến tham quan, du lịch nước ngoài cho cán bộ bằng ngân sách nhà nước.

 Phi Long/danviet.vn