DN cơ khí: Thay đổi để phát triển

00:00 12/10/2020

Trong khi DN cơ khí vẫn loay hoay “đường đi nước bước” thì việc định hướng đầu ra sản phẩm rất quan trọng nhưng cũng đòi hỏi DN mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm. Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn cho rằng không phải Nhà nước không quan tâm đầu tư cho cơ khí nhưng hiện nhiều DN có tư tưởng hướng nội theo kiểu chỉ “chăm chăm” chờ đợi chính sách ưu đãi của Nhà nước mà quên đi việc hướng ngoại nhằm nâng cao sức cạnh tranh, không bứt phá được. Hơn nữa, nhiều DN vẫn chưa thoát khỏi “chiếc áo không chuyên”, chất lượng các đơn hàng không đồng đều nên nhiều bạn hàng “một đi không trở lại”. Ngay cả trong Lilama, có hàng chục nhà máy chế tạo, xưởng cơ khí, dẫn đến phân tán và chưa hiệu quả. Lẽ ra nếu được ưu đãi như vậy thì DN phải tận dụng để bứt phá, đồng thời phải đẩy mạnh tái cơ cấu vì đây chính là cách tăng cường khả năng tài chính, quản trị, giúp các DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện tình trạng lãng phí tại DN cơ khí xảy ra khá lớn khi mà DN để trống nhà xưởng, máy móc, thiết bị phơi  mưa phơi nắng… Trong khi đó, nếu những thiết bị này nằm trong tay các đơn vị khác, có đầu ra ổn định sẽ phát huy hiệu quả hơn nhiều.

Print Hiện nay, các chính sách điều chuyển nguồn lực giữa các đơn vị sử dụng nguồn vốn Nhà nước vẫn chưa rõ ràng. Mục tiêu là tối đa hóa hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực vốn đã hạn hẹp của DN, do vậy đã đến lúc cấp thẩm quyền cần xem xét ban hành các chính sách sắp xếp, chuyển giao các nguồn lực để phát huy hiệu quả cao nhất. Để DN cơ khí có thể phát triển, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Văn Thụ phân tích một số lợi thế lớn. Thứ nhất, với bờ biển trải dài, sông ngòi chằng chịt, chúng ta phải có một ngành kinh tế mạnh về biển, thủy hải sản và ngành công nghiệp không thể thiếu là đóng tàu. Trước đây, Nhà nước đã tập trung cho lĩnh vực này, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên Việt Nam vẫn chưa hình thành được ngành công nghiệp đóng tàu. Nhưng nếu không đầu tư cơ khí đóng tàu thì chúng ta bỏ phí rất nhiều nguồn lực. Có thể nguyên liệu sắt thép và những máy chính ta phải đi mua, nhưng thiết kế, tổ hợp thành con tàu ta phải làm chủ được. Khi đào tạo được lực lượng thiết kế, hình thành thị trường đóng tàu, ta có thể chủ động đặt các chi tiết, hệ thống, thiết bị khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi tính chuyên môn hóa, phân công công việc và tính chuyên nghiệp rất cao. Thứ hai, dư địa phát triển cơ khí cho nông nghiệp còn rất lớn khi nông nghiệp chiếm tới 70% cơ cấu kinh tế. Nếu ta không chủ động phát triển cơ khí cho nông nghiệp thì đây là thiếu sót lớn. Hiện nay, các máy móc phục vụ nông nghiệp hầu hết là hàng ngoại nhập, trong khi các DN cơ khí trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được. Ở góc độ DN, Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Vinashin Dung Quất Phan Tử Giang nhận định, cách đầu tư là từng bước hình thành thị trường đóng tàu để từ đấy các DN trong nước hay nước ngoài sẽ tự động tập trung vào ngành này. Một trong những lợi thế nữa của Việt Nam là giá nhân công cạnh tranh, dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ lớn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng “hút” các đơn hàng của các nước trên thế giới, trong đó có cơ khí. Điều này đòi hỏi trình độ tay nghề, tính chuyên nghiệp, khả năng quản trị DN… (theo chinhphu.vn)