Định hướng khởi nghiệp của Mỹ có từ năm 1947

00:00 12/10/2020

Kể từ khi khóa học khởi nghiệp đầu tiên được tổ chức bởi Giáo sư Myles Mace tại Trường Kinh doanh Harvard năm 1947, từ đó các chương trình đào tạo định hướng khởi nghiệp hay đào tạo khởi nghiệp (ĐTKN) trong trường đại học của Mỹ đã phát triển nhanh chóng và lan rộng trên quy mô toàn cầu.


Tại Mỹ, từ thập niên 1970 đến giữa thập niên 2000, mỗi năm có 500.000 đến 600.000 doanh nghiệp mới mở ra và sự xuất hiện của những tập đoàn hùng mạnh khiến nền kinh tế Mỹ phát triển vượt bậc. Điều gì đã làm nên sự phát triển này của nước Mỹ?

Có rất nhiều yếu tố tạo nên sự hưng thịnh của nước Mỹ, nhưng tinh thần khởi nghiệp của người Mỹ và vai trò quan trọng của trường đại học là một trong những yếu tố quyết định. Những người làm chính sách tại Mỹ cho rằng đại học có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế khu vực và thúc đẩy khởi nghiệp. Một số bằng chứng là Học viện MIT (Massachusetts Institute of Technology Valley) đóng vai trò thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tại Boston và Đại học Stanford ở khu vực Silicon Valley.

ĐTKN đã trở thành lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo riêng với hàng nghìn trường cung cấp môn học này. Hơn 40 tờ báo và tạp chí chuyên về lĩnh vực này, hàng trăm trung tâm và hàng chục tổ chức chuyên nghiệp trong thúc đẩy ĐTKN. Các trường đại học, tổ chức của Mỹ cung cấp bằng cấp về ĐTKN ở cấp độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.Theo đó, họ đã tạo ra chương trình giảng dạy toàn diện cho các chuyên ngành ĐTKN.

Về chương trình đào tạo: Các trường đại học Mỹ đã phát triển một loạt các khóa học về khởi nghiệp. Các khóa học được chia thành ba loại: (1) khóa học hướng dẫn tổng quan về kế hoạch kinh doanh; (2) các khóa học có liên quan chặt chẽ đến các giai đoạn của vòng đời kinh doanh; (3) các khóa học về chức năng kinh doanh bao gồm các vấn đề liên quan đến quản lý (ví dụ: đặc điểm của doanh nhân, quản lý đổi mới, xây dựng nhóm) và/hoặc về tài chính, kế toán và thuế, luật và tiếp thị.

Các trường đại học cung cấp hai loại hoạt động ngoại khóa: nhằm tạo cơ hội khám phá chuyên sâu hơn, chẳng hạn như câu lạc bộ sinh viên và chuỗi trình diễn để tăng khả năng tiếp cận với khởi nghiệp và các hoạt động tăng cường kinh nghiệm thực tế, chẳng hạn như các cuộc thi lập kế hoạch kinh doanh và thực tập để khuyến khích phát triển hơn nữa các kỹ năng khởi nghiệp.

Về giảng viên: Các trường đại học ở Mỹ tuyển dụng giảng viên toàn thời gian phục vụ cho những chương trình ĐTKN, mặc dù có một tỷ lệ cao các trợ giảng giảng dạy khởi nghiệp, ngay cả trong một số trường kinh doanh nổi tiếng nhất ở Mỹ.

Về kinh phí: Tại Mỹ, giáo dục và đào tạo nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các nguồn bên ngoài như các doanh nhân thành đạt và các quỹ, cũng như từ chính phủ. Nhiều trường đại học đã thành lập các trung tâm khởi nghiệp và đảm bảo vị trí giảng dạy khởi nghiệp, hầu hết trong số đó được cung cấp bởi các doanh nhân thành công đã tốt nghiệp từ các tổ chức đó.

Về gắn kết giữa trường đại học và ngành công nghiệp: hợp tác với khu vực công nghiệp thường được coi là thế mạnh của các trường đại học Mỹ. Hợp tác giữa ngành công nghiệp và trường đại học thể hiện qua nhiều hình thức. Theo Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF), tại Mỹ, có 4 nội dung hợp tác giữa đại học – công nghiệp: hỗ trợ nghiên cứu, cộng tác nghiên cứu, chuyển giao tri thức và chuyển giao công nghệ.

Sự gia tăng số lượng các cơ sở giáo dục khởi nghiệp còn đi kèm với xu hướng làm sâu sắc thêm cơ sở tri thức khởi nghiệp. Thạc sĩ và các chương trình sau đại học khác đã đi theo hai hướng: Một mặt, các chương trình sau đại học hiện nay có xu hướng cung cấp các nhóm khóa học trong lĩnh vực khởi nghiệp; Mặt khác, có chương trình khởi nghiệp riêng, sinh viên hiện có thể tốt nghiệp với bằng cấp khởi nghiệp.

Năm 1971, Đại học Nam California giới thiệu khóa đào tạo thạc sĩ khởi nghiệp liên ngành đầu tiên.Các chương trình đào tạo tiến sĩ về khởi nghiệp cần nhiều thời gian hơn và Mỹ có nhiều trường nhất (khoảng hơn 20 trường) ĐTKN trình độ này.
Xây dựng lối sống và văn hóa khởi nghiệp ngay trong trường đại học. Nhiều trường có các chương trình ĐTKN được cho là đang thành công. Trung tâm Khởi nghiệp MIT (MIT Entrepreneurship Center) là một trong những trung tâm nghiên cứu và giảng dạy lớn nhất tại MIT. Trung tâm được thành lập vào đầu những năm 1990 và được giao nhiệm vụ phát triển các hoạt động và lợi ích khởi nghiệp của MIT trong giáo dục và nghiên cứu, liên minh và cộng đồng.

Trong số các trình độ đào tạo, Trung tâm cung cấp các khóa đào tạo thạc sĩ và các chứng chỉ về khởi nghiệp và đổi mới. Trung tâm chịu trách nhiệm thúc đẩy ĐTKN trong suốt các khóa học của MIT, cũng như hỗ trợ cho các doanh nhân – sinh viên dưới các hình thức như chỗ làm việc, văn phòng, không gian, cố vấn chuyên môn, thực tập tại Silicon Valley và các khoản trợ cấp và giải thưởng. Hằng năm Trung tâm tổ chức cuộc thi khởi nghiệp trị giá 100.000 USD.

Babson là trường đại học đứng thứ nhất tại Mỹ trong 3 năm liên tục về giảng dạy khởi nghiệp cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, theo xếp hạng uy tín US News & World Report. Babson xây dựng văn hóa khởi nghiệp bằng cách khuyến khích sinh viên thử nghiệm các ý tưởng kinh doanh mới; trao vốn cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất, bổ trợ kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên bằng các khóa học chuyên môn như: pháp lý, sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm…

Chương trình Khởi nghiệp McGuire (trước đây là Berger ra đời từ năm 1983), của Đại học Arizona và là một trong những chương trình khởi nghiệp lâu đời nhất trong cả nước, dành cho sinh viên đại học và sau đại học ở độ tuổi 20–35 tại Đại học Arizona. Mục đích của chương trình là cải thiện tư duy và kỹ năng khởi nghiệp của sinh viên – chuẩn bị cho họ tự làm chủ hoặc tham gia một công ty.

Chương trình bao gồm các khóa học cốt lõi về khởi nghiệp, lợi thế cạnh tranh, tài chính liên doanh, nghiên cứu thị trường và phát triển kế hoạch kinh doanh. Chương trình này cũng đào tạo khởi nghiệp cho các sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học. Các sinh viên có thể chọn chuyên ngành và lĩnh vực tập trung, chẳng hạn như Khởi nghiệp/ Marketing và Khởi nghiệp/Tài chính.

Tất cả sinh viên đều nhận được học bổng, và nhiều sinh viên được thực tập với các công ty mới thành lập hoặc các tổ chức đầu tư mạo hiểm trong mùa hè ngay trước khi bước vào giai đoạn chính thức của nghiên cứu khởi nghiệp. Chương trình này đã góp phần thúc đẩy ĐTKN, thành lập doanh nghiệp, khả năng tự kinh doanh, chuyển giao công nghệ từ trường đại học sang khu vực tư nhân.

Các chương trình ĐTKN khác cũng có nhiều thành công như: Chương trình Training Entrepreneurship Training Program dành cho các doanh nhân tiềm năng, Chương trình tăng trưởng Mỹ thông qua dự án khởi nghiệp (Growing America Through Entrepreneurship Project) với kinh phí hằng năm là 200.000 USD, và Chương trình Training Women for Success dành cho nữ giới.

Ngoài ra, Mỹ có Chương trình Mạng lưới Giảng dạy khởi nghiệp (NFTE) đã hoạt động tại Boston từ năm 1991, liên kết 18 trường công lập ở đó. Để cung cấp chương trình, NFTE chứng nhận các giảng viên đã giảng dạy tại các trường nơi chương trình của họ diễn ra. Mỗi giáo viên trải qua khóa đào tạo và NFTE cung cấp các ưu đãi tài chính cho các giảng viên được chứng nhận phục vụ cho các chương trình phát triển ĐTKN. Ngoài các giảng viên được chứng nhận của NFTE, các cố vấn đến lớp một vài lần trong năm để hướng dẫn các sinh viên và giúp sinh viên tạo ra các kế hoạch khởi nghiệp của họ. NFTE đã thu hút hơn 500.000 sinh viên và đào tạo 5.000 giáo viên trên toàn thế giới.

Một yếu tố không thể thiếu để tăng cường tính cạnh tranh và động viên, thúc đẩy giáo dục và ĐTKN của Mỹ là đánh giá và xếp hạng các chương trình khởi nghiệp cấp đại học được tạp chí Success Magazine đưa ra vào năm 1995, dựa trên các đánh giá về tiêu chí bao gồm trình độ của giảng viên, sự đa dạng và chiều sâu của chương trình giảng dạy khởi nghiệp, tiêu chuẩn học thuật và điểm số của sinh viên, và chất lược các nguồn lực.

Từ năm 2005, các bảng xếp hạng đã được công bố trên các phương tiện truyền thông như Entrepreneurship Media, US News và World Report, Fortune Small Business and Business Week. Mặc dù các bảng xếp hạng này đang gây tranh cãi và một số tiêu chí có vấn đề, nhưng chúng phục vụ như một phương tiện đo lường sự tiến bộ của giáo dục khởi nghiệp.

PV (dịch)