Điều 292 Luật Hình sự 2015 - rủi ro lớn của doanh nghiệp kinh doanh qua mạng?

00:00 12/10/2020

Ngày 01/07/2016 tới đây, tức là chỉ còn 10 ngày nữa, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, dư  luận trong nước hiện nay đang dấy lên lo lắng rằng Điều luật này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh doanh trên mạng, đặc biệt là đến các Start-up Việt.

kinh-doanh-online-by-tuong-com

Nội dung điều luật này cụ thể như sau:

Điều 292. Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông

1. Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:

a) Kinh doanh vàng trên tài khoản;

b) Sàn giao dịch thương mại điện tử;

c) Kinh doanh đa cấp;

d) Trung gian thanh toán;

đ) Trò chơi điện tử trên mạng;

e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.

…..

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Về vấn đề này, Luật sư Lê Ngọc – công ty Luật HILAP group đưa ra quan điểm như sau:

Có thể thấy, việc loại bỏ tội “kinh doanh trái phép” là một điểm tiến bộ rất lớn trong BLHS 2015 so với luật cũ. Việc này đã tránh được việc hình sự hóa vi phạm hành chính, đảm bảo cho người dân, doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, làm giàu cho bản thân, xã hội mà không sợ vướng vào vòng lao lý.

Tuy nhiên, bên cạnh việc loại bỏ tội “kinh doanh trái phép”, các nhà làm luật lại đưa ra một điều luật mới về tội “cung cấp dịch vụt trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”. Trong điều luật này, các nhà làm luật đã liệt kê hầu hết các trường hợp cần phải xin phép mới được cung cấp dịch vụ vì đây là những loại hình kinh doanh đặc thù, dễ dẫn đến lừa đảo, ảnh hưởng xấu đến người dùng. Tuy nhiên, các nhà làm luật Việt lại “thòng” thêm một thòng lọng, để xử lý các trường hợp mà họ chưa thể dự tính được tại thời điểm xây dựng luật, đó chính là điểm e Khoản 1 Điề 292: “e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.

Nhưng “dịch vụ khác” ở đâu là những dịch vụ nào? Quy định ở đâu? Bao giờ quy định? Làm thế nào để tra cứu, tìm hiểu những loại dịch vụ phải xin phép thì mới được kinh doanh khi mà thị trường đang thay đổi từng ngày, thậm chí là từng giờ? Có thể thấy, hầu hết các Start-up Việt cũng như những người Việt trẻ mới bắt đầu kinh doanh, họ phần lớn đều lựa chọn hình thức kinh doanh trên mạng, vừa để giảm thiểu chi phí, vừa đến gần khách hàng tiềm năng hơn. Vậy làm thế nào để họ có thể vừa hoạt động vừa đảm bảo mình sẽ không vướng vào vòng lao lý? Bởi rõ ràng, lợi nhuận khi kinh doanh qua mạng là rất lớn.

Có thể thấy, quy định như Điều 292 trên đây là quá cứng nhắc, nặng về mặt “xin – cho”, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh, là hình sự hóa vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, việc chỉnh sửa luật - nếu có xảy ra - cũng cần một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, trước mắt, các doanh nghiệp của chúng ta có lẽ vẫn cần phải tự tìm cách “sống chung với lũ”.

Hồng Liên

Công ty Truyền Thông, Hilap group.